Đến lượt truyện tranh Việt Nam ăn khách

Tác giả Châu Chặt Chém, tóc ngắn, bên trái.
Tác giả Châu Chặt Chém, tóc ngắn, bên trái.
TP - Cuối năm, dân mọt sách tổng kết: hai cú chốt hạ “hốt fan” đều rơi vào phía Nam, một thuộc về Nguyễn Nhật Ánh với “Cây chuối non đi giày xanh”, một thuộc về Châu Chặt Chém với truyện tranh “Bad Luck” made in Việt Nam gây sốt từ trước đó với mỗi một chap (chương – từ dùng trong truyện tranh) mới đều “triệu like”.

Bad luck” kể về một cô nàng nữ sinh trung học tên An, vào ngày sinh nhật, An biết được mình có một siêu năng lực rất đặc biệt “di truyền” từ bố, là... nguyền rủa người khác. Các fan của “Bad Luck” tiết lộ, năng lực này vốn liên quan mật thiết đến khả năng “nhọ nồi” có thật của tác giả. Anh Nguyễn Khánh Dương (người sáng lập công ty truyện tranh Comicola - đơn vị sản xuất “Bad Luck”) lập tức làm khán phòng nóng lên bằng những chuyện thật như bịa về tác giả Châu Chặt Chém như: ra mắt sách lần nào cũng không hỏng mic thì trời mưa, khiến cho tất cả các tác giả khác của Comicola đều “né” ra mắt sách cùng dịp với Châu; làm MC thì nhà hàng xóm cháy đùng đùng, cả khu phố mất điện; vào WC nào là y như rằng phải phá cửa mới cứu ra được, 5000 cuốn Bad Luck đã phải đốt vì máy in trục trặc v.v.. Những câu chuyện bên lề vui vẻ trở thành một mật mã để fan nhận ra cô tác giả 9X tưng tửng này. Cũng là một bài học về PR của thế hệ Y (chỉ những người sinh ra từ năm 1981-2000, được gọi là thế hệ bản lề của tương lai) mà các Nhà xuất bản “bảo thủ” phải “đỏ mắt học”.

 

Đến lượt truyện tranh Việt Nam ăn khách ảnh 1 Độc giả của truyện tranh Việt đều rất trẻ và họ thuộc lòng tình tiết truyện.

Tác giả của “Bad Luck” là Châu Chặt Chém, tên thật là Nguyễn Huỳnh Bảo Châu, đang học dở đại học thì bỏ để đi theo con đường sáng tác truyện tranh chuyên nghiệp. Trước đó, khi “Bad Luck” được đăng tải trên facebook, nó có đến 107.898 lượt theo dõi,  từng gây nên cả một “cơn bão lời khen và giục giã”.

Con đường của “Bad Luck” cũng không hề suôn sẻ như số phận nhân vật của nó. Sau những chap đầu được dự đoán là “siêu phẩm truyện tranh”, Châu cùng Khánh Dương đã ôm bản thảo đi xin cấp phép tại hơn mười nhà xuất bản khắp trong Nam ngoài Bắc. Nhận đúng chừng đó lời từ chối “không in được đâu” và “Bad Luck” gần như dừng xuất hiện trong hơn một năm sau đó.

Mọi chuyện chỉ khởi sắc khi hai dự án truyện tranh của Comicola được giải thưởng quốc tế tại Nhật Bản: Giải Bạc cho tác phẩm “Địa ngục môn” của tác giả Can Tiểu Hy, và trước đó, bộ truyện “Long Thần Tướng” của tác giả Thành Phong - Khánh Dương cũng nhận giải này. “Bad Luck” được cấp phép dù nội dung truyện có yếu tố LGBT.

Để in bộ truyện này (dự định có 10 tập, hiện tác giả vẫn đang sáng tác), Comicola tiến hành gây quỹ cộng đồng (Crowdfunding). Đây cũng là một hoạt động được giới xuất bản hoan nghênh vì tính hiệu quả của nó. Những cách thức mới mẻ trong cách làm sách của thế hệ Y tiếp tục được các đàn anh xuất bản trầm trồ. Từ chương thứ 8, Châu Chặt Chém tuyên bố: ai ủng hộ truyện nhiều tiền nhất sẽ được trở thành một nhân vật trong truyện! Chỉ mấy ngày sau, quỹ nhận được số tiền 50 triệu đồng chuyển làm hai lần. Giữ đúng lời hứa, người ủng hộ được vào sách và là một nhân vật “không đến nỗi nhạt nhòa”. 

Nguyễn Trung Phong (sinh năm 1997) chia sẻ: “Em mê truyện này bởi lời ăn tiếng nói của nó chính là lời ăn tiếng nói của bọn em hiện nay. Nghĩa là nó không có độ chênh và lạc hậu so với những truyện tranh “giáo dục” khác”.

Trần Hà An (sinh năm 1993) cảm thán: “Dù giá tiền là 78 ngàn, đắt hơn Đôremon ba lần, em vẫn mua”.

Sự ăn khách của “Bad Luck” còn thể hiện ở chỗ: ngay trong lần in đầu tiên, những bản đặc biệt đặt trước (pre-oder) có giá tới 500.000đ cũng đã hết veo chỉ sau một tháng mở bán. Gần 100 độc giả đến dự ra mắt sách ai cũng thuộc làu tên nhân vật, tình tiết truyện, thậm chí cả kiểu tóc, trang phục của nhóm nhân vật chính. Và mặc dù tác giả Bảo Châu nhận mình không giỏi trong thiết kế trang phục thì ở bên dưới vẫn có rất nhiều cánh tay giơ lên khẳng định: “Tôi vẫn cos (cosplay – ăn mặc bắt chước nhân vật truyện tranh” được!”.

Số phận của tập truyện tranh này còn đi ngược với tên gọi “số nhọ” của nó khi đã có nhà đầu tư đề nghị chuyển thể thành kịch bản phim truyện và sẵn sàng bấm máy vào năm 2018.

Sự thành công về mặt doanh thu và chiếm lĩnh thị trường truyện tranh của những tác phẩm 100% made in Việt Nam (hầu hết do Comicola sản xuất) đã tiếp thêm sinh khí cho thị trường sách nội và mở ra một hướng mới cho những người trẻ: sáng tác truyện tranh cho thanh niên và người lớn! Không chỉ là vấn đề in sách, các sản phẩm ăn theo như áo, cốc, móc khóa, xúc xắc v.v… đều có thể đem lại lợi nhuận và thu nhập cho tác giả. Cũng theo tiết lộ của anh Nguyễn Khánh Dương, tiền nhuận bút hiện nay Comicola trả cho những tác giả truyện tranh thường cao hơn thị trường 1,5 lần. Anh Dương cũng rất tự tin với khả năng “đi ra biển lớn” của truyện tranh Việt Nam. “Sự thành công của truyện tranh Việt ở những giải thưởng quốc tế là một minh chứng. Nếu được đầu tư thích đáng, thị trường truyện tranh Việt Nam chắc chắn không bị truyện tranh Nhật Bản, Hàn Quốc đè ép”.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.