Đất làng sinh những tài hoa

Đất làng sinh những tài hoa
TP - Sinh ra ở 3 miền quê khác nhau, ở 3 chàng triệu phú này có nhiều điểm tương đồng: Xuất thân là con nhà nông thuộc diện nghèo, cùng nuôi chí làm giàu để rồi trở về mảnh đất còn nhiều gian khó lập nghiệp.

Con đường mà Trần Thanh Cao, sinh năm 1973, chủ doanh nghiệp tư nhân Thanh Nga ở xã Khánh Mậu (Yên Khánh, Ninh Bình) lựa chọn trải qua không ít gập ghềnh, gian truân.

Là con thứ 4 trong gia đình 7 anh chị em thuộc diện nghèo nhất xã, tốt nghiệp phổ thông năm 1989, Cao khăn gói vào Nam làm thuê cho các doanh nghiệp. Ba năm ròng vừa học vừa làm, để có số vốn ít ỏi trước khi về quê, Cao không cho phép mình ngơi nghỉ lấy một buổi.

Hàng đêm, chàng trai xa quê này luôn bị dày vò bởi câu hỏi: Tại sao cũng là đồng ruộng với bao lao động dư thừa lúc nông nhàn mà nhiều người đã biết khai thác và trở nên giàu có, còn làng mình thì vẫn nghèo?

Thế rồi, hết giờ làm, Cao lặn lội hỏi thăm các làng nghề tìm hiểu bí quyết làm thủ công mỹ nghệ, học cách giao tiếp, tiếp cận với nhiều mặt hàng được sản xuất từ cói, rơm rồi quyết tâm hồi hương.

Ngày trở về, Cao vẫn thấy quê mình nghèo xác xơ. Năm 1992, Cao vận động thêm 4 thanh niên lập tổ đại lý cho các doanh nghiệp chuyên chở nguyên liệu và các sản phẩm từ cói bằng... xe đạp.

Chỉ một năm sau, Cao học được cách làm các sản phẩm rồi thành lập tổ hợp sản xuất với 15 người tham gia. Sẵn có nguồn nguyên liệu cói dồi dào từ huyện Kim Sơn, Cao đã làm ra các sản phẩm xuất khẩu từ cói như chiếc xắc, giỏ hoa, hộp đựng mỹ phẩm... với nhiều mẫu mã mới lạ do anh thiết kế hoặc làm theo đơn đặt hàng.

Ông chủ trẻ vừa làm vừa tìm kiếm thị trường. Đến năm 2003, Cao có được đơn đặt hàng xuất sang Nhật Bản với hơn 40 nghìn sản phẩm làm từ thân cây lúa non. Đây cũng bước ngoặt đánh dấu sự lớn mạnh của doanh nghiệp Thanh Nga.

Từ thân cây bèo, lúa non, bẹ chuối, cây cỏ lát (giống cỏ dại mọc tự nhiên gần giống cây cói), Cao đã làm ra những sản phẩm như: đệm ngồi bãi biển, giỏ hoa, giỏ đựng đồ, thùng đựng quần áo, tủ đựng giày dép và nhiều sản phẩm trang trí nội thất... thân thiện với môi trường lại thích hợp với khí hậu khô, lạnh nên được thị trường châu Âu ưa chuộng.

Hiện nay, sản phẩm của Cao được xuất sang 54 nước. Từ một tổ hợp với số vốn vẻn vẹn 3 triệu đồng đến nay Cao nâng vốn lên gần 2 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 76 lao động.        

Đất làng sinh những tài hoa ảnh 1

Trần Mạnh Thiều với sản phẩm của mình

Ao làng ở New York 

Hễ nói đến Phù Lãng (Quế Võ, Bắc Ninh) là người ta nhắc đến Gốm Thiều – Trí Việt. Trần Mạnh Thiều, sinh năm 1979, Giám đốc Cty TNHH sản xuất và thương mại Trí Việt là chủ nhân của thương hiệu ấy.

Thủa niên thiếu, Thiều thường theo bố mẹ ra ruộng cấy, đi cầy. Cả nhà vất vả với ruộng đồng mà cũng chỉ đủ ăn. Đến khi tốt nghiệp phổ thông, Thiều thi vào ĐH Mỹ thuật (Hà Nội) với một đam mê cháy bỏng: Học để về quê bắt đất... đẻ ra tiền.

Ngày cầm giấy nhập học, Thiều tuyên bố “Con chỉ xin bố mẹ tiền học phí năm đầu, con sẽ làm thêm  tự lo cho việc học và sự nghiệp của mình” và đó cũng là động lực để cậu thực hiện ước mơ ấp ủ từng ngày.

Vừa học vừa làm, Thiều đã nắm vững kiến thức và các “mánh” của thiết kế sản phẩm từ gốm. “Thật may, trong những ngày đi làm thêm, tôi đã đọc được thông tin rất quý của một nhà nghiên cứu người Pháp: đất đỏ, đặc biệt là ở Phù Lãng là chất liệu quý để làm nên những sản phẩm cao cấp. Vì thế, phải biết kết hợp kiến thức học được với “mỏ vàng” sẵn có ngay chính quê mình để làm giàu”.

Ngay từ thời sinh viên, Thiều đã săn tin trên các trang web để tìm đối tác nhằm trao đổi và tiếp thị sản phẩm. Ra trường, Thiều không cho thời gian ngơi nghỉ, từ chối mọi lời mời của các Cty với mức lương cả chục triệu đồng để lao vào với những mẫu mã đến quên ăn, mất ngủ.

Chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm, tên tuổi của gốm Thiều nhanh chóng được thị trường trong và nước biết đến.

Bất cứ vị khách nào khi bước chân đến cũng không khỏi choáng ngợp trước showroom trưng bày của Trí Việt: bộ đàn dân tộc với hàng chục sản phẩm thiết kế tinh tế, màu sắc trang trọng, những bức tranh ghép khổ lớn từ gốm thật lạ mắt, lọ hoa với rất nhiều mẫu hiện đại kết hợp hài hoà với hoa văn, hình ảnh dân dã...

Đơn đặt hàng của Thiều chủ yếu đến từ các nước Mỹ, Úc, Ý, Hy Lạp, Nhật Bản với sự đòi hỏi cao về tính thẩm mỹ, tinh xảo trong xử lý kỹ thuật. Mới đây, đã có những Việt kiều từ New York thấy gần gũi và bớt nhớ quê nhà khi mua được sản phẩm có hình ảnh luỹ tre, bờ đê, ao làng, giếng nước... trên các sản phẩm của Trí Việt được xuất sang. 

Tham vọng của Thiều lớn lắm, không chỉ mong muốn quảng bá sản phẩm trên khắp thế giới, kiếm bạc tỷ mà chàng trai này còn táo bạo lập dự án phát triển làng nghề thành Trung tâm gốm của Việt Nam, đi liền với đó là xây khu du lịch cho người nước ngoài để thành lập tuyến du lịch làng nghề.

Thiều bày tỏ: “Phù Lãng cách Hà Nội chưa đầy 60 km, tôi tin giá trị truyền thống và sức hút của làng nghề sẽ là giấy thông hành, đảm bảo cho dự án có thể thành hiện thực”.

Đất làng sinh những tài hoa ảnh 2

Đỗ Ngọc Kế với bộ bàn ghế được trưng bày trong phòng VIP

Bước chân vào nghề của người lớn

Với nước da ngăm đen, dáng cao lớn, Đỗ Ngọc Kế, Giám đốc Cty TNHH mỹ nghệ Ngọc Kế trông già hơn so với tuổi 34 của mình. Anh hồ hởi: “Cuối năm nhiều đơn đặt hàng nên không phân biệt công nhân hay giám đốc, tất cả phải lao vào việc cho kịp thời gian. Mình đang cùng anh em đánh bóng cho bộ bàn ghế trước khi xuất xưởng”.

Nhà Kế thuộc diện nghèo nhất xã Xuân Bắc (Xuân Trường, Nam Định) nên chỉ được học tới lớp 7, Kế đã phải bỏ học đi chăn trâu, cắt cỏ, đan cót phụ giúp gia đình.

Đến năm 17 tuổi, Kế nghĩ đan cót chỉ là lao động lúc rảnh rỗi và không làm giàu được nên quyết tâm theo các bậc đàn anh...đi buôn cót. Ngày đó đi buôn không cần nhiều vốn mà lãi thì nhiều nên Kế nhanh chóng có vốn kha khá để chuyển nghề.

Năm 2003, chàng trai mới chỉ biết sơ sơ các phép tính ấy quyết định bước chân vào nghề gỗ, nói như cách của các cụ trong làng, đó là “nghề của người lớn”! Không có ai để nhờ vả, giúp đỡ, nhiều lúc đối mặt với thua lỗ khiến Kế không khỏi nản lòng.

Nhưng rồi quyết tâm học hỏi, lập mối làm ăn bằng trách nhiệm với từng sản phẩm, giá cả ưu đãi với thái độ phục vụ tận tình, cơ sở của Kế có chỗ đứng trên thị trường và thường được khách hàng trong và ngoài nước chủ động tìm đến đặt hàng. 

Hiện nay, Cty của Kế chủ yếu thiết kế các bộ bàn ghế dành cho phòng VIP, những kiểu cây, rễ cây to uốn lượn theo nhiều mẫu mã dùng để trang hoàng trong những khu biệt thự, khu vườn rộng… với giá từ vài chục triệu lên tới hàng trăm triệu đồng.

Cty có gần 100 lao động chủ yếu là thanh niên nông thôn với mức thu nhập từ 800 – 3,5 triệu/tháng, hàng năm góp phần đào tạo tay nghề cho hàng chục thanh niên.

MỚI - NÓNG