'Dâu ngoan của làng'

'Dâu ngoan của làng'
TP - Dạy dân làng học tiếng Anh, làm du lịch, đem kiến thức, kỹ năng học được giúp bà con xóa nghèo, nàng dâu người Cơtu Đinh Thị Thìn, 24 tuổi của làng Bhờ Hôồng (xã Sông Kôn, Đông Giang, Quảng Nam) được dân làng coi như con ruột.

> Áo xanh trải nghiệm vùng cao
> Thủ lĩnh dạy bơi ở U Minh thượng

Cứ hỏi cô Thìn

Lớp học tiếng Anh diễn ra buổi tối, tại Nhà cộng đồng làng. Đứng lớp là một cô gái trẻ, còn học viên hầu hết đã lớn tuổi, ống quần xắn ngang gối, tay chân còn lấm đất rừng. Lớp học bày la liệt những vật dụng, trái cây để mỗi khi nói đến từ nào đều có hình ảnh thực tế, sinh động, giúp bà con dễ nhớ. “Lúc đầu lớp chỉ được vài ba người, bữa đi bữa nghỉ. Dù được miễn phí hoàn toàn, lại còn được cấp tài liệu, sách vở, nhưng cả ngày quần quật trên rẫy, ai cũng mệt. Bọn mình phải đến từng nhà vận động bà con mới tham gia đông đủ” – chị Thìn kể.

 Không chỉ rất năng nổ trong chuyên môn mà còn rất nhiệt tình trong các việc chung của làng, giúp đỡ mọi người, cô Thìn là hạt giống của làng Bhờ Hôồng đấy.

Trưởng thôn Bhờ Hôồng, ông Bhờriu Tinh

Có câu chuyện hài hước khi tiếng Anh mới bắt đầu du nhập làng du lịch này. Một ông Tây vào khu ẩm thực lấy đồ ăn. Cô đầu bếp cười tươi đưa món ăn ra và nói “No” (tiếng Cơtu nghĩa là “đây, cầm lấy”), khiến ông Tây …sợ sệt lùi ra cửa. Đến khi Thìn xuất hiện, bất đồng ngôn ngữ mới được hóa giải.

Chị Thìn chỉ cho mọi người cách học thuộc các từ vựng, cách nói, viết và giao tiếp tự nhiên, tìm hiểu về văn hóa phương Tây, mới có thể làm du lịch rồi mới làm giàu được. Hơn nữa, biết tiếng Anh để giới thiệu được văn hóa dân tộc mình cho mọi người biết đến rộng rãi. Ai cũng tin răm rắp và cắm cúi học.

Ông Bloó, Trưởng Ban du lịch cộng đồng làng Bhờ Hôồng, cho biết: Làng trở thành Làng du lịch cộng đồng từ năm 2006, nhưng hầu như chưa ai hiểu khái niệm du lịch là gì. Sau những khóa tập huấn họ bắt đầu mơ hồ nhận ra mình là người làm du lịch. May nhờ có cô Thìn.

Vậy nên, ngay cả khi không ở lớp học mọi người vẫn gọi Thìn bằng cô và luôn hỏi về tất cả những gì mình thắc mắc. “Cô Thìn giỏi lắm, cái gì cũng biết, lại rất nhiệt tình nên không hiểu cái gì lại tìm cô Thìn” – ông A lăng Bảy, 50 tuổi, thật thà.

Hành trình vượt khó

Ba năm học tại trường Cao đẳng du lịch, cùng những khóa thực tập và tự học, Thìn trang bị cho mình khá vững kiến thức ngoại ngữ, vi tính cùng những kỹ năng khác. Cô tìm đọc khắp các tài liệu trên sách vở, internet, tìm gặp các già làng để hiểu thêm về làng, thắng cảnh, truyền thống văn hóa người Cơtu.

Đinh Thị Thìn trở thành hạt giống của làng du lịch Bhờ Hôồng

Đinh Thị Thìn trở thành hạt giống của làng du lịch Bhờ Hôồng.

Câu chuyện vượt khó học tập của Thìn được dân làng truyền tai nhau nể phục. Là chị cả trong gia đình nghèo đông con, không ít lần cô học trò Cơtu ham học đứng trước nguy cơ nghỉ học để giúp việc mưu sinh. Học hết cấp hai, người trong gia đình khuyên nghỉ học, vì “học nhiều cũng không no cái bụng được”, nhưng Thìn vẫn quyết tâm lội bộ xuống Đại Lộc cách nhà cả chục cây số dự thi và đậu vào một trường chuyên, rồi ngậm ngùi vì không đủ tiền theo học.

Chạy vạy tìm thầy cô nhờ giúp đỡ, cuối cùng Thìn vẫn kịp nộp hồ sơ học tại trường THPT huyện Đông Giang. Có năng khiếu và đam mê học Anh văn, lúc nào Thìn cũng kè kè cuốn sách bên mình, rồi học tiếng Anh trên mạng. Dù là học sinh tiên tiến, nhưng không nỡ thấy cha mẹ anh chị vất vả ruộng nương, còn mình đi học, nên Thìn không đăng ký thi đại học. Sau được mọi người động viên, cô thi đậu vào trường Cao đẳng Công kỹ nghệ Đông Á Quảng Nam. Ba năm học cũng là ba năm tất bật với công việc làm thêm, học thêm nhưng đầy nhiệt huyết và khát vọng.

24 tuổi, Thìn có một gia đình nhỏ, là một hướng dẫn viên năng nổ, thành viên BQL Khu du lịch cộng đồng Bhờ Hôồng. Nhưng ước mơ của cô còn lớn hơn nhiều, đó là muốn cùng mọi người làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

Nhìn Thìn nhỏ con, phăng phăng băng rừng, vượt suối như một chú sóc, lúc nào cũng cười tươi nói về vẻ đẹp quê hương mình, đủ biết cô gái Cơtu duyên dáng này là một phần không thế thiếu của làng du lịch mới nguyên sơ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Đối tượng Thành tại cơ quan công an.
Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố
TPO - Ngày 19/4, Công an thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng cho biết, vừa ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Phạm Trung Thành (SN 2000, trú tại phường Hợp Giang, TP Cao Bằng) về hành vi “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.