Để hiền tài là nguyên khí của quốc gia

Để hiền tài là nguyên khí của quốc gia
(TPO) Trong buổi đối thoại thoại trực tiếp giữa 96 thủ khoa tốt nghiệp Đại học xuất sắc 2005 với lãnh đạo của TP Hà Nội, nhiều ý kiến đã tập trung vào cơ chế thu hút nhân tài.
Để hiền tài là nguyên khí của quốc gia ảnh 1

Tại buổi tọa đàm “Tri thức trẻ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Thủ đô”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu cùng nhiều các vị lãnh đạo của thành phố đã trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của những tri thức trẻ.

Với những thành tích học tập xuất sắc, đạt nhiều giải cao trong và ngoài nước, các thủ khoa đều bày tỏ nguyện vọng được tạo cơ hội làm việc trong các cơ quan nhà nước, được mang những kiến thức học được góp phần xây dựng thành phố.

Các ý kiến của thủ khoa Nguyễn Thu Hà (Học viện Ngân hàng) đóng góp về sự phát triển tín dụng ngân hàng, Nguyễn Cẩm Tú (ĐH Công nghệ - ĐHQGHN), Vũ Văn Vinh (ĐH Bách Khoa Hà Nội) về chiến lược phát triển công nghệ thông tin, Nguyễn Thu Hương (ĐH Răng - Hàm - Mặt) về nâng cao hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn thành phố... đều chứa đựng những tâm huyết cống hiến trên các lĩnh vực.

Khát khao cống hiến cho thành phố còn được thủ khoa Hoàng Thị Hồng Hà (ĐH Văn Hóa Hà Nội) khẳng định: Nếu có cơ hội lựa chọn làm việc giữa Sở Văn hóa Hà Nội và 1 công ty nước ngoài trả lương cao gấp 2 - 3 lần, em sẽ làm công chức nhà nước.

Dù có thế thu nhập thấp hơn nhưng em được làm đúng chuyên ngành đào tạo, và đặc biệt là được làm việc, được đóng góp cho sự phát triển của thủ đô, đất nước.

Những mong mỏi được làm việc trong các sở, ban, ngành của thành phố Hà Nội của các thủ khoa xuất sắc là rất thiết thực và hoàn toàn chính đáng. Nhưng...

Hồ sơ của chúng em... bị “đắp chiếu”

Để hiền tài là nguyên khí của quốc gia ảnh 2
Thủ khoa Lê Thanh Bình: "Những dòng máu của chúng ta không bơm được đến những nơi cần thiết"

Thủ khoa Nguyễn Quỳnh Thu (Phân viện Báo chí và Tuyên truyền) đã không giấu nổi thất vọng khi đề cập đến thực trạng hồ sơ của cô và nhiều SV giỏi khác đã bị "đắp chiếu" khi đi xin việc.

Thu cho biết, dù là thủ khoa được tuyên dương nhưng cô đã phải tự “mò mẫm” liên hệ thực tập ở các tòa soạn và không được tạo điều kiện để phát huy hết khả năng.

Thủ khoa ĐH Văn Hóa Hoàng Thị Hồng Hà cũng phân vân: “Em có nguyện vọng được về Sở Văn hóa Hà Nội công tác nhưng vẫn đang loay hoay chưa biết phải liên hệ bằng cách nào”.

Được biết, đến trước thời điểm được tuyên dương, Hà chưa nhận được bất cứ lời mời nào của các cơ quan, tổ chức nhà nước.

“Nếu tình hình cứ thế này, có thể em sẽ ở lại trường công tác”, Hà tâm sự. Cô còn cho biết, do việc gõ cửa các cơ quan nhà nước quá phức tạp nên thủ khoa năm trước của trường, khi nhận được lời mời của thành phố, đã “yên vị” trong 1 công ty nước ngoài từ lâu.

Bức xúc về vấn đề chảy máu chất xám, thủ khoa Lê Thanh Bình (ĐH Ngoại Thương Hà Nội) cho rằng, thành phố quá chậm chân trong việc thu hút, bồi dưỡng nhân tài.

Thực tế cho thấy, nhiều tổ chức nước ngoài hiện nay chủ động cấp học bổng du học cho những SV xuất sắc ngay từ năm thứ 2, thứ 3. Khi đó, tỉ lệ trở về làm việc cho những cơ quan nhà nước của những nhân tài này là rất thấp, nếu không muốn nói là gần như không thể. Điều đó hoàn toàn dễ hiểu khi mà cơ hội việc làm của họ là quá lớn.

Trước thực tế “những dòng máu của chúng ta không bơm được đến những nơi cần thiết”, Bình để xuất thành lập một tổ chức theo dõi lý lịch và sự phát triển của những thủ khoa để qua đó, giúp đỡ và tạo điều kiện cho những tài năng trẻ phát triển.

Hiện nay, các thủ khoa tốt nghiệp đại học được tuyên dương trong 2 năm qua, đã thành lập Câu lạc bộ thủ khoa Hà Nội.

Chính sách thu hút nhân tài còn thụ động

Để hiền tài là nguyên khí của quốc gia ảnh 3
Thủ khoa Nguyễn Cẩm Tú - ĐH Công nghệ (ĐHQGHN)

Trước những tâm tư, nguyện vọng của các tri thức trẻ, ông Lê Quang Nhuệ - Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, khẳng định: Các thủ khoa nếu về công tác tại các sở, ban ngành của thành phố, sẽ không phải qua thi tuyển, không phân biệt có hộ khẩu ở Hà Nội hay không. Trong quá trình làm việc, các thủ khoa sẽ được ưu tiên bồi dưỡng, đi đào tạo tại nước ngoài.

Mặc dù từ năm 2001 đến nay, lãnh đạo thành phố rất chú trọng đến chính sách thu hút nhân tài nhưng kết quả chưa được như mong đơi.

Bằng chứng là mới có 13 thủ khoa (năm 2003) và 17 thủ khoa (năm 2004) về làm việc tại các cơ quan của thành phố. Đây là con số quá khiêm tốn.

Theo ông Nhuệ, nguyên nhân là bởi các thủ khoa đã được các công ty “săn đầu người”... “chăn dắt” từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ngay trong số 96 thủ khoa được tuyên dương năm nay, nhiều người cũng đã “có nơi có chốn” với những chế độ ưu đãi tốt.

Để khắc phục điểm yếu này, Sở Nội vụ đã phối hợp với các doanh nghiệp đoàn thể của thành phố triển khai chính sách hỗ trợ cho các học sinh đỗ thủ khoa ngay từ khi mới vào đại học. Thế nhưng cho đến bây giờ, kết quả như thế nào thì vẫn còn chờ... phải tổng kết.

Trong khi các cơ quan tổ chức nhà nước vẫn "bình chân như vại" trong việc phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, thì lượng máu chất xám của chúng ta vẫn đang từng ngày, từng giờ chảy một cách lãng phí. Và như vậy, hiền tài chưa thể là... nguyên khí của quốc gia.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.