"Đi đêm" với blog...

"Đi đêm" với blog...
Blog hiện trở thành một trào lưu trong giới trẻ Việt Nam. Không thể phủ nhận những mặt tích cực của blog, nhưng cũng không thể không xem xét tới những khía cạnh tiêu cực - những mặt trái - mà blog đã, đang và sẽ đem lại cho giới trẻ.

Dù blog là một dạng nhật ký, nhưng nó lại là một loại nhật ký "mở", nghĩa là nếu như chủ nhân của blog đó đồng ý thì bất kỳ ai cũng có thể vào và đọc, xem những thông tin trên blog đó.

Những ngày này, người ta đang kháo nhau về những blog "khá độc", mà trên đó, người ta có thể thấy cơ man nào là những bức ảnh chụp cảnh ăn chơi thác loạn của các bạn trẻ đất Hà thành.

Nào là những tấm ảnh hở hang của những cô gái trẻ trong vũ trường, rồi những kiểu ăn mặc hết sức khêu gợi ngay trên đường phố, nơi công cộng, những tấm ảnh các cậu choai ra sức "bốc đầu", đánh võng, lạng lách xe máy trên đường phố...

Tóm lại, tất cả những gì được coi là thói hư tật xấu của giới trẻ đều được các blogger bày ra trên blog của mình, coi đó như một thứ "hàng độc" mà mình sưu tầm được.

Sau đó, chủ nhân của những blog này lại dùng những mỹ từ, những bài viết kèm theo để "tôn vinh" những thói hư tật xấu này.

Đó là chưa kể trong những blog này còn vô số tranh ảnh khoả thân và phim sex được post lên. Và đương nhiên, lượng người truy cập vào những blog này tăng đến chóng mặt từng ngày.

Chính vì thế, những thói hư tật xấu kia khi được lăngxê bỗng trở thành một thứ "mốt thời thượng" trong mắt của nhiều bạn trẻ.

Ngôn ngữ nhiều bạn trẻ dùng để thể hiện đến văn hoá phản động trên blog cũng khá đa dạng, và ít nhiều được cách tân theo lối hiện đại, giản đơn, nhưng đôi lúc cũng hơi "quái dị" khiến nhiều người phải lo lắng cho sự trong sáng của tiếng Việt.

Đó là chưa kể trong nhiều blog, các chủ nhân thoải mái văng tục, chửi bậy, chửi thề..., có khi chỉ vì muốn thể hiện thái độ bực dọc của mình, nhưng cũng có một phần không nhỏ là do xuất phát từ thói quen, do cách cư xử thiếu văn minh trong giao tiếp...

Về một khía cạnh nào đó, blog cũng giống như một diễn đàn, một tờ báo điện tử, nơi chủ nhân của nó có thể tha hồ bày tỏ suy nghĩ, quan điểm của mình về những vấn đề nhất định nào đó. Và thật nguy hiểm nếu như người ta dùng chính blog làm công cụ tuyên truyền những loại văn hoá phản động, những suy nghĩ, chính kiến chính trị sai lạc...

Để ngăn chặn những blog đen kiểu này (đặc biệt là với những blog có nội dung đồi trụy, phản động) thực sự là một vấn đề hết sức nan giải với cơ quan chức năng. Trước đây, với những trang web có nội dung tương tự, cơ quan chức năng còn có thể dựng "tường lửa" để ngăn chặn sự xâm nhập.

Ngoài ra, chính quản trị mạng của những trang web đó cũng phải yêu cầu đăng ký làm thành viên mới có thể truy cập. Nhưng với blog, bất kỳ ai cũng có thể truy cập vào để xem một cách dễ dàng nếu được bạn bè gửi cho đường link hoặc biết được địa chỉ.

Blogger lên tiếng: Phải từ ý thức mỗi người!

Anh Hồ Thanh Bình - blog MrVitdoi: Vấn đề là sử dụng như thế nào!

Đương nhiên, để ngăn chặn mặt trái phải do ý thức của người sử dụng và người đọc blog. Phải biết chọn lọc thông tin. Cũng giống như lửa, nó có thể khiến con người ta văn minh hơn, nhưng nó cũng có thể thiêu trụi cả một nền văn minh. Vấn đề là sử dụng lửa như thế nào!

Chị Đức Hạnh - blog moon_sun2004: Phải từ ý thức mỗi blogger

Tôi tham gia blog là muốn chia sẻ với bạn bè những gì xảy ra xung quanh tôi hàng ngày, nhưng là những điều tốt đẹp chứ không phải những thứ xấu xa.

Muốn ngăn chặn, tôi cũng đồng ý là phải xuất phát từ ý thức của mỗi blogger thôi.

Ngăn chặn những blog đen không chỉ cần từng người mà cần sự kết hợp của nhiều blogger, những người đều có chung một mong muốn cho thế giới blog thật sự là một sân chơi lành mạnh và mang nhiều ý nghĩa nhân văn.

Chị Nguyễn Quỳnh Châu - Blog Dứa: Chuyện nói xấu người khác là thường xuyên

Trong một số link kết nối của các blog mà chủ nhân đi du học với người nước ngoài thì có một số blog toàn ảnh mát mẻ và các link sex.

Trước đây, tôi có biết một cô gái viết blog miêu tả mình như một nàng công chúa, sống trong một căn biệt thự rộng mấy hécta, quần áo thì vô số, kẻ hầu người hạ, rồi cả những bức ảnh rất xinh đẹp... làm cho mọi người tò mò ùn ùn kéo đến xem blog.

Còn chuyện nói xấu, bêu riếu người khác thì là thường xuyên, thậm chí suýt xảy ra ẩu đả ngoài đời thực. Rồi chuyện tiếng Việt biến dạng bằng kiểu viết ký tự: "4nh c0 hi3u d04n n4y ngh14 l4 j 0" nghĩa là "anh có hiểu đoạn này nghĩa là gì không"...

Anh Hoàng Văn Chung - blog Fox: Blog không chỉ là riêng tư!

Tôi đồng ý là có thể có những blog "đen" vì việc tạo ra một blog là cực kỳ dễ dàng, miễn phí và người ta hoàn toàn tự do trao đổi thông tin. Người ta hoàn toàn có thể che giấu các thông tin cá nhân và không sợ bị phát hiện khi tạo blog. Hiện tại, người ta có thể làm bất cứ điều gì với blog mà không hề lo sợ bị kiểm duyệt, bắt quả tang, ngăn trở.

Để ngăn chặn những mặt trái này, theo tôi, bên cạnh ý thức của mỗi blogger, các cơ quan chức năng cũng cần phải tuyên truyền, nhắc nhở về những tác hại của việc thành lập, viết, cũng như xem và chia sẻ thông tin từ các blog với những nội dung tiêu cực.

Nếu có thể, hãy phát triển phần mềm ứng dụng để có thể lọc những ngôn từ, hình ảnh tục tĩu, thiếu văn hoá, hoặc mang thông điệp khiêu dâm, đồi trụy.

Chị Kim Thoa - blog Mecghi: Ngăn chặn và tẩy chay blog "đen"

Hiện một số blog đã biến thái thành những động mại dâm trá hình với loạt ảnh khiêu dâm, video các cảnh "nóng" và nhanh chóng trở thành chợ mua bán dâm công khai trên mạng. Tôi cũng đã gặp những blog chuyên viết về dân chơi và những thông tin động trời của giới trẻ về cách tiêu tiền và buông thả...

Dù sao thì đó cũng chỉ là một phần nhỏ trong thế giới blog muôn màu ở VN. Còn có biết bao những blog mà ở đó người ta thấy được vô số những điều có ý nghĩa, những vẻ đẹp mà con người luôn khao khát hướng tới.

Để ngăn chặn những blog "đen", chỉ có thể dựa vào chính những hành động của blogger, đó là không phát tán, quảng bá cho những blog này.

Chị Đỗ Ngọc Thuỷ - blog Còi: Ngốn nhiều thời gian

Mặt trái của blog, theo tôi, là... nó ngốn quá nhiều thời gian. Khi đã là một blogger thực sự, bạn sẽ có nhu cầu viết, chăm chút cho đứa  con tinh thần của mình. Nhất là khi dù không cố ý, bạn cũng có một số lượng "độc giả" nhất định, họ cũng hào hứng vào đọc blog của bạn như thể đó là một việc không thể thiếu mỗi khi online.

Và tất nhiên là với sự kết nối không biên giới của blog thì những trường hợp blog có nội dung phản động, đưa những hình ảnh bậy bạ... là không thể tránh khỏi.

Chị Trần Bạch Trang - blog Optimistic: Phải có lập trường

Vì mang tính chất cộng đồng nên blog cũng có mặt tốt và xấu. Nếu là xấu thì tầm ảnh hưởng của nó cũng lan nhanh không kém mặt tốt. Để ngăn chặn, theo tôi nghĩ là ngay từ những blogger phải có lập trường và biết phân biệt tốt - xấu.

Vì cũng khó mà tránh được mức độ tiếp nhận thông tin khi giới trẻ đang ở trong giai đoạn toàn cầu hoá. Ngoài ra, các tổ chức quản lý của ngành công nghệ thông tin nên có một hình thức nào đấy để quản trị, phát hiện và xử lý kịp thời những trang web cá nhân có nội dung xấu, để blog được phát triển theo đúng nghĩa tốt đẹp của nó.

Theo Lao Động

MỚI - NÓNG