Sáng kiến tập hợp, phát huy năng lực sáng tạo của ĐVTN:

Đẩy mạnh các mô hình kinh tế

Đẩy mạnh các mô hình kinh tế
TP - “Nếu được định hướng, khuyến khích... trong các mô hình kinh tế chắc chắn sẽ thu hút được đông đảo thanh niên phát huy hết khả năng sáng tạo của mình vào việc làm giàu ngay tại quê nhà”
Đẩy mạnh các mô hình kinh tế ảnh 1

Đây là ý kiến chị Lê Thị Thu Hồng - Bí thư tỉnh Đoàn Bắc Giang nói.

Theo chị Hồng, mô hình kinh tế ở đây là sự định hướng, khuyến khích bằng những mô hình cụ thể gắn với chức năng, vai trò, tiêu chí và lợi ích sát thực của ĐVTN trong từng ngành nghề, lĩnh vực.

Ví dụ như xây dựng các Câu lạc bộ Doanh nghiệp trẻ, Hợp tác xã, Làng TN lập nghiệp; các mô hình Trang trại trẻ TN, Cánh đồng TN, Hộ gia đình TN có thu nhập cao

Những mô hình như thế vừa có tác dụng giúp đỡ, hỗ trợ các thành viên trong nhóm có điểm tựa, cơ hội có thể tham gia các mô hình, phát triển kinh tế;

Mặt khác những mô hình này cũng sẽ là động lực kích thích, thúc đẩy các cá nhân, doanh nghiệp tự mình phải đẩy mạnh năng lực sản xuất, sức sáng tạo để hội nhập - nó tựa như một sân chơi kinh tế địa phương.

Cùng với việc lập ra các mô hình kinh tế, cơ sở Đoàn cần chủ động đẩy mạnh phối hợp các ban, ngành khác để nâng cao tính khoa học, đổi mới, hiệu quả cho các mô hình kinh tế trên.

Chị Hồng cho biết, các cơ sở Đoàn ở Bắc Giang đã xây dựng, phát triển các hình thức hợp tác trong ĐVTN, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh với hơn 400 tổ hợp tác, chi hội nghề nghiệp, câu lạc bộ TN trong lĩnh vực kinh tế.

Và đến nay toàn tỉnh đã có gần 5.500 mô hình kinh tế hộ gia đình trẻ có thu nhập từ 15 triệu đồng/năm trở lên.

Tiêu biểu như các hợp tác xã thanh niên ở Khám Lang (Lục Nam), Kiên Thành (Lục Ngạn), An Dương (Tân Yên)… Mà trước khi tham gia vào các mô hình kinh tế này phân nửa là TN không có việc làm hoặc ra thành phố làm thuê, phu hồ, thậm chí có cả những TN nhiều lần tham gia vào các hoạt động gây mất trật tự xã hội.

Điều này thể hiện ở chủ trương phối hợp với các Sở, như:

Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,  Khoa học và Công nghệ, Thương mại và Du lịch để phát động, triển khai phong trào TN Bốn mới (kỹ thuật mới, ngành nghề mới, mô hình mới và thị trường mới).

Từ đó, các mô hình kinh tế mới phát triển được một cách toàn diện, công nghiệp hoá các ngành nghề nông thôn trong thời đại hội nhập.

Chính trong môi trường tiềm năng này thanh niên sẽ thấy được cơ hội, động lực để mình phát huy hết khả năng sáng tạo và đem lại hiệu quả cao nhất.

Chị Hồng tâm sự, chính nhờ việc TN tạo ra nguồn thu nhập, tự ổn định kinh tế trong từng mô hình cấp cơ sở mà tổ chức Đoàn đã tăng cường tập hợp được TN, cùng giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.

MỚI - NÓNG