Để vững tin nơi đầu sóng

 Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh tặng học bổng cho con em các chiến sĩ cảnh sát biển, kiểm ngư viên. Ảnh: Trường Phong
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh tặng học bổng cho con em các chiến sĩ cảnh sát biển, kiểm ngư viên. Ảnh: Trường Phong
TP - Khi Tổ quốc cần, những gia đình Việt sẵn sàng chia sẻ, làm mọi việc lớn đến việc nhỏ. Đó là chia sẻ của thân nhân những chiến sỹ cảnh sát biển, kiểm ngư viên tại chương trình gặp mặt tại Hà Nội chiều 23/6.

Sẵn sàng làm mọi việc khi Tổ quốc cần

Hướng tới kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam (28/6), Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) phối hợp với T.Ư Đoàn tổ chức chương trình gặp mặt, tặng quà 20 gia đình, người thân của cảnh sát biển, kiểm ngư viên đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc tại vùng biển Hoàng Sa.

Ban Bí thư T.Ư Đoàn tặng học bổng cho con em các cảnh sát biển và kiểm ngư viên. Từ 5 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Đà Nẵng, những người thân là bố mẹ, vợ, con của các cảnh sát biển, kiểm ngư viên được mời về gặp mặt, trong đó, có những bậc cao niên đã từng trải qua những cuộc chiến tranh; có những em bé mới vài tháng tuổi.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh cho biết, chương trình thể hiện mong muốn chia sẻ những tình cảm sâu sắc, trách nhiệm với gia đình, người thân những người đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, biển đảo của Tổ quốc, đồng thời, qua đó mong muốn tiếp tục kêu gọi những sự quan tâm dành cho gia đình cảnh sát biển, kiểm ngư nói riêng và lực lượng thực thi pháp luật, lực lượng vũ trang Việt Nam.

“Chúng tôi mong muốn sẽ tuyên truyền, giáo dục truyền thống hiếu thuận, nhân ái, tận trung với nước của gia đình Việt Nam”, ông Tuấn Anh nói.

Ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam nhấn mạnh: “Vì Tổ quốc, gia đình Việt Nam chúng ta sẵn sàng chia sẻ mọi việc, từ việc lớn đến việc nhỏ. Đặc biệt, những thanh niên có những đóng góp rất quan trọng nên trong các gia đình trẻ, các chị, các bạn hãy sẵn sàng chịu khó, chịu khổ vì việc đấu tranh để bảo vệ giữ gìn chủ quyền của chúng ta không phải là một sớm một chiều, còn phức tạp, còn khó khăn”, ông Kim nói.

Theo ông Kim, sự động viên của mỗi gia đình đến các chiến sĩ cảnh sát biển, kiểm ngư viên đang ở nơi đầu sóng ngọn gió là rất cần thiết. “Trên tinh thần như Bác Hồ đã dạy, đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết sẽ mang lại thành công, thành công, đại thành công. Cần mở rộng và phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết này, để ở mỗi cộng đồng dân cư đều có những việc làm thiết thực động viên những chiến sĩ, thanh niên”, ông Kim nói.

Những hậu phương vững chắc

Có mặt ở Hà Nội dự lễ gặp mặt, các gia đình, người thân, vợ con các chiến sĩ cảnh sát biển, kiểm ngư viên đại diện tiêu biểu cho một hậu phương vững chắc. Những người cha, người mẹ giấu đi bệnh trọng, những người vợ tảo tần chăm sóc mẹ cha, con cái để các chiến sĩ cảnh sát biển, kiểm ngư viên yên tâm bám biển, giữ vững chủ quyền.

Để vững tin nơi đầu sóng ảnh 1

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký T.Ư UBMTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim tặng quà thân nhân các gia đình chiến sĩ cảnh sát biển, kiểm ngư viên

 Cưới chồng đầu năm 2014, nhưng đến bây giờ, số ngày được ở bên chồng của Đàm Thị Hường chỉ có hơn chục ngày. Chồng chị Hường là Trung úy Trần Văn Hiếu, thuyền phó tàu 4032.

“Cưới được mấy hôm thì anh ấy vào vùng 2 công tác. Từ ngày 7/5, anh ấy đi ra vùng biển Hoàng Sa để làm nhiệm vụ đến giờ”, Hường nói.

Không thể liên lạc qua điện thoại vì không có sóng, Hường chỉ biết theo dõi bản tin thời sự trên VTV để nắm tình hình. “Hôm tàu anh ấy bị đâm, em về nằm khóc vì thương chồng”, Hường nói.

Đến nay, chỉ duy nhất một lần Hường và Hiếu liên lạc được với nhau, khi Hiếu vào chuyển tàu để tiếp tục làm nhiệm vụ. “Anh ấy nói ở nhà cứ yên tâm, anh không sao. Gia đình cũng không hỏi các vấn đề liên quan đến công việc. Chỉ biết động viên anh ấy cố gắng làm tốt nhiệm vụ”, Hường kể.

Hường đang mang thai đến tháng thứ 7, cũng mong khi sinh con có chồng bên cạnh, nhưng nếu chồng còn phải làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, cô nỗ lực vượt qua mọi khó khăn. Hường cho biết gia đình đang gặp rất nhiều khó khăn khi bố chồng bị hỏng mắt, em gái chồng bị gẫy chân chưa khỏi, mẹ chồng mới điều trị xong tai nạn gãy tay.

Mặc bộ quần áo cũ màu, trong câu chuyện với phóng viên Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Tình, mẹ chiến sĩ Hà Văn Dũng trên tàu CSB 8003 khóc suốt. Bà Tình bị ung thư dạ dày đã 3 năm, đến nay vết mổ vẫn in hằn trên bụng, tóc cũng rụng đi nhiều sau các đợt điều trị.

“Ngày Dũng ở nhà, nó vẫn hay đi lấy thuốc cho tôi uống, bây giờ gần hết thuốc rồi mà nó vẫn chưa về”, bà Tình nói trong tiếng nấc. Anh Dũng đi làm nhiệm vụ trên tàu từ đầu tháng 5 và cũng chỉ tranh thủ gọi điện về đất liền được 1 lần. “Nó gọi về thấy vui lắm. Cứ ríu rít nói chuyện suốt”, bà Tình nói và lại nhanh tay gạt đi giọt nước mắt lăn trên gò má nhăn nheo. Bà bảo, bố Dũng bị bệnh tim cấp độ 4, lại bị thêm bệnh gan, đang phải điều trị trong bệnh viện mà không dám cho Dũng biết. Để vơi bớt nỗi nhớ khắc khoải về con, bà Tình thường xuyên theo dõi bản tin thời sự.

“Chúng tôi nén lòng, thương con ngày đêm lênh đênh trên biển. Mong con sớm hoàn thành nhiệm vụ nhà nước giao. Ở nhà đã có mọi người, có hàng xóm láng giềng”, bà Tình nói.

Chị Bùi Thị Tuyết có chồng là anh Phạm Văn Khánh làm nhiệm vụ trên tàu CSB 8003. Những ngày này, thay chồng làm trụ cột trong gia đình, chị chăm sóc bố mẹ già và con nhỏ.

Chị Tuyết bộc bạch: “Bà bị ung thư dạ dày gần một năm nay. Tiền lương của anh đủ trang trải tiền chữa bệnh cho bà. Con nhỏ lại hay ốm”. Từ ngày lên đường ra điểm nóng Hoàng Sa làm nhiệm vụ, cả nhà mới một lần nhận được điện thoại của anh. “Cả nhà ai cũng chờ thông tin về tình hình trên biển, chiếc đài gần như bật suốt ngày đêm.

Nhiều đêm bà thức trắng bật hết các kênh để nghe tin”, chị Tuyết cho hay. Lần ngắn ngủi hai vợ chồng liên lạc được với nhau, chị Tuyết mừng mừng tủi tủi: “Biết anh công tác ngoài đó cũng lo cho sức khỏe của ông bà nay đã già và thương vợ con, mình chẳng kể nhiều chỉ nói động viên. Ở nhà mọi người vẫn khỏe cả, mẹ đã có em và mọi người quan tâm chăm sóc. Anh yên tâm công tác cùng với anh em trên tàu để hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với sự quan tâm của mọi người ở đất liền”.

Những giọt nước mắt lăn dài trên má khi chị kể: “Động viên mọi người, anh còn đùa trong điện thoại là tình hình yên ổn, trên tàu mọi người còn có thời gian thư giãn. Đợt vào bờ, anh còn đưa ảnh câu mực trên tàu lên facebook để mọi người xem”.

Ông Vũ Xuân Xê (70 tuổi, Hà Nội) có con rể là anh Phạm Đức Hạnh, Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Bộ Tư lệnh CSB đang có mặt tại điểm nóng Hoàng Sa. Thông cảm với hoàn cảnh vợ chồng anh Hạnh thường xuyên công tác xa, ông bà Xê chăm nuôi giúp hai cháu nhỏ, một mới học lớp 3 tên Phạm Minh Châu, một mới 4 tuổi tên Phạm Hương Giang. Hằng ngày, cả nhà đều quây quần bên chiếc ti vi để xem tin tức về diễn biến trên biển. Lần anh Hạnh gọi điện về, cả nhà ai cũng động viên anh yên tâm công tác.

“Chúng tôi, thanh niên Việt Nam rất trân trọng những đóng góp, sự kiên cường, mưu trí, dũng cảm của các đồng chí cảnh sát biển, kiểm ngư viên đang làm nhiệm vụ tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Tuổi trẻ chúng tôi sẽ học tập, noi gương các đồng chí cảnh sát biển, kiểm ngư viên đang làm nhiệm vụ tại nơi biển xa, xin hứa luôn sát cánh cùng các anh góp phần làm nhiệm vụ hậu phương vững chắc để các anh yên tâm làm nhiệm vụ”.

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh

“Hôm trước, con bé Châu viết thư và gửi cho bố. Cả nhà không ai hay, chỉ khi có phóng viên đến hỏi, ông bà mới biết”, ông Xê nói. Ông Xê cũng cho hay, Hạnh có anh trai là kiểm ngư viên, đợt này cũng làm nhiệm vụ ngoài biển. Động viên và quan tâm tới nhau, cả hai gia đình vẫn thường gọi điện hỏi thăm.

Trong chiếc váy hồng xinh xắn bên cạnh bà ngoại, Phạm Minh Châu bảo, biết bố Hạnh hay đi công tác xa nên thường viết thư kể tình hình học tập, sức khỏe của mọi người trong gia đình, hỏi “khi nào bố về”.

“Lần này qua điện thoại, bố nói là đi công tác để bảo vệ biển, đảo của Việt Nam. Cháu động viên bố giữ sức khỏe và làm tốt nhiệm vụ. Cháu thường xem thời sự với ông bà, có lần thấy thoáng trên ti vi hình của bố cả nhà ai cũng vui, nhưng cũng thương bố Hạnh”. Không chỉ ngoan ngoãn học tập, nghe lời ông bà, bé Châu còn sớm quan tâm tới mọi người.

Châu còn kể: “Tối mẹ thường hay nhớ bố, có lần cháu đã thấy mẹ khóc. Thay bố, cháu nói mẹ cứ yên tâm bố sẽ bảo vệ tốt biển, đảo và lại về sớm thôi”.

Gia đình thân nhân các chiến sĩ cảnh sát biển, kiểm ngư viên đã đến thăm trụ sở báo Tiền Phong. Ông Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong đã giới thiệu khái quát những bài viết trên báo phản đối hành động của Trung Quốc, khâm phục sự dũng cảm, kiên cường của lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư viên Việt Nam từ những thông tin tường thuật của các phóng viên gửi về từ vùng biển Hoàng Sa.

Tại buổi lễ, đại diện báo Tiền Phong, báo Thiếu niên Tiền phong, Quỹ Vừ A Dính do báo Thiếu niên Tiền phong làm thường trực, báo Nhi Đồng, NXB Kim Đồng, Cty Elmich Việt Nam đã trao nhiều phần quà cho các cháu nhỏ, thân nhân các cảnh sát biển, kiểm ngư viên làm nhiệm vụ tại Hoàng Sa.

MỚI - NÓNG