Đào tạo nghề: Lại chuyện thừa và thiếu

Đào tạo nghề: Lại chuyện thừa và thiếu
TP - Đào tạo nghề nghiệp thừa chất lượng thấp, thiếu chất lượng cao là nội dung của một hội thảo trong khuôn khổ sự kiện ngày hội thanh niên thủ đô với nghề nghiệp (từ 15 đến 17/3).

Cách đây hơn chục năm, Hà Nội chỉ có một vài siêu thị. Nay, có đến một trăm siêu thị, trung tâm thương mại và hàng trăm cửa hàng tiện ích tham gia vào thị trường bán buôn, bán lẻ trên địa bàn.

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Thành phố Hà Nội, nhờ có hệ thống bán hàng hiện đại này hiệu suất kinh tế ngành thương mại tăng đáng kể.

Có những siêu thị, trung tâm thương mại doanh số bán hàng lên đến 4 – 5 tỷ đồng/ ngày. Năng suất lao động trong các siêu thị, trung tâm thương  mại cao gấp sáu lần so với hình thức bán lẻ truyền thống.

Nhưng làm việc trong các trung tâm thương mại, siêu thị hiện nay có đến một nửa lao động chưa qua đào tạo chuyên ngành. Nhiều lao động qua đào tạo ở các trường đại học nhưng chưa có quy chuẩn nào mang tính chuyên nghiệp.

Không ít người có bằng cử nhân nhưng làm việc không đúng nghề, ít được đào tạo chuyên sâu về kỹ năng nghiệp vụ quản lý bán hàng tiếp thị. Lực lượng khủng hoảng thiếu là cán bộ quản lý thương mại cấp cao như giám đốc bán hàng, quản trị doanh nghiệp, quản trị tài chính.

Ông Trịnh Xuân Dũng, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Du lịch cũng chia sẻ nỗi niềm tương tự.

Hiện nay thành phố có hàng chục nghìn doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh ngành nghề kinh doanh lữ hành, gần 550 cơ sở lưu trú (trong đó có 185 khách sạn được xếp hạng), nhiều vô kể các nhà hàng, quán bar, quán cafe..., lực lượng lao động trực tiếp làm trong lĩnh vực du lịch khoảng 30.000 người.

Tuy nhiên, số lao động không đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động rất lớn.

Ông Nguyễn Phương Nam, Phó ban Quản lý KCN – KCX Hà Nội đưa ra con số, trong 100.000 lao động của chín khu công nghiệp ở Hà Nội hiện nay, hơn 80 phần trăm là lao động chất lượng thấp.

Ông Nguyễn Phương Nam băn khoăn: “Nhìn vào số lượng cơ sở đạo tạo nghề nghiệp của Hà Nội chúng tôi thấy hệ thống đào tạo nghề của thủ đô đủ sức đáp ứng nhu cầu đào tạo hiện tại. Thế nhưng nhiều doanh nghiệp phải lên tiếng phàn nàn về sự thiếu hiểu biết (về nghề, về pháp luật) của người lao động cũng như tác phong làm việc kém của họ”.

Theo ông Trịnh Xuân Dũng, trong ngày hội thanh niên Thủ đô với nghề nghiệp 2009, có rất  nhiều trường trưng biển tuyển sinh ngành du lịch. Thực tế đào tạo cho thấy ngành này chỉ tiêu tuyển sinh rất nhiều, người đăng ký theo học cũng rất đông.

Vậy mà ông Dũng vẫn than: “Năm sau sẽ có năm khách sạn năm sao khánh thành. Chúng tôi đang rất lo, lấy đâu ra người phục vụ cho năm khách sạn ấy”.

Nguyên nhân – Thừa, thiếu

Nguyên nhân của thực trạng này, theo các đại biểu dự hội thảo, là do nhà nước thiếu chính sách khoa học, hợp lý; nhà trường thiếu năng động, thiếu tiền, thiếu tầm; người sử dụng lao động thiếu đầu tư vào đào tạo, thiếu phối hợp với các trường về đào tạo; người lao động không mặn mà với đào tạo nghề, chỉ thích học đại học (theo điều tra của Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Hà Nội, 85 phần trăm học sinh được hỏi cho biết các em muốn học đại học).

Tất cả các yếu tố này tác động qua lại với nhau, tạo nên một vòng luẩn quẩn trong mê cung chất lượng đào tạo nghề thấp – người lao động khó tìm việc làm hoặc có việc làm nhưng mức lương thấp – đào tạo nghề kém thu hút người học - chất lượng đầu vào thấp... Vì thế giải pháp mà các đại biểu đưa ra nhìn chung đều giống nhau và đều đúng nhưng cũ.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long, chia sẻ, góp phần giải quyết tận gốc vấn đề có vai trò của các nhà quản lý đầu tư.

Trước khi đồng ý cấp phép đầu tư cho một doanh nghiệp, nhà quản lý cần phải tìm hiểu công nghệ mà nhà đầu tư sử dụng. Nếu nhà đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, năng suất lao động kém, phần lớn lực lượng lao động được thu hút sẽ không cần chất lượng đào tạo cao và điều này khiến thu nhập của người lao động thấp.

Sự lựa chọn nhà đầu tư đúng đắn sẽ tác động tích cực tới nhu cầu được học nghề của người lao động, và điều này là cú hích để hệ thống đào tạo nghề nghiệp ở mọi trình độ tìm cách nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.