Day dứt để vươn lên

Day dứt để vươn lên
TP - Hội trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 chật cứng, nhiều sinh viên phải đứng để theo dõi buổi giao lưu chủ đề Đi theo hay dẫn đường diễn ra ngày 18/8. Những phân tích, mổ xẻ sắc sảo, xen lẫn với những tiếng cười khiến buổi giao lưu kéo dài đến 12 giờ trưa mà vẫn chưa ai muốn kết thúc.

Buổi giao lưu thu hút sự tham gia đông đảo của sinh viên ĐH Sư phạm 2 và học sinh THPT tại Vĩnh Phúc.

Cần gì để sáng tạo?

Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong, mở đầu buổi giao lưu bằng câu chuyện kể về người bạn vong niên là tiến sỹ vật lý khi đi đến quốc gia nào, ông cũng dành thời gian đứng trước cổng trường THPT ngắm các học sinh và ông nói “gương mặt học sinh Việt Nam sáng hơn nhiều…”. Cả khán phòng cười vui. Ông Sơn tiếp: “Nhưng, đó mới là vẻ bề ngoài. Còn con tim, khối óc các bạn có gì, mới là điều quan trọng”.

Khán phòng ĐH Sư phạm Hà Nội 2 như nổ tung lên khi nghe MC xướng tên Trung tướng, Anh hùng Phạm Tuân, người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ, phi công đầu tiên lái máy bay tiêm kích bắn hạ máy bay B52 của Mỹ. Ông nhận được nhiều câu hỏi về sự sáng tạo của ông và thế hệ của ông trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc.

“Trong chiến tranh chúng tôi có động lực xuyên suốt, mạnh mẽ, duy nhất là chiến đấu để chiến thắng. Nếu không sáng tạo chúng tôi không thể bắn rơi máy bay B52. Thời đó, Liên Xô chỉ dạy chúng ta những kiến thức cơ bản. Trong khi đó Mỹ trang bị cực tối tân. Ngay cả việc nếu mình bật ra - đa tìm mục tiêu B52 cũng sẽ bị phát hiện và bị bắn. Và tôi không bật ra - đa mà nhìn bằng mắt thường để đánh. Tôi hỏi các bạn, nếu không có sáng tạo, chúng ta có làm được không?” - Anh hùng, Trung tướng Phạm Tuân nói.

Ông Tuân cho rằng, người trẻ bây giờ sáng tạo chưa tương xứng với những gì được trang bị. Theo ông, để người trẻ sáng tạo cần ba yếu tố: môi trường, cơ chế và động lực.

Cô giáo dạy văn Bùi Thị Hoàng Yến cho rằng, cách ra đề năm nay hay vì chạm được vào ý thức tự tôn dân tộc và ý thức giá trị bản thân của người trẻ. Nhận xét người Việt thông minh nhưng không dám đột phá có phần đúng. Điều này xuất phát từ tư duy nông nghiệp. Còn lớp trẻ ngày nay, có nhiều người dám nghĩ, dám làm, dám tiên phong. Cô dẫn chứng một bạn du học sinh ở Mỹ với nhiều cơ hội học tập, làm việc ở đó nhưng vì đam mê thư pháp nên trở về theo đuổi ước mơ trở thành người trẻ viết thư pháp số 1 Việt Nam. Hay như Bùi Thị Phương bỏ ngang đại học để kinh doanh cửa hàng bánh, quán cơm và đã thành công thu về 200 triệu đồng/tháng… “Tuy nhiên, những bạn trẻ dám theo đuổi ước mơ của riêng mình chưa nhiều. Điều này có phần do gia đình, xã hội tạo áp lực lên họ”, cô Yến nói.

Phần giao lưu đậm tiếng cười hóm hỉnh khi nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến nhận mình là người “đi theo” nhà thơ Bút tre phác họa 2 câu thơ tặng Trung tướng Phạm Tuân: Hoan hô anh hùng Phạm Tuân/Về từ vũ trụ mặc quần áo xanh. Nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến cho rằng người trẻ cần phải sáng tạo, đột phá nhưng phải có mục đích nếu không “cứ tiến lên nhưng không biết tiến lên đâu”.

Sẽ có một lớp trẻ đột phá hơn

Một nữ sinh đặt câu hỏi với khách mời. Ảnh: Cẩm Kỳ
Một nữ sinh đặt câu hỏi với khách mời. Ảnh: Cẩm Kỳ.
 

Đào Thu Hiền tốt nghiệp 2 trường ĐH danh tiếng của Mỹ (Columbia và Harvard). Về nước, Hiền sáng lập trung tâm hỗ trợ du học Mỹ Golden Path Academics - Con đường vàng giúp học sinh Việt Nam “săn” học bổng du học. Theo Hiền, những nước phát triển có nền tảng cơ sở vật chất, điều kiện tốt hỗ trợ cho người trẻ nên họ có điều kiện mạo hiểm với những ý tưởng mới. Trong khi, nước mình đang trong giai đoạn khó khăn, thiếu thốn nhiều thứ nên người trẻ làm việc gì cũng muốn chọn lựa giải pháp an toàn... Trong trường hợp này, an toàn là hợp lý.

Chương trình nóng hơn khi ở hàng ghế khán giả, nhiều cánh tay giơ lên để tranh luận với khách mời. Nguyễn Thị Nhung, SV ĐH Sư phạm 2 hỏi, có người nhận xét 20 năm nữa Việt Nam mới có một thế hệ sáng tạo. Anh hùng, Trung tướng Phạm Tuân cho rằng, nên tin tưởng một thời gian nữa Việt Nam sẽ có một lớp trẻ đột phá hơn. Ông lý giải, nước ta đang trên đà phát triển, môi trường, điều kiện cho người trẻ phát triển sẽ còn tốt hơn nữa. Nhà báo Lê Xuân Sơn cũng cho rằng, môi trường giáo dục có vai trò quyết định tạo sự năng động, sáng tạo cho người trẻ, là tiền đề để người trẻ sáng tạo. Ông Sơn cho rằng, người dẫn đường, tiên phong không nhất thiết phải đặt ở những vị trí cao mà ở mỗi vị trí của mình mỗi bạn trẻ biết sáng tạo ra những cái mới thì sẽ là người dẫn đường. “Buổi giao lưu đã phần nào trả lời câu hỏi thắc mắc của bạn đọc nhưng còn đó nhiều băn khoăn, day dứt. Nhưng còn day dứt, còn suy nghĩ là ta còn động lực phấn đấu”, ông Sơn nói.

Khách mời giao lưu, tham dự chương trình: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Phạm Tuân; Nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến; Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn; Giám đốc Trung tâm hỗ trợ và phát triển sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết; Tiến sỹ Nguyễn Văn Tuyến, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2; Bí thư Tỉnh Đoàn Vĩnh Phúc Trần Việt Cường; cô giáo dạy văn trường chuyên Vĩnh Phúc Bùi Thị Hoàng Yến; Việt kiều Tran Hung John; Đào Thu Hiền tốt nghiệp 2 trường ĐH danh tiếng của Hoa Kỳ (Columbia và Harvard); Lưu Thị Giáng Hương, Á khoa khối D ĐH Hà Nội 2013; Nguyễn Thị Hải Anh - Huy chương đồng Olympic sinh học Quốc tế; Nguyễn Thu Thủy học sinh trường Amsterdam Hà Nội.

Tại buổi giao lưu, ông Lê Xuân Sơn đại diện báo Tiền Phong trao quà gồm các ấn phẩm Tiền Phong cho thầy trò trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2. Anh Nguyễn Minh Triết, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ và phát triển Sinh viên Việt Nam trao 5 suất quà cho sinh viên nghèo vượt khó của trường.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG