Đặng Thùy Trâm trong ký ức người dân Đức Phổ (Quảng Ngãi)

Đặng Thùy Trâm trong ký ức người dân Đức Phổ (Quảng Ngãi)
(TPO) Những ngày qua, hình ảnh nữ BS Đặng Thùy Trâm - người đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc trên mảnh đất Phổ Cường lại hiện về trong tâm trí người dân ở đây.

Họ đón chào mẹ và các em của chị Trâm bằng những tấm lòng chân thành như bao người thân của mình. Chị Nguyễn Thị Cho - Nguyên Xã đội phó xã Phổ Cường lúc bấy giờ - bồi hồi nhớ lại:

"Nếu không có chuyện gì không chừng Trâm là chị dâu của tôi. Ngày đó, anh Nguyễn Văn Thuận là anh trai tôi được chị Trâm kết nghĩa chị em (Thuận nhỏ hơn Trâm 1 tuổi). Hai người thường xuyên qua lại, trò chuyện ở nhà của chị Tạ Thị Ninh cũng là một nữ y tá công tác cùng chị Trâm, rồi nảy sinh tình yêu. Tôi đưa tiền cho anh Thuận làm một chiếc nhẫn tặng chị Trâm. Nhưng rồi chị Trâm hy sinh tháng 6/1970 thì một năm sau anh Thuận cũng đi theo".

Đặng Thùy Trâm trong ký ức người dân Đức Phổ (Quảng Ngãi) ảnh 1

Ông Trạng trả lời phỏng vấn

Còn ông Trần Nguyên Trạng (73 tuổi), dân địa phương, nguyên trước đây là người quản lý trạm xá nơi chị Trâm công tác thì vẫn không quên được tấm lòng bao dung, vị tha và đầy trách nhiệm của một người bác sĩ trẻ Đặng Thuỳ Trầm.

Ông kể: "Rất nhiều lần bệnh xá hết lương thực, mặc dù không phải công việc của mình những chị Trâm vẫn xung phong đi đào sắn, hái rau, nhặt củi ngoài rừng. Có lần chị phải nhịn đói để dành lương thực cho thương binh".

Ông Đoàn San (65 tuổi) kể: "Tôi vinh dự 2 lần được bác sĩ Trâm chăm sóc cứu chữa, nếu không tôi không còn sống đến bây giờ. Lần thứ nhất, vào đầu năm 1968 tôi bị thương. Còn lần thứ 2 tôi bị mổ ruột thừa, nhưng sau đó bị nhiễm trùng nên phải nằm điều trị 2 tháng liền. Lần đó, tôi lên cơn sốt bất tĩnh, anh thương binh nằm giường kế bên liền kêu lớn: Chị Trâm, hình như anh San chết rồi. Sau này tôi nghe mọi người kể lại khi nghe thế chị Trâm liền mang thuốc chạy đến, nhưng bị vấp ngã rất đau nhưng chị vẫn nén lại để cứu tôi".

Do vậy, hôm gặp mẹ và hai em của BS Trâm ông San đã không cầm được lòng, ông xem những người thân của chị Trâm như ân nhân của mình.

Chị Nguyễn Thị Liên - Người chứng kiến sự hy sinh của BS Trâm phải gạt nước mắt nhiều lần mới có thể kể lại được: "Tôi và chị Trâm đi công tác nhiều lần nhưng như linh tính báo trước suốt đêm 21/6/1970 chúng tôi đều thao thức.

Hôm 22/6/1970, đơn vị phân công tôi và chị Trâm đi tiền trạm. Sau khi ăn trưa hai chị em lên đường. Mùa hè nóng như đổ lửa. Thuốc bom, pháo lẫn với cái năng gay gắt của mùa hè tạo thành một mùi khét đến nghẹt thở. Trên đường đi chị em râm ran kể chuyện về đời sinh viên của chị. Rồi chị lại hỏi tôi: "Không biết ba mẹ ở Hà Nội có biết chị em mình gian khổ, đói khát, chịu sự ác liệt như thế này không?".

Đang nói chuyện tôi phát hiện có mùi thuốc lá Mỹ. Trong bụi rậm có 3 tên Mỹ đen lao đến muốn bắt sống chị. Tôi hét lên: "Mỹ! Mỹ, chị Hai!". Tôi len xuống dốc chừng 10 mét thì hàng loạt đạn tiểu liên AR15 bắn vào người chị. Tôi nép người quan sát thì thấy bọn Mỹ vây quanh chị như bầy thú dữ...

Tôi đã giữ chiếc áo bà ba đen cổ tròn do bọn Mỹ xé rách của chị và đã khâu lại mặc cho đến ngày giải phóng...".

Đặng Thùy Trâm trong ký ức người dân Đức Phổ (Quảng Ngãi) ảnh 2

Ông Trần Mạnh Thường với mẹ chị Trâm ở chiến trường xưa

Ông Trần Mạnh Thường - Nay là Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh - được chị Trâm nhận làm em nuôi thì xúc động nói: "Không những làm bác sỹ điều trị cho thương bệnh binh mà chị Trâm còn trực tiếp chiến đấu với bọn Mỹ mỗi lần xuống với dân. Chị có một lý tưởng cách mạng cao đẹp, một người thầy thuốc chiến trường tận tụy và có cả một tấm lòng nghệ sỹ".

Cuốn nhật ký lưu lạc bên kia bờ Đại Tây Dương nay được những người bên kia chiến tuyến trao lại đã nói lên được điều ấy. Ông Frederic Whitehurst - Cựu chiến binh Mỹ từng tham gia chiến đấu ở Đức Phổ thổ lộ: "Khi đọc cuốn nhật ký của chị Trâm và trở lại Đức Phổ - Nơi đơn vị tôi đóng quân, tôi cảm thấy quý trọng và thán phục trước sự gan dạ, thông minh, đầy hoài bão của một người con gái còn rất trẻ như chị Trâm. Có lẽ, chính những con người như chị Trâm này đã giúp Mỹ thấy được chân lý như ngày hôm nay".

Ông Hùng - Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ - tâm sự: "Lịch sử chiến tranh Việt Nam đã cho thấy hàng vạn những con người đầy lý tưởng cách mạng. Nhưng với chị Trâm, phải nói rằng đó là một phụ nữ làm cách mạng đầy chí khí. Lẽ ra khi tốt nghiệp xuất sắc chị có quyền ở lại Hà Nội nhận công tác. Đằng này chị xung phong vào nam để chia lửa cùng đồng bào Đức Phổ thì rất đáng để khâm phục. Vì thế, kể từ đầu tháng Tám, huyện chỉ đạo cho Đoàn thanh niên phát động phong trào thanh niên ra sức học lập, lao động sáng kiến kỹ thuật, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội ... noi gương nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm".

MỚI - NÓNG