Đêm định mệnh của một quý tử ham chơi

Đêm định mệnh của một quý tử ham chơi
Nếu không có đêm bỏ nhà vì lưu luyến bạn, có lẽ Sơn đang ở nước ngoài và con đường học vấn chắc chắn sẽ không dừng lại ở cấp trung học cơ sở.

Đêm định mệnh của một quý tử ham chơi

> Cảnh báo quý tử 'chém gió', phê 'pin' cả ngày

Nếu không có đêm bỏ nhà vì lưu luyến bạn, có lẽ Sơn đang ở nước ngoài và con đường học vấn chắc chắn sẽ không dừng lại ở cấp trung học cơ sở.

Các trại viên Cơ sở giáo dục Thanh Hà, nơi Sơn đang cải tạo, trong giờ lao động
Các trại viên Cơ sở giáo dục Thanh Hà, nơi Sơn đang cải tạo, trong giờ lao động.
 

Nguyễn Thanh Sơn (sinh năm 1987, ở phường Vị Hoàng, Nam Định) đưa đôi mắt ướt rượt ngó mông lung, như nuối tiếc một thời không thể quay lại. Khoác trên người bộ quần áo trại viên nhưng Sơn vẫn nổi bật trong số người đi làm đồng về bởi dáng người thanh mảnh và nước da trắng trẻo. Không tham gia vào câu chuyện của các trại viên, Sơn chỉ cười góp mặt. Hiền vậy đấy nhưng lý lịch thì bất hảo là chiến tích 3 lần đi tù, chưa kể vài tiền sự về các hành vi trộm cắp.

Sơn sinh ra trong một gia đình khá giả, bố là một doanh nhân làm ăn lớn bên Thái Lan với những chuyến công tác dài ngày nên việc quản lý và nuôi dạy con chỉ có mẹ đảm nhiệm. Sống với ông bà nội, có chị gái nhưng lại là con út, cháu đích tôn nên Sơn được nuông chiều từ nhỏ, chưa bao giờ phải động tay vào bất cứ việc gì ngoài chuyện vệ sinh cá nhân và ăn uống.

5 năm tiểu học trôi qua êm đềm với bản thành tích học sinh giỏi, Sơn vụt lớn, khiến mọi người đi từ bất ngờ này tới ngỡ ngàng khác khi trút bỏ được bản tính sợ sệt, trở thành trung tâm của những trò nghịch ngợm, quậy phá. Thấy con thích chơi hơn học, suốt ngày đàn đúm với những thanh niên lang thang, mẹ Sơn tức tốc gọi bố cậu về, bàn cách giải quyết. Mọi người thống nhất ý kiến cách ly Sơn khỏi đám bạn xấu mà vẫn đảm bảo việc học hành không bị đứt đoạn bằng việc đưa cậu sang Thái Lan sống với bố. Sơn đồng ý với điều kiện xin tổ chức một bữa liên hoan chia tay các bạn.

Với điều kiện kinh tế khá giả, Sơn đã có một bữa tiệc hoành tráng tại một nhà hàng nhưng ngay đêm đó, trong khi cả nhà yên tâm ngủ vì buổi chia tay diễn ra vui vẻ thì Sơn lén lấy chìa khóa két của mẹ, nhặt mấy cọc tiền khoảng 200 triệu đồng rồi leo cổng ra ngoài. Đám bạn lêu lổng đã chờ sẵn và với một chiếc taxi, cả nhóm "vù" sang Thái Bình đập phá. Sơn bảo thực tình thì không có ý định bỏ nhà đi bụi, chỉ muốn đi vài ngày xả hơi với đám bạn rồi theo bố ra nước ngoài nhưng rồi những điều không muốn cứ vụt đến khiến Sơn chẳng có thời gian nghĩ suy.

Biết thế nào bố mẹ cũng đi tìm, Sơn và nhóm bạn không thuê một chỗ trọ cố định mà đi lang thang, gặp đâu nghỉ đấy. Số tiền mang theo tính ra bằng cả cơ nghiệp của một gia đình nông dân, nhanh chóng theo chân những kẻ ăn chơi, ném vào các trò chơi vô bổ như điện tử, bi-a và nhậu nhẹt hết. Không còn tiền để ăn chơi, Sơn muốn quay về nhà. Nhóm bạn đồng ý nhưng rủ chơi thêm một đêm nữa.

“Đang chơi dở thì hết tiền, một thằng bảo thấy có đôi trai gái hay ngồi chơi khuya thế là rủ nhau đi trấn lột”, Sơn kể. Từ người lương thiện thành kẻ cướp, khoảng cách thật gần, đôi khi chỉ vì một phút cả nể, hùa theo. Với Sơn là như thế. Lần đầu ỷ thế đông người cướp điện thoại còn run song vì thấy ngon ăn nên những kẻ choai choai mù luật chưa biết sợ là gì, bàn nhau đi trấn lột tài sản của những đôi uyên ương, bán lấy tiền tiêu xài.

Được một thời gian thì Sơn bị bắt. 16 tuổi, 3 năm thành tích lang thang, Sơn bị kết án 17 tháng tù về tội cướp tài sản, cải tạo tại trại 6 Thanh Chương, Nghệ An. Từ một quý tử ngờ nghệch, Sơn trở thành tên tội phạm nhí, bắt đầu những tháng ngày trượt dốc của mình.

Ba tiền án, nhiều tiền sự, Sơn còn thể hiện đẳng cấp của mình với việc nghiện thuốc lắc. Trở thành con nghiện, Sơn đi đến đâu cũng bị người ta cảnh giác, nghi ngờ song cậu chỉ thấy tổn thương những khi tỉnh táo còn những khi lên cơn nghiện, Sơn chẳng cần biết mình làm gì, nói gì, miễn là có tiền cắn thuốc. Cậu không chỉ đập phá nhà cửa, dọa nạt mọi người trong nhà để lấy tiền mua ma túy mà còn xông ra ngoài, chặn người đi đường để “xin” tiền.

Kinh nghiệm ba lần đi tù về tội cướp đã dạy khôn Sơn rất nhiều nên dù đầu óc lơ mơ vì lên cơn nghiện thì cậu ta vẫn đủ tỉnh táo để nói lời van xin, thậm chí quỳ lạy người đi đường chứ không bao giờ cầm hung khí dọa nạt. Chính vì thế mà khép Sơn vào tội cướp rất khó bởi anh ta chỉ xin chứ không cướp. Bến xe, nhà ga hay cổng chợ là nơi Sơn hay la cà để xin tiền người dân.

Ban đầu bố mẹ Sơn còn giữ thể diện, đưa cậu ta về nhà trói lại để cai nghiện nhưng cứ dứt cơn thì anh ta lại tái nghiện. Rồi những trận đập phá, những lần cãi láo, sơ hở một tí là trộm tài sản trong nhà đem đi bán khiến mọi người cảm thấy chán nản, không còn muốn kéo anh ta về nhà nữa. Người thân xa lánh, khách đi đường quen mặt, Sơn không còn võ nào kiếm tiền đành đi trộm cắp và đó chính là lý do để anh ta có mặt tại Cơ sở giáo dục Thanh Hà bây giờ.

“Em vào đây từ đầu năm ngoái, tính ra đã 18 tháng rồi nhưng mãi tháng trước chị gái em mới lên thăm”, Sơn kể, đôi mắt có hàng lông mi dầy, dài chợt loáng nước khi nhắc tới mẹ. Với vóc dáng công tử, Sơn được nhiều cô gái theo đuổi nhưng làm bạn được với Sơn chỉ là những cô gái hư hỏng. Cũng chính vì những trải nghiệm vào đời sớm ấy mà Sơn dính nghiện vừa vì thể hiện và cũng vì một suy nghĩ rất thiển cận rằng dùng ma túy sẽ chiều bạn gái được lâu hơn.

Sơn bảo lúc đầu cứ nghĩ cả nhà coi mình là đổ bỏ đi nên nấn ná mãi mới dám viết một lá thư về xin lỗi bố mẹ. Không ai lên thăm, Sơn buồn nhưng mãi tới khi chị gái lên, nghe chị kể mẹ vì quá thất vọng trước việc con trai nghiện, suy nghĩ nhiều mà giờ nằm liệt một chỗ. Nghe chị kể, Sơn ân hận lắm, đêm nào cũng khóc vì thương mẹ.

Chiều rồi đêm là khoảng thời gian dài để những kẻ tội lỗi như Sơn sám hối về những việc làm của mình nên dù cả ngày mệt nhoài vì lao động nhưng tối đến, chẳng mấy ai đặt lưng là ngủ. Họ chuyện trò, xem TV và miên man với những suy tưởng ngược dòng thời gian. Có người khóc, có người thở dài nuối tiếc song tất thảy đều một tâm trạng ân hận để rồi bằng cách này hay cách khác động viên nhau vững tâm cho hết thời gian cải tạo.

So với những trại viên cùng buồng, Sơn nhỏ nhất nên cũng nhận được nhiều lời khuyên răn, khích lệ nhất. Nghe mọi người động viên, Sơn cũng thấy lạc quan vì đời mình còn nhiều cơ hội làm lại nhưng lại lo lắm vì sợ bệnh tật sẽ cướp mẹ của cậu ta đi bất cứ lúc nào. Nghĩ đến mẹ Sơn lại khóc, chỉ sợ không còn cơ hội tạ lỗi với mẹ.

Theo Công Lý

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG