Đập đá vá trời ở Mường Chà

Đập đá vá trời ở Mường Chà
TP - “Ngày trước, vợ mình không biết nấu cơm. Có gạo đâu mà nấu! Nhưng nay cả bản mình còn dựng được nhà, trẻ con được đi học... Bộ đội giúp bà con nhiều lắm!".

Ông Ma Văn Đào, Bí thư chi bộ Xã Mường Nhé, nói về lính kinh tế quốc phòng đập đá vá trời ở Mường Chà, Điện Biên.

Hai phòng khám đa khoa, 40 chuyến trực thăng

Chặng đường gần 500 cây số khúc khuỷu, vượt đèo Pha Đin, xe luồn trong mây lên Điện Biên Phủ, chưa thấm gì với quãng đường từ đấy lên khu kinh tế quốc phòng. Nửa ngày đường chúng tôi mới vào đến trụ sở Đoàn kinh tế 379 gần trung tâm huyện Mường Chà. Nghỉ lại một đêm, mờ sáng nhóm phóng viên hơn mười người lên ba xe u–oát bắt đầu hành trình hướng về ngã ba biên giới.

Đoàn 379 đứng chân trên địa bàn 15 xã thuộc ba huyện Mường Chà, Mường Nhé (Điện Biên), Mường Tè (Lai Châu), với 252,55 km đường biên giới Việt - Trung và Việt - Lào. Chúng tôi có mặt tại công trình thuỷ lợi Co Lót thuộc xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé).

Công trình dài gần bốn kilômét đầu nguồn suối Huổi Cọ, đập chắn số 1 nằm lưng chừng núi, giúp trên 100 hộ bản Co Lót có nước tưới cho gần 40 ha đất canh tác, bà con thôn bản lân cận cũng có thêm nguồn nước sinh hoạt vốn thiếu triền miên vào mùa khô. Ròng rã gần một năm, cát sỏi, xi măng, sắt thép qua lưng ngựa thồ, qua vai lính Đoàn 379 được cõng lên lưng núi, hình thành cái hồ nước vô cùng quý giá cho bà con vùng cao...

Tại nông trường 2 (thuộc Đoàn 379), Thượng tá - Giám đốc Dương Mạnh Hùng tâm sự, anh em đi làm chỉ với balô và ngựa, bám bản làm thủy lợi, khai hoang, dựng nhà. Năm 2001, chỉ xây hai phòng khám đa khoa cho xã Mường Toong, Bộ Quốc phòng phải sử dụng trên 40 chuyến trực thăng vận chuyển vật liệu.

Tuy vậy, đây chưa phải địa phương khó khăn nhất. Các xã xa hơn như Sín Thầu - ngã ba biên giới hay Tà Tổng (Mường Tè) nay chưa có đường, muốn vào trung tâm xã trên đỉnh núi (dốc Tà Tổng dài 19 km) chỉ có cách đi bộ. Nhưng tại vùng biên viễn ấy đang có những người lính Đoàn 379 ngày đêm bám bản để ba cùng với bà con.

Lo đầu ra

Gắn với ngã ba biên giới đã gần chục năm, lính Đoàn 379 giúp bà con tu sửa, làm mới gần 100 km đường liên bản, trên 70 km đường giao thông nông thôn, hai công trình thuỷ lợi, hệ thống nước sạch, khai hoang... cán bộ chiến sỹ Đoàn 379 còn phối hợp với địa phương xây dựng cơ sở văn hóa, giáo dục, y tế.

Đại tá Phan Mạnh Hùng - Đoàn phó Đoàn 379, cho biết, để giúp bà con ổn định cuộc sống, cần có phương pháp năng động với những kế hoạch cụ thể. Cấy lúa nước bà con không quen tay như trỉa cây ngô trên nương.

Lúc đầu phải cầm tay chỉ việc, sau mới tính đến việc áp dụng những kỹ thuật khó, đưa mô hình cây, con có hiệu quả vào thử nghiệm, nhân rộng. Trồng xoài ghép, ngô lai và đặc biệt là nuôi lợn hướng nạc, đã bắt đầu có hiệu quả. Trên 150 ha xoài hoa tím, 130 ha ngô lai, một vùng núi tươi xanh sức sống, việc chăn nuôi lợn cũng phát triển khá mạnh. 

Đoàn 379 có 10 ha chè giống thử nghiệm xanh mướt, loại chè ngon, có giá trị kinh tế. Nhưng, đơn vị vẫn chưa dám cho nhân rộng bởi đường sá khó khăn, sản phẩm bà con làm ra ai sẽ lên tận non cao rừng thẳm này để thu mua.
MỚI - NÓNG