Đặt kế hoạch làm lãnh đạo

Đặt kế hoạch làm lãnh đạo
Từ năm 17 tuổi, Đặng Đình Tuấn đã “gây sốc” trên một số tờ báo khi đặt ra kế hoạch “học luật để trở thành thủ tướng”.
Đặt kế hoạch làm lãnh đạo ảnh 1
Tuấn bên máy hàn cáp quang do mình nghiên cứu - Ảnh: Tuổi Trẻ

Ở tuổi 24, chàng trai nhiều khát vọng ấy trở thành trợ lý phó tổng giám đốc Tập đoàn Philips Electronics Singapore.

Bây giờ, Tuấn đang theo học thạc sĩ ngành quản lý khách sạn tại Mỹ và vẫn đeo đuổi kế hoạch làm nhà lãnh đạo tương lai...

“Top 5% xuất sắc nhất của 20 năm”

Tôi vẫn còn nhớ ấn tượng về Đặng Đình Tuấn khi làm cho nhiều tờ báo đặc biệt quan tâm vì dám tuyên bố tại hội nghị tài năng trẻ gặp gỡ lãnh đạo TPHCM rằng: “Tôi muốn theo học ngành luật để làm thủ tướng! Tôi muốn làm nhà lãnh đạo trong tương lai!” Khi ấy, Tuấn mới 17 tuổi, học lớp 11!

Cơ sở nào để chàng trai còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông đưa ra một kế hoạch bị cho là “viễn tưởng” như vậy? Đó là dựa vào những thành tích: Huy chương vàng Olympic Vật lý các tỉnh phía Nam, học sinh giỏi quốc gia Vật lý, huy chương sáng tạo trẻ của Thành đoàn TP.HCM... và một khát vọng lớn lao.

Tự ra ứng cử bí thư Đoàn Trường chuyên Lê Hồng Phong và qui tụ được 120 bạn cùng trang lứa tham gia CLB khoa học Ong học trò do Tuấn làm chủ nhiệm gồm nhiều “CLB con” như hóa sinh, điện tử, tin học, mô hình...

Chưa hết, sản phẩm xe năng lượng mặt trời của Tuấn cùng với Mai Tiến Đạt đã lọt vào vòng chung kết cuộc thi dành cho học sinh THPT tại Úc. Tuấn được bình chọn là một trong 40 gương mặt trẻ tiêu biểu của TPHCM.

Trúng tuyển một lúc ba trường đại học, được tuyển thẳng vào ĐH Luật và là Á khoa của Đại học Kinh tế TPHCM, nhưng cuối cùng Tuấn quyết định học kinh tế thay vì luật như kế hoạch tuổi 17, bởi vì theo Tuấn: “Một người lãnh đạo tương lai phải biết quản lý giỏi và làm giàu!”.

Win Toe Toe - giám đốc quản lý chất lượng dự án của Philips - nói: “Tôi tự hào được làm việc với một trong những người quản lý chất lượng dự án giỏi nhất là Đặng Đình Tuấn. Một lãnh đạo trẻ có khả năng phân tích sắc sảo. Anh là người có kế hoạch và sáng kiến tốt”.

Nhưng khi phát hiện Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) của Singarpore tuyển sinh viên xuất sắc cho học bổng Asean, dù đã trễ thời hạn, Tuấn vẫn liên lạc qua mạng và với thành tích học tập nổi bật, đại diện Trường NTU cho người bay sang Việt Nam phỏng vấn và thế là Tuấn trúng tuyển!

Tại NTU, Tuấn tiếp tục vượt trội như một hiện tượng trong học tập với một quan điểm học sâu sắc hơn: người kỹ sư phải là “bác sĩ” của mọi lĩnh vực. Đó cũng là lý do tại sao hết năm học thứ hai Tuấn không nghỉ hè.

Tuấn được chọn vào chương trình cơ hội nghiên cứu cho sinh viên chưa tốt nghiệp của NTU với đề tài “Phương pháp kỹ thuật phát hiện bệnh ung thư giai đoạn sớm”.

Tuấn được NTU chọn vào chương trình đào tạo nhanh, rút ngắn bậc đại học. Tuấn học đại học trong 3,5 năm và tập trung nghiên cứu đề tài tốt nghiệp “Dùng laser để kết nối cáp quang”, đề tài của Tuấn đoạt giải thưởng đề án tốt nghiệp xuất sắc nhất.

Trong lá thư của Giáo sư M.K.Rao (Trường NTU) tiến cử Tuấn đến với chương trình cao học, Giáo sư Rao nhận xét: “Đặng Đình Tuấn - đó là sinh viên nằm trong top 5% sinh viên xuất sắc nhất mà tôi từng giảng dạy trong suốt 20 năm qua”.

Nhìn thấy tương lai ở Việt Nam

Đặt kế hoạch làm lãnh đạo ảnh 2
Đặng Đình Tuấn - đại diện chương trình tuyển dụng thành công của Philips - trên báo Straits Times

Tuy còn sáu tháng nữa mới tốt nghiệp, nhưng Đặng Đình Tuấn đã được Công ty Philips Electronics Singapore ký hợp đồng làm việc sau cuộc phỏng vấn cạnh tranh với nhiều ứng viên kinh nghiệm khác.

Ngay khi gia nhập Philips, một chức vụ quan trọng lần đầu tiên được giao cho một “lính mới”: quản lý chất lượng dự án. Tuấn nhanh chóng được đánh giá rất cao.

Hàng triệu euro là số tiền mà Philips đã tiết kiệm được từ việc thay đổi qui trình quản lý dịch vụ khách hàng do Tuấn đề xuất. Tuấn cũng là tác giả sáng kiến thành lập bộ phận nghiên cứu nhu cầu khách hàng từ lúc sản phẩm còn chưa hoàn thiện.

Năm 2005, hình ảnh của Tuấn xuất hiện trên báo Straits Times trong vai trò đại diện cho “Nhân viên thành công nhất của chương trình tuyển dụng của Philips”. Những “lập trình” cho kế hoạch cuộc đời cứ được Tuấn nỗ lực “cài đặt”, và Tuấn trở thành trợ lý phó tổng giám đốc Philips ở tuổi 24.

Hai năm vừa làm việc ở Philips, Tuấn vừa hoàn tất bằng cao học quản lý tài chính. Tuấn vừa tạm chia tay với Philips để có điều kiện du học thạc sĩ ngành quản lý khách sạn và các ngành dịch vụ tại Đại học Cornell (Mỹ) với học bổng toàn phần lên đến 100.000 USD.

Cùng lúc, Tuấn cũng nhận được học bổng toàn phần chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh Đại học Stockholm SSE (Thụy Điển).

Nói về kế hoạch cuộc đời mình, Tuấn rất tự tin: “Tôi học để trở thành một kỹ sư. Nhưng tôi vẫn muốn trở thành một doanh nhân giỏi. Một công việc, một đơn vị hay một đất nước đều cần được điều hành bằng tầm nhìn của một doanh nhân và óc phân tích của một kỹ sư. Thế giới đang chuyển dịch và tôi nhìn thấy một tương lai cho mình ở Việt Nam”.

24 tuổi, Tuấn vẫn giữ mục tiêu vạch ra từ tuổi 17: thành đạt trong thời gian ngắn và ước mơ trở thành nhà lãnh đạo. Tôi vẫn tin một ngày nào đó khát khao cháy bỏng chưa hề tắt của Tuấn sẽ trở thành sự thật...

Theo Trương Bảo Châu
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG