Đề xuất thành lập Bộ Thanh niên

 Thanh niên có vai trò rất lớn trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (Trong ảnh tuổi trẻ Thủ đô phát nước sát khuẩn phòng chống dịch COVID-19) Ảnh: Xuân Tùng
Thanh niên có vai trò rất lớn trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (Trong ảnh tuổi trẻ Thủ đô phát nước sát khuẩn phòng chống dịch COVID-19) Ảnh: Xuân Tùng
TP - Sáng 20/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Tại phiên họp, đa số các đại biểu đánh giá cao và khẳng định dự án luật đã đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp tới. Đặc biệt, tại phiên họp, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất nghiên cứu thành lập Bộ Thanh niên.

Thay đổi cách nhìn về thanh niên

Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, thanh niên là tuổi đẹp nhất, có sức sống, có khát vọng nhất của đời người. Vì vậy, phải làm rõ trách nhiệm với nghĩa vụ, quyền lợi của thanh niên trong luật. Ông Hiển nêu vấn đề, tại sao không tổ chức cho thanh niên làm công trình đầu tư công để thể hiện vai trò xung kích, tiên phong? “Thanh niên làm công trình đầu tư công không phải vì mục đích lợi nhuận, cái chính là để thanh niên rèn luyện, cống hiến. Đó cũng là “đào núi, lấp biển”, cần lưu ý đưa một số chương trình cụ thể cho thanh niên”, ông Hiển nói. 

Đề xuất thành lập Bộ Thanh niên ảnh 1
Anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) Ảnh: Như Ý
Cùng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị nghiên cứu cơ chế chính sách cụ thể, trên cơ sở đó giao cho thanh niên những công trình đầu tư công được nhà nước đặt hàng. Như vậy thanh niên được trả lương, được tạo công ăn việc làm, không bị thất nghiệp. “Luật phải bật ra được những “công trình thanh niên” như vậy, để tạo việc làm cho những em không có điều kiện học cao, chưa có điều kiện học nghề”, bà Ngân đề nghị.

Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, trong điều kiện hiện nay có cần thiết thành lập Bộ Thanh niên không? Như ở Singapore chỉ có mấy triệu dân nhưng họ có Bộ Thanh niên và thể thao, do Bí thư thứ nhất Trung ương đoàn làm Bộ trưởng. Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu thành lập Bộ Thanh niên cũng không phải là thành lập cơ quan mới, không “đẻ” thêm biên chế mới, mà được nâng cấp từ Đoàn thanh niên và trong Bộ đó có một bộ phận để làm phong trào đoàn. 
Chủ tịch Quốc hội đề xuất thay đổi cách nhìn về thanh niên, giao chức năng quản lý nhà nước như một bộ. Bà Ngân nhấn mạnh, với tình hình hiện nay Luật Thanh niên là phù hợp, nhưng phải toát lên vai trò xung kích, đi đầu của thanh niên. Còn có vai trò quản lý nhà nước hay không thì trong tương lai tính tiếp và điều này là “nói cho tương lai”.

Để khắc phục tình trạng nhiều đầu mối, trên cơ sở hợp nhất các cơ quan của Đảng cùng chức năng nhiệm vụ với các cơ quan của chính quyền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề xuất thành lập Bộ Thanh niên. Như vậy có thể giao chức năng quản lý nhà nước từ Bộ Nội vụ sang Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. “Tất cả bộ máy, điều kiện chúng ta đã có sẵn rồi, nên có thể thực hiện hợp nhất giữa các cơ quan của Đảng với cơ quan của Chính phủ”, ông Thanh nói.

Quan tâm nhóm thanh niên “tinh hoa, xung kích” 

Cũng tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đánh giá, so với trước đây, dự án Luật Thanh niên sửa đổi đã hoàn toàn khác, cho thấy thanh niên không còn bị động nữa, mà hoàn toàn nắm quyền chủ động. Lần này, dự thảo luật đã thể hiện rõ “đất nước làm gì cho thanh niên và thanh niên làm gì cho đất nước”. Quyền và nghĩa vụ của thanh niên được đề cập rất rõ tại dự thảo luật lần này. Nhấn mạnh đến vị trí, vai trò quan trọng của lực lượng thanh niên, theo ông Dũng, điều quan trọng hơn, thanh niên phải là người tổ chức ra công việc, không chỉ cho thanh niên mà cho cả xã hội. 

“Thanh niên khởi nghiệp, sáng tạo, cán bộ khoa học, doanh nghiệp trẻ đều là những người tạo công ăn việc làm cho xã hội. Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cũng có vai trò rất lớn của thanh niên. Do vậy, phải nhấn mạnh hơn nữa vai trò của thanh niên, nhất là trong việc tạo công ăn việc làm cho xã hội”, ông Dũng đề nghị.

Nhấn mạnh đến vai trò xung kích, sáng tạo, đi đầu của lực lượng thanh niên, theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, phải tạo hành lang pháp lý, thể hiện rõ trách nhiệm nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội để phát huy vai trò của thanh niên. Ông Chiến đặc biệt lưu ý đến nhóm thanh niên tinh hoa, xung kích, nhất là lực lượng vũ trang và sinh viên, vì nhóm đối tượng này rất đông đảo. Ông Chiến đề nghị trong luật phải đề cập đến nhóm “tinh hoa, xung kích” này, trên cơ sở đó quy định các chính sách cụ thể, đảm bảo tính khả thi, dễ thực hiện khi luật ra đời.

Nguồn lực quan trọng cung cấp cho hệ thống chính trị

Tại phiên họp, anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn cho biết, trong quá trình soạn thảo dự án luật, các bên đều mong muốn đưa ra các chính sách, tạo điều kiện, động lực để thanh niên có những cống hiến, phát huy đầy đủ những khả năng, tiềm năng của thanh niên, phục vụ chung cho sự phát triển đất nước. Trên cơ sở đó xây dựng chính sách cụ thể, hình thành khung chính sách có thể bao quát được đầy đủ các lĩnh vực, nhóm nội dung mà thanh niên quan tâm. Liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về thanh niên, anh Lê Quốc Phong mong muốn có thêm những cơ chế, chính sách cho thanh niên để tham gia và trở thành nguồn lực quan trọng cung cấp cho hệ thống chính trị, cho các lĩnh vực của đời sống để phát triển đất nước.

MỚI - NÓNG