Dấn thân để thành công

Thanh niên Nhật Bản, Myanmar, Campuchia và Việt Nam tham quan nông trại Tâm Việt của anh Võ Văn Tiếng (bìa trái) tại Đồng Tháp.
Thanh niên Nhật Bản, Myanmar, Campuchia và Việt Nam tham quan nông trại Tâm Việt của anh Võ Văn Tiếng (bìa trái) tại Đồng Tháp.
TP - Sáng tạo, khác biệt, dấn thân vượt khó… là những câu chuyện về sự trải nghiệm được gần 100 thanh niên khởi nghiệp đến từ Nhật Bản, Myanmar, Campuchia và Việt Nam chia sẻ cùng nhau.

Buổi gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm (nằm trong khuôn khổ dự án Tigers@Mekong nhằm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, doanh nghiệp SME trong khu vực Mekong gồm 5 nước Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam) diễn ra cuối tuần qua tại Đồng Tháp, đã tiếp thêm động lực và sinh khí trong hoạt động khởi nghiệp của giới trẻ Việt Nam.

Không ngại dấn thân

Chị Soe Amy Kyaw, một nữ doanh nhân đến từ Myanmar chia sẻ về quá trình khởi nghiệp đầy khó khăn của mình. Do thích ăn chocolate nên chị thường vào các cửa hàng  mua chocolate. Chị nhận thấy các sản phẩm này được làm từ ca cao nhưng nguyên liệu lại nhập khẩu từ nước ngoài. Từ đó, chị nảy ra ý tưởng và tham vọng nội hóa bột ca cao. Tuy nhiên, trở ngại chị gặp phải là quan niệm của Myanmar việc đồng áng dành cho người đàn ông, không dành cho phụ nữ. Trong khi, nơi chị muốn trồng ca cao thuộc khu vực chiến sự. Lúc đó, giống ca cao ở trong nước cũng không có, phải nhập từ Indonesia. “Chính phủ không ủng hộ dự án kinh doanh của chúng tôi, vì đó là vùng chiến sự và họ cũng không định hướng được thị trường nào cho loại sản phẩm này. Lúc đầu chúng tôi cũng không thể kiếm ra được nguồn nhân lực có chất lượng”-Soe Amy Kyaw kể.

Tuy nhiên, trong vòng chưa đầy 10 năm thì mọi chuyện đã khác. Chị phối hợp, đồng hành cùng với người dân trồng ca cao và hiện nay đã có 50 hộ tham gia với tổng diện tích trên 100 ha. Cùng với phát triển nguồn nguyên liệu, chị tổ chức sản xuất, cho ra đời các loại chocolate thành phẩm. “Bây giờ chúng tôi đã sản xuất được sản phẩm chocolate của chính mình và được người dân trong nước đón nhận”-Soe Amy Kyaw nói đầy tự hào. Chị còn cho biết, sản phẩm do doanh nghiệp chị làm ra không chỉ dần thay thế hàng nhập khẩu ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu đi nhiều nước, đặc biệt các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản và Hong Kong... “Đó là điều khiến “người nông dân tự hào, còn tôi thì rất hạnh phúc”- Soe Amy Kyaw trải lòng. Không chỉ người dân hay doanh nghiệp tự hào, Chính phủ nước này cũng lấy làm tự hào với sản phẩm chính hiệu của Myanmar. “Chính phủ rất tự hào và ủng hộ sản xuất những loại chocolate sạch mang thương hiệu của Myanmar, đồng thời đề nghị chúng tôi mở rộng mô hình để thêm nhiều hộ nông dân cùng tham gia”-chị Soe Amy Kyaw nói.

“Điều quan trọng để khởi nghiệp thành công và tạo ra giá trị cho xã hội là phải cập nhật, đáp ứng xu hướng chung của thị trường quốc tế”-chị Vannary San đến từ Campuchia nói. Vannary San là người sáng lập Cty chuyên sản xuất lụa nổi tiếng và hoạt động trong lĩnh vực xã hội ở Campuchia. Vannary San cho biết, trước đây người dân quê hương chị ngoài trồng lúa còn dệt lụa. “Nghề dệt rất nổi tiếng nhưng sau thảm họa diệt chủng, nghề này cũng bị “diệt chủng” theo” - Vannary San chia sẻ. Chị mong muốn khôi phục nghề truyền thống bằng việc lập doanh nghiệp xã hội và liên kết những nông dân trồng dâu, đem lại sinh kế và nguồn thu nhập cho họ. Chị tổ chức nhiều hoạt động tập huấn nâng cao năng lực để phát triển sản phẩm dệt, đồng thời cập nhật kiến thức thường xuyên cho nông dân như kỹ thuật, mẫu hoa văn… để đa dạng sản phẩm và tăng kỹ xảo cho sản phẩm, nhằm nâng cao tính cạnh tranh.

Con đường của sự khác biệt

Làm thế nào để huy động được nguồn vốn và cách thuyết phục nhà tài trợ để họ tin tưởng?

Một thanh niên khởi nghiệp đặt câu hỏi dành cho ông Nguyễn Lâm Viên-Tổng giám đốc Cty Vinamit, người thành công trong việc khởi nghiệp từ nông sản và là chủ nhân của các sản phẩm nông sản sấy khô với thương hiệu nổi tiếng Vinamit. Ông Viên chia sẻ: “Kinh nghiệm quý báu cho khởi nghiệp thành công chính là sự khác biệt, nếu không sẽ khó đi vào thị trường cho dù có làm tốt cách mấy, thậm chí không khéo sẽ dẫn đến thất bại nhanh chóng”.

Theo lời ông Viên, khởi nghiệp đầu tiên phải có ý tưởng đủ hấp dẫn và tạo được sự khác biệt với các sản phẩm khác xung quanh. Làm ra sản phẩm trước, sau đó mang đi tiếp thị, tìm người mua, thăm dò ý kiến khách hàng xem người ta thích sản phẩm của mình không, sản phẩm mình hay và khác biệt chỗ nào. “Người thử nghiệm sẽ thấy sản phẩm của bạn tuyệt vời thế nào, rồi họ có ý muốn đặt hàng nhiều hơn. Từ đó, mới gọi vốn của người ta được, nhờ người ta hỗ trợ vốn để mình làm ra những sản phẩm giống như vậy cung cấp cho họ”- ông Viên gợi mở bí quyết.

Giữa một thị trường gạo bùng nổ về hình thức và số lượng, chàng trai Võ Văn Tiếng, ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) chọn cho mình con đường khởi nghiệp với đầy khác biệt: Sản xuất gạo sạch. Tiếng kể, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, Tiếng vác ba lô đi khắp nơi để học hỏi kinh nghiệm và kiến thức thị trường. Sau một năm lăn lộn, khi hiểu được thị trường và nắm bắt nhu cầu của thị trường cũng như người dân cần gì, Tiếng trở về bắt tay vào làm lúa sạch với thương hiệu Tâm Việt. Sản phẩm gạo Tâm Việt hoàn toàn không sử dụng phân, thuốc hóa học. Đầu năm 2015, Tiếng trồng 2 ha, sau hơn 2 năm đã phát triển lên trên 40 ha. Sản phẩm làm ra tới đâu được tiêu thụ đến đó.

Ông Nguyễn Lâm Viên khẳng định, trong khi nông dân làm theo truyền thống, bón phân hóa học, thuốc trừ sâu…,  Tiếng trở về với tự nhiên và khác biệt chính là ở chỗ đó. 

Khởi nghiệp đầu tiên phải có ý tưởng đủ hấp dẫn và tạo được sự khác biệt với các sản phẩm khác xung quanh. Làm ra sản phẩm trước, sau đó mang đi tiếp thị, tìm người mua, thăm dò ý kiến khách hàng xem người ta thích sản phẩm của mình không, sản phẩm mình hay và khác biệt chỗ nào.

MỚI - NÓNG