Ngày hội thanh niên Thủ đô với nghề nghiệp lần thứ nhất:

Đại học không phải là lựa chọn duy nhất

Đại học không phải là lựa chọn duy nhất
TP - Ngày hội thanh niên (TN) Thủ đô với nghề nghiệp do Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với Sở LĐTB&XH, Thành Đoàn Hà Nội tổ chức được khai mạc sáng qua (18/3) tại Trường TH Thương mại Du lịch Hà Nội.

Diễn ra trong 2 ngày 18 và 19/3, Ngày hội được tổ chức với hàng loạt các hoạt động như:

Tư vấn mùa thi; hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển Thủ đô - thực trạng và giải pháp”; diễn đàn thanh niên với nghề nghiệp theo các chủ đề về: Nghề nghiệp - Đào tạo - Thị trường lao động; lựa chọn nghề nghiệp - Học nghề - Việc làm; hơn 60 gian hàng trưng bày và tư vấn trực tiếp của các đơn vị đào tạo, các trung tâm giới thiệu việc làm, doanh nghiệp tuyển dụng lao động... thu hút đông đảo học sinh (HS) ở tất cả các trường THPT trên địa bàn Hà Nội tham gia.

Tại hội trường tư vấn tuyển sinh ĐH, CĐ, TH chuyên nghiệp, CĐ nghề, trung cấp nghề lúc nào cũng chật cứng bởi số lượng HS tham gia đặt câu hỏi và nghe tư vấn.

Chị Lâm Thúy, chuyên gia tư vấn của Văn phòng tham vấn Vala (thuộc Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam) cho hay, hầu hết HS chỉ biết đến những nghề nghe rất oai đang được coi là nghề “hot” hiện nay nhưng lại không biết phải học môn gì, thi khối nào và có năng khiếu hay không?

Thua trên sân nhà nếu không có nguồn nhân lực chất lượng cao

Một trong những nội dung của Ngày hội, Hội thảo về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao được tổ chức chiều qua (18/3) với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý đào tạo, các doanh nghiệp... PGS. TS Nguyễn Đại Thành - Vụ GDCN (Bộ GD&ĐT) cho biết, trên địa bàn Hà Nội hiện có 56 trường và phân hiệu ĐH, HV, 20 trường CĐ, 35 trường TCCN, 32 trường trung cấp và cao đẳng nghề... với sự đa dạng về ngành nghề đào tạo.

Tuy nhiên, hệ thống trường dạy nghề còn bộc lộ nhiều yếu kém như:

Trang thiết bị, nhà xưởng, lớp học, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành vừa thiếu vừa lạc hậu không đủ cho SV thực tập hoặc làm quen với thực tế; chương trình đào tạo chậm đổi mới, mang nặng tính hàn lâm, lý thuyết xa vời, các cơ sở đào tạo còn thiếu các chuyên gia...

Cùng quan điểm trên, PGS.TS Đặng Quốc Bảo nhấn mạnh: Hiện có tình trạng nhập cư lao động có trình độ cao từ các nước trong khu vực vào nước ta, trong đó có Hà Nội.

Là thành phố phát triển với rất nhiều thuận tiện nhưng không sớm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Hà Nội sẽ thua ngay trên sân nhà!    

Chính vì thế, việc nhận biết về môi trường về việc làm, tính chất, nhu cầu và xu hướng phát triển của nghề... là nội dung được HS quan tâm nhất.

Ngoài ra, việc định hướng cho HS hiểu được tầm quan trọng của việc học nghề và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp khiến nhiều HS trút được gánh nặng cứ phải “tiến quân” vào giảng đường đại học.

Sau khi hướng dẫn và giải đáp những thắc mắc cho HS lớp 12 về thi tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN-DN năm 2008, Ban tư vấn gồm đại diện các cơ sở đào tạo, các nhà tâm lý, chuyên gia tư vấn... giúp học sinh định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực của từng em.

Diệu Linh - Lớp 12A11 THPT Xuân Đỉnh (Hà Nội) chăm chú theo dõi những hướng dẫn để làm bài thi tốt. Linh cho rằng điểm mới thu hút hầu hết HS là phần tư vấn về tâm lý, đặc biệt là thông qua trò chơi “Đặc trưng tính cách của các nghề” và “Đoán nghề qua hành động”... đã giúp cho HS hiểu rõ hơn về nghề.

Theo chị Nguyễn Thu Hà - Quản lý văn phòng Hiệp hội Cao đẳng cộng đồng Việt Nam chi nhánh tại Hà Nội, đã có hơn 1.000 HS tham gia trả lời bảng điều tra nguyện vọng và số lượng các em đăng ký học nghề khá cao.

Nhiều em khẳng định, học nghề là sự lựa chọn phù hợp với mong muốn cũng như sức khỏe và sự say mê của các em. Rõ ràng, với nhu cầu của thị trường lao động hiện nay.

Ban tổ chức cho biết, với mục đích giới thiệu cho học sinh về các ngành nghề qua đó đào tạo ra những lao động có tay nghề cao, lực lượng chính trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất nên trong gần 60 đơn vị tham gia trưng bày và tư vấn, hầu hết là khối các trường trung học, trung cấp và cao đẳng đào tạo nghề.

Ngoài ra có sự xuất hiện của một số trung tâm tư vấn nghề nghiệp, các doanh nghiệp tuyển dụng lao động.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho HS, Ban Tổ chức bố trí 40 xe 45 chỗ ngồi đưa đón HS 2 buổi sáng và chiều tại những trường THPT ở các huyện: Sóc Sơn, Gia Lâm, Đông Anh và Thanh Trì.

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều HS, số lượng tờ rơi quảng bá cho

Ngày hội quá nhiều trong khi cẩm nang giới thiệu về các đơn vị trong hệ thống các trường dạy nghề trong đó giới thiệu những nghề được đào tạo như thế nào, thời gian bao lâu, thủ tục đăng ký học nghề ra sao... lại quá hiếm hoi khiến nhiều em phải truyền tay nhau đi photo.

MỚI - NÓNG