Đi để thương cha mẹ hơn

Đi để thương cha mẹ hơn
TP - Xa gia đình một tuần, các cậu ấm cô chiêu phải tự đi chợ, nấu ăn, giặt đồ… Bảy ngày vật lộn với nắng gió tại Phan Rang (Ninh Thuận) khiến nhiều cậu ấm, cô chiêu biết thương cha mẹ nhiều hơn.

Hi Teacher là học kỳ văn hóa, thiên nhiên và trải nghiệm dành cho thanh thiếu niên từ 10 - 16 tuổi, do Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam thực hiện trong một tuần tại làng Thủ Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận.

Lần đầu tiên, Hi Teacher tổ chức cho 80 học sinh đến từ 13 tỉnh thành trên toàn quốc. Các em sẽ về ở tại nhà dân, học hỏi từ thực tế.

Sau khi hành trình tới Ninh Phước, mỗi nhóm từ ba đến năm trại sinh, sẽ được một gia đình nhận nuôi. Lễ đón trại sinh về với mẹ nuôi diễn ra trong sự lạ lẫm của nhiều cậu ấm cô chiêu, bởi đây là lần đầu teen sống với người lạ.

Làng Thủ Đức đa số là người dân tộc Chăm. Các em sẽ có một tuần ở tại nhà mẹ nuôi.

Ngày mới của Nguyễn Văn Tuấn (16 tuổi, đến từ Thanh Hóa) và Trường Quân (12 tuổi TPHCM) bắt đầu lúc 5giờ30. Theo lệnh của các điều phối viên tất cả các trại sinh sẽ tập thể dục tại trung tâm của xã lúc 6 giờ.

Không chỉ dậy sớm, các trại sinh còn phải theo mẹ nuôi đi chợ, rồi phải nhặt rau, mổ cá, cắt thịt, nấu ăn…

Chào thầy

Ngày thường, Đỗ Tấn Khải (12 tuổi tại Quy Nhơn) được cha mẹ chăm chút kỹ lưỡng. Khải chưa bao giờ làm việc vặt. Tham gia Hi teacher giúp Khải nghĩ nhiều về ba mẹ.

Khải chia sẻ: “Lần đầu tiên, em giặt đồ, mệt lả nên dùng chân đạp. Em thương ba mẹ cực khổ. Hàng ngày, ngoài đi làm nuôi chúng em, ba mẹ phải nấu ăn, giặt đồ cho cả gia đình và biết bao việc khác”.

Các em còn được học văn hóa dân tộc Chăm, học bảo vệ thiên nhiên và môi trường. Lịch của một trại sinh, sáng đi chợ nấu ăn, chiều học các chương trình như văn hóa Chăm, làm gốm, dệt thổ cẩm, đóng tàu, cách trồng nho…

Trần Sĩ Sơn (Hoàng Mai, Hà Nội) tâm sự: “Ở nhà chưa bao giờ em phải làm việc gì, tham gia học kỳ này em thấy mình lớn lên nhiều, biết yêu thương cha mẹ hơn”.

Kỳ học Hi Teacher với tên gọi Chào thầy là thông điệp: Tại mỗi nơi đến các em sẽ có những người thầy và hãy chào những người thầy ấy.

* Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam Nguyễn Thành Nhân: Kỳ học ra đời với mong muốn cho các em có thêm nhiều bạn bè, đồng thời biết yêu thương cha mẹ hơn từ những công việc đời thường.

Nhờ trải nghiệm, các em biết bảo vệ thiên nhiên và giữ gìn môi trường.

Tuổi học trò hồn nhiên như giấy trắng nên mỗi bước đi, việc làm ý nghĩa là một bài học sâu sắc lưu dấu ấn trong cuộc đời.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.