Không thể gõ cửa từng em

Đề tài trẻ 'chết yểu' - Kỳ II

Đề tài trẻ 'chết yểu' - Kỳ II
TP - Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi tìm gặp TS Lê Xuân Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC), đơn vị tổ chức cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng Việt Nam.

>> Kỳ I: Tồn kho

Bài cuối: Vì sao xếp xó?

Ông Lê Xuân Thảo cho biết, cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc do Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Bộ Khoa học & Công nghệ, TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tổ chức, đến nay được bốn lần, với hơn 360 công trình được trao giải.

Thưa ông, các công trình đó được đánh giá theo tiêu chí nào?

Cuộc thi nhằm khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo của thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc, đồng thời giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, xây dựng ước mơ, để các em có thể trở thành nhà sáng chế trong tương lai.

Theo đó, các sản phẩm dự thi phải có tính mới, tính sáng tạo, có khả năng áp dụng và nhất thiết phải có mô hình và bản thuyết minh kèm theo. Cơ cấu điểm: 20 điểm cho tính mới, 20 điểm cho tính sáng tạo, 30 điểm cho tính ứng dụng, 20 điểm cho mô hình đẹp, an toàn. Nhiều mô hình có tính ứng dụng cao.

Đề tài trẻ 'chết yểu' - Kỳ II ảnh 1 Chúng tôi không thể gõ cửa từng em hỏi em có cần trợ giúp nào không Đề tài trẻ 'chết yểu' - Kỳ II ảnh 2

Bao nhiêu đề tài được ứng dụng và trở thành sản phẩm hữu ích sau cuộc thi?

Không nhiều. Hiện ban tổ chức mới biết đến các sản phẩm được ứng dụng rộng rãi là cây gậy thông minh (dành cho người khiếm thị) và cặp cứu sinh (dành cho học sinh vùng sông nước đi học). 

Để ứng dụng, phải có một bản thiết kế chuẩn (thiết kế của các em còn thuần túy, đơn giản), chuyển qua công nghệ, đăng kí bản quyền sở hữu trí tuệ, đi vào sản xuất. Nhiều đề tài thiết thực với học sinh trong thực hành các môn học nhưng cũng không thể đi ngay vào sản xuất vì còn cần nhiều yếu tố khác.

Vì sao các sản phẩm, sáng chế đó lại chậm được ứng dụng, thưa ông?

Thường những mô hình của các em mới là để đi thi, được đánh giá cao so với mặt bằng chung của các công trình dự thi, chứ chưa hẳn là có thể ứng dụng ngay.

Trong khi doanh nghiệp thường cần sản phẩm bán được ngay, hoặc đầu tư ít, trong khi công trình của các em thường mới mạnh ở ý tưởng, chưa phải là mô hình hoàn chỉnh, còn phải đầu tư nhiều. Có một thực tế là doanh nghiệp ngại đến với đề tài con trẻ.

Câu chuyện đầu tư là câu chuyện dài, ban tổ chức đã cố gắng kết nối với các doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp không có sự tin tưởng với khả năng sinh lời của các sản phẩm đó thì cũng chịu.

Những sản phẩm sản xuất ra chưa chắc rẻ hơn so với  những sản phẩm tương ứng trên thị trường, nên nhà đầu tư thường có sự cân nhắc kỹ lưỡng. Còn các tác giả vẫn hồn nhiên mơ giấc mơ ứng dụng nhưng thiếu tính toán thực tế. Hơn nữa, nhiều công trình sáng tạo còn hơi xa so với vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm.

Không thể gõ cửa từng em

Thực tế tác giả sản phẩm đoạt giải rất muốn ý tưởng, sản phẩm của mình trở thành sản phẩm hữu ích nhưng các em không biết bắt đầu từ đâu, không có người chỉ đường?

Cuộc thi ra đời nhằm động viên khích lệ các em nghiên cứu khoa học. Khi có giải thưởng các em được tôn vinh, được mọi người trong và ngoài nước biết đến. Giải thưởng là giá trị tinh thần, thúc đẩy các em tiếp tục học hỏi và nghiên cứu.

Theo tôi các em cần gì cứ đề xuất với ban tổ chức, chúng tôi luôn sẵn sàng giúp các em trong khả năng có thể của mình. Ví như chuyện đăng kí bản quyền sở hữu trí tuệ, các em phải làm đơn kiến nghị, trên cơ sở đó chúng tôi mới hướng dẫn các em thủ tục cần thiết. Mỗi năm có rất nhiều công trình, nhiều tác giả được tôn vinh. Chúng tôi không thể gõ cửa từng em hỏi em có cần trợ giúp nào không.

Nhiều công trình xếp xó sau cuộc thi, dù tính ứng dụng cao, cũng là sự lãng phí?

Mục đích của cuộc thi không phải là nhằm tiến tới ứng dụng, mà động viên các em nghiên cứu, tập dượt cho các em làm khoa học. Hy vọng trong 1.000 em sẽ có một em là nhà sáng chế, đạt được mục tiêu đề ra là thành công. Còn sản phẩm nào được ứng dụng là tốt. Còn cá nhân tôi không cho rằng đó là sự lãng phí.

Để kích thích ứng dụng, còn phụ thuộc nhiều yếu tố, quan trọng là nhu cầu của xã hội và sự phối hợp của doanh nghiệp. VUSTA đã xúc tiến thành lập trung tâm hỗ trợ sáng kiến sáng chế để tiếp nhận các sáng kiến, sáng chế có tính ứng dụng, trên cơ sở đó, kết nối với doanh nghiệp và cùng tìm giải pháp phát triển các sản phẩm đó.

Cảm ơn ông!

Hải Yến
Thực hiện

MỚI - NÓNG