“Dễ dãi” là “phẩm chất” không mong đợi của xã hội

“Dễ dãi” là “phẩm chất” không mong đợi của xã hội
Xung quanh diễn đàn Yêu “dễ dãi”, sống “dễ dãi”, có nhiều quan điểm khác nhau. Điều băn khoăn của nhiều bạn trẻ là: “dễ dãi” được gì, mất gì, có nên “chạy” theo “dễ dãi”?

Chúng tôi có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Văn Thị Kim Cúc, Phó viện trưởng Viện Tâm lý học (Viện KHXHVN).

Theo chị thế nào là “yêu dễ dãi, sống dễ dãi”? Liệu đây có phải là xu hướng chung của giới trẻ?

Có thể hiểu sống dễ dãi là sống thiếu lý tưởng, thiếu ước mơ, khát vọng, để vươn tới, để khẳng định mình, để hiện thực hóa bản thân. Người sống dễ dãi là người dễ chấp nhận và bằng lòng với tất cả những gì xảy ra trong cuộc đời mình, mà thiếu đi sự cố gắng, dễ “kiêu khi thành” và “nản khi bại”.

Yêu dễ dãi là việc chấp nhận, bằng lòng một cách dễ dàng những ai đến với mình, không có sự cân nhắc, chọn lựa. Liệu đây có phải là xu hướng chung của giới trẻ?

Theo tôi, cần phải có những nghiên cứu khách quan, tuy nhiên qua những gì nghe thấy ở diễn đàn này, tôi cảm thấy lo lắng và sợ rằng một số giá trị truyền thống trong tình yêu của người phương Đông nói chung và đặc biệt của người Việt Nam sẽ bị mai một và thay vào đó là các giá trị mới, lạ lẫm đối với văn hóa của chúng ta.

Chị nghĩ sao khi một số bạn trẻ quan niệm: “Yêu là... cho”; “Không tốc độ đố có tình yêu”; “Hớ hênh một chút mới “câu” được chàng”...?

Khi nghe những ý kiến về tình yêu của lớp trẻ thông qua diễn đàn, tôi hiểu đó là những ý kiến nông cạn, nhất thời bị quy định bởi tâm sinh lý của lứa tuổi và bởi những điều kiện môi trường xã hội.

Lớp trẻ ngày nay tiếp xúc quá sớm và quá nhiều các thông tin, hình ảnh về cuộc sống “hiện đại”, nhiều khi thiếu chọn lọc, thiếu sự kiểm soát của người lớn, trong khi họ đang ở giai đoạn đầy biến động của những sự thay đổi cơ thể, đầy “xao xuyến” của tâm tư...

Các bạn chưa ý thức được rằng hơn hết thảy mọi thứ, tình yêu là một loại tình cảm tinh tế nhất, nó rất mong manh, dễ vỡ, nhưng lại có sức mạnh “như sóng ngầm biển cả”, mà G. Bai-rơn đã từng thốt lên: “Ôi, sức mạnh của tình yêu! Nó có thể biến vật thành người và biến người thành vật”.

Quan niệm “hớ hênh một chút mới “câu” được chàng” là quan niệm ấu trĩ, bởi vì cái tình yêu chiếm đoạt được đó là thứ tình yêu không thật, không có cơ sở. Ngay cả các nhà hiền triết phương Tây, nơi chúng ta cho là họ có những suy nghĩ “hiện đại”, “thoáng” cũng cho rằng, các cô thiếu nữ muốn làm đẹp lòng người và muốn được kính trọng phải khôn ngoan, nết na và đoan chính.

Tuổi sinh hoạt tình dục của bạn trẻ thời nay sớm hơn rất nhiều so với trước đây (theo một tài liệu là: 14,2 tuổi). Quan hệ “như Tây” ấy phải chăng bắt nguồn từ quan điểm tình yêu dễ dãi?

Nếu thật sự tuổi sinh hoạt tình dục trung bình của lớp trẻ là 14,2 tuổi, thì đây là con số đáng giật mình và là lời cảnh báo cho các bậc cha mẹ và cho các thầy cô giáo. Rõ ràng nó xuất phát từ tình yêu dễ dãi rồi, nhưng cũng nói lên tính nghiêm túc trong quản lý, giáo dục trẻ của cha mẹ, của nhà trường, vì lứa tuổi này là tuổi của hoạt động học tập, vui chơi ở nhà trường và vẫn là lứa tuổi cần có sự chăm sóc, nâng niu của cha mẹ trong gia đình.

Không ít bạn trẻ trên diễn đàn cho rằng: Dễ dãi thì đã làm sao? Theo chị, dễ dãi quá đà sẽ để lại tác hại thế nào (ngoài hậu quả giải quyết “ba lô đeo ngược” như đã biết)?

Bất cứ ai bị quy là “dễ dãi” tức thì đã thấy khó chịu rồi, thậm chí “nổi đóa”. Như vậy, rõ ràng “dễ dãi” là một phẩm chất không mong đợi của xã hội. Cho nên bạn trẻ sẽ phải hối tiếc khi đã có một quá khứ “dễ dãi”, bởi vì quá khứ là hành trang mà mỗi người đều mang theo trong cuộc đời mình, không bao giờ mất đi được.

Sự dễ dãi ngoài những tác hại “vật lý” như báo chí thường nói đến, còn là cái “mác” xấu mà bản thân người mang nó sẽ bị hạn chế rất nhiều trong việc sau này được “đám tốt” tìm đến. Đó là chưa nói đến chính từ những hành động nhất thời, thiếu suy nghĩ, những ham muốn xuất phát từ sự dễ dãi là nguồn gốc của sự tự đánh giá thấp bản thân của rất nhiều người, đặc biệt là giới nữ, và chúng là rào cản tâm lý trên đường đời của những người này.

Tình yêu được ví như đóa hoa hồng lắm gai. Là một người đi trước, một nhà tư vấn tâm lý chị có thể dành cho độc giả trẻ một lời khuyên, để khi bước vào khu vườn tình ái không giẫm phải gai hoa hồng?

J.J. Rút-xô từng nói: “Nếu lí trí tạo ra con người thì tình cảm dẫn dắt họ”, vậy cho nên phải đầu tư vào cuộc sống tình cảm. Để sống thật với lòng mình, phải “mang trái tim mình ra trao đổi” nếu muốn “trái tim người khác thuộc về mình”.

Cảm ơn chị!

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.