Để thần tượng chắp cánh cho ta

Để thần tượng chắp cánh cho ta
TP - Diễn đàn vừa nhận được bài viết của tác giả Lê Sỹ Tứ, nguyên là thầy giáo dạy Văn, Trường PTTH Trần Phú, Hà Nội. Ông cho biết: “Diễn đàn điểm rất trúng vấn đề thời sự không chỉ là chuyện của các bạn trẻ mà phụ huynh, giáo viên cũng rất quan tâm”. Diễn đàn giới thiệu bài viết của thầy giáo có 40 năm gắn bó với học sinh.

> Tôi sợ con mình bị cuốn đi vì thần tượng
> Thần tượng: Vì sao phải cuồng?

Phải là tấm gương

Bạn Dương Ngọc Ánh, 17 tuổi (trong bài “Tâm sự của một fan từng đánh nhau vì thần tượng Big Bang", số ra ngày 4-1-2013), nói lý do thích Big Bang vì nhóm nhạc này biết giúp đỡ người khác, có nghị lực vượt qua scandal, trở lại đột phá năm 2012, giành được 15 giải thưởng quốc tế.

Tôi ủng hộ bạn. Điều tôi muốn bàn với bạn trẻ: Thế nào là thần tượng? Thái độ đối với thần tượng? Thần tượng phải là tấm gương về tài năng, đạo đức, nhân cách để ta “soi" vào đó, biết người, biết mình, không bị “ngợp” trước “cái bóng” của thần tượng, phấn đấu vươn lên ngang tầm, thậm chí vượt thần tượng.

Thần tượng có sức lan tỏa theo hướng tích cực mới có giá trị đích thực. Yêu mến thần tượng là lẽ thường tình, nhưng yêu mến tới mức khóc thét, ngất xỉu, phải đi cấp cứu bệnh viện, hoặc nhiều nhóm fan xích mích, ganh đua thần tượng dẫn đến mâu thuẫn, chửi nhau, cãi nhau, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với nhau đó là làm xấu hình ảnh thần tượng mà chính các bạn tôn sùng.

Thần tượng ở rất gần

Một điều nữa xin được bàn với các bạn trẻ, một số bạn mê thần tượng là ngôi sao xứ Hàn xa xôi (kể cả các nước khác). Các bạn chỉ biết họ qua màn ảnh, các bạn đâu có biết họ một cách đầy đủ. Nhiều sao hôm trước được tung hô, hôm sau đã tự tử vì tình?, vì tiền? vì bế tắc?…

Ở nước ta thời đánh Mỹ “ra ngõ gặp anh hùng”, thời “hội nhập” ngày nay có biết bao tấm gương sáng học giỏi, đem vinh quang về cho đất nước như GS Toán học Ngô Bảo Châu, hay VĐV thể dục dụng cụ Phan Thị Hà Thanh, HCV Châu Á.

 Người anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi “Chín phút cuối cùng đã đi vào lịch sử”. Anh Nguyễn Viết Xuân cùng khẩu lệnh: “Nhằm thẳng vào đầu quân thù. Bắn”. Năm 1980, anh hùng Phạm Tuân, người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ, anh là thần tượng của biết bao nhiêu cô gái nói riêng và các bạn trẻ nói chung. Cùng năm đó NSND Đặng Thái Sơn mới 23 tuổi giành giải nhất cuộc thi piano quốc tế mang tên Sô - panh, anh là thần tượng, niềm tự hào của cả dân tộc… 

Họ là những người bình thường sống quanh ta. Kỳ thủ nhí Nguyễn Trọng Khôi, học sinh lớp 5 trường tiểu học Võ Trường Toản tại giải trẻ ĐNA ẵm trọn 6 HCV cá nhân đồng đội lứa tuổi U8; HCV cờ tiêu chuẩn cá nhân giải cờ vua trẻ châu Á lứa tuổi U8; HCV cờ tiêu chuẩn và đánh nhanh cá nhân lứa tuổi U10; HCV U10 thế giới tại Maribor (Slovenia); Là công dân trẻ tiêu biểu TPHCM năm 2012.

Bản thân Khôi đã là một thần tượng. Khôi cũng có thần tượng, ngay trong làng cờ Việt Nam đó là kỳ thủ Lê Quang Liêm.

“Em thần tượng anh Liêm không phải vì những thành tích vang dội trên đấu trường quốc tế mà vì tính cách thân thiện, hòa đồng với mọi người. Anh tôn trọng đối thủ, dù đó là cờ vua quốc tế hay chỉ là một cậu học sinh tiểu học”.

Quả là Khôi đã biết chọn cho mình một thần tượng, đúng nghĩa. VĐV điền kinh Nguyễn Thị Phương tại đấu trường Sea Games 26, không nằm trong danh sách có thể đoạt HC. Nhưng do có chiến thuật hợp lý đã lao lên dẫn đầu vòng đua cuối.

Chỉ còn 2m thì cán đích, Phương kiệt sức ngã gục xuống đường đua. Cô đã cố bò, lết vươn tay chạm đích để giành tấm HCB, khiến trái tim hàng chục triệu người Việt Nam xem truyền hình trực tiếp run lên vì khâm phục. Ai cũng ngợi khen tấm HC của Phương không phải Bạc mà Kim cương.

Tuổi nào cũng vậy, nam - phụ - lão - ấu, ai cũng muốn có một thần tượng để tôn thờ, không chỉ tôn thờ, quan trọng hơn là hành động, làm tấm gương sáng để noi theo, động viên, khích lệ chúng ta chiến đấu và chiến thắng. Các bạn hãy tìm cho mình ngay bên cạnh các bạn. Họ là người thật, việc thật, chính họ sẽ chắp cánh cho các bạn trở thành thần tượng!

Những cơn sóng hâm mộ ca sỹ, diễn viên Hàn Quốc mới đây khiến chúng ta có đôi chút hốt hoảng khi chứng kiến những hình ảnh fan khóc thét, ngất xỉu, đổ máu, cấp cứu… trong một số buổi biểu diễn. Không chủ quan, không bảo thủ khi nói rằng, có một bộ phận người trẻ đang lệch lạc thần tượng và tạo ra những hiệu ứng không tốt. Qua diễn đàn này mong bạn đọc cùng chia sẻ, trao đổi và cùng hướng tới xây dựng một “văn hóa thần tượng” lành mạnh.

Hãy chia sẻ câu chuyện, quan điểm, ý kiến, sáng kiến… của bạn với Diễn đàn qua thư điện tử: Thegioitre@tienphong.vn hoặc Ban Thanh niên, báo Tiền Phong - 15 Hồ Xuân Hương, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Lê Sỹ Tứ
Số 19, ngõ 107, phố Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG