'Đi' khắp nơi bằng trái tim và khối óc

'Đi' khắp nơi bằng trái tim và khối óc
“17 năm căn bệnh loạn dưỡng cơ hiếm gặp không cho tôi bước ra khỏi ngôi nhà của mình, nhưng nó không ngăn cản tôi đi ra thế giới bằng khát khao và quyết tâm từ trái tim và khối óc...”, những dòng tự sự của Lan- cô gái mê dịch thuật, trong cuốn tự truyện còn dang dở.

Dù đôi chân không thể đi được, nhưng 17 năm nay Nguyễn Bích Lan (Minh Tân, Hưng Hà, Thái Bình) với “đôi mắt, đặc biệt bằng trái tim và khối óc” vẫn đã đi được những chặng đường rất xa...

'Đi' khắp nơi bằng trái tim và khối óc ảnh 1
Bích Lan miệt mài với công việc dịch thuật mỗi ngày - Ảnh: Tuổi trẻ.

Ánh sáng từ ô cửa sổ

Cô bạn gái ấy đã đi như thế. Khi đang học lớp 7 chuyên văn trường tỉnh, Lan phải nằm hai năm trong bệnh viện để chữa trị vì cú ngã bệnh ở tuổi mới lớn.

Ra viện, dù bệnh đã thuyên giảm nhiều nhưng đôi chân cô gái quê lúa ngày càng teo tóp, sức khỏe quá yếu. Mọi mơ ước tưởng như sụp đổ.

14 tuổi, nằm bẹp giường nhìn đời qua ô cửa sổ, nhưng mỗi lần nghe em trai tập phát âm tiếng Anh, Lan cũng nhẩm đọc theo, rồi muốn được cùng học.

Lúc đầu tự mày mò đọc viết theo những cấu trúc có sẵn trong sách giáo khoa, chỗ nào khó hiểu Lan lại mang sách hỏi em. Dần dà Lan đã nắm được nhiều cấu trúc về mẫu câu và tự viết được những từ mới học trong sách giáo khoa.

Để học được cách đọc và phát âm tiếng Anh, Lan đã nằn nì ba mẹ mua cho chiếc cassette để nghe các băng hội thoại do người bản xứ phát âm.

Một năm, hai năm rồi ba năm, cô gái quê lúa đã tự hoàn thành chương trình tiếng Anh phổ thông dành cho học sinh.

Nhớ lại những ngày tháng quanh quẩn trong phòng một mình, tự học và tự đọc tiếng Anh, Lan bảo: “Mình vẫn tin rằng cuối con đường đầy bóng tối là ánh sáng”.

“Nghiền” xong chương trình tiếng Anh cho học sinh phổ thông, Lan lại một mình xoay xở với những chồng giáo trình ngoại ngữ dành cho sinh viên chuyên ngành tiếng Anh do một người quen mua trên Hà Nội gửi về.

Với kế hoạch học tập chi tiết tự vạch ra suốt bốn năm, Lan đã hoàn thành chương trình tiếng Anh và các giáo trình bắt buộc khác đối với một sinh viên đại học ngoại ngữ.

Năm 2002, với vốn tiếng Anh, Lan trở lại với tình yêu văn chương qua việc dịch các tác phẩm văn học nước ngoài mà cô đã đọc và thỏa thuận với đồng nghiệp qua Internet.

Và thế giới đã rộng mở!

Những lần online, trao đổi trực tuyến với nhiều nhà văn nước ngoài, Lan đã tìm được sự đồng cảm của bạn bè. Đó chính là nguồn để Lan có được bản quyền của nhiều tác phẩm văn học nước ngoài.

Lan tâm sự: “Khi nói chuyện với Shirley Cheng (thần đồng văn học Mỹ, bị khiếm thị bẩm sinh) tôi thật sự cảm phục trước tài năng và nghị lực của cô ấy. Đó là người bạn đã chia sẻ với tôi rất nhiều kinh nghiệm vượt khó trong cuộc sống”.

Dịch giả Thúy Toàn - chủ tịch hội đồng văn học dịch, Hội Nhà văn Việt Nam - nhận xét: “Nguyễn Bích Lan là một dịch giả xuất sắc. Một cô bạn khuyết tật với nỗ lực phi thường đã trở thành người am hiểu ngoại ngữ, văn hóa và có khả năng dịch được nhiều sách như vậy thật đáng khâm phục”.

Những tác phẩm mà Bích Lan đã dịch, biên soạn được Nhà xuất bản Phụ Nữ ấn hành năm năm qua: Đừng nghi ngờ tình yêu của anh; Không có chỗ cho tình yêu; Hứa yêu; Lẻ loi; Từ sông Nile đến sông Jordan; Tro tàn Angela; Vũ điệu trái tim; Những người phụ nữ thay đổi thế giới; Thần đồng thế kỷ 20.

Lan vẫn lê bước với chiếc nạng gỗ, thế giới của Lan thu nhỏ trong căn nhà cấp 4 nơi thôn dã. Căn phòng chừng 10m2, giữa cái nóng ngột ngạt những ngày đầu hè, Lan vẫn âm thầm dịch những trang sách mỗi ngày.

Cô tâm sự: “Càng làm càng mê, mỗi lần dịch xong được một đoạn mình lại cảm thấy thoải mái và thú vị.Tôi thấy thế giới rộng mở hơn trong những lần tâm tình cùng đồng nghiệp trên Internet”.

“17 năm căn bệnh loạn dưỡng cơ hiếm gặp không cho tôi bước ra khỏi ngôi nhà của mình, nhưng nó không ngăn cản tôi đi ra thế giới bằng khát khao và quyết tâm từ trái tim và khối óc...”.

Đó là những dòng tự sự của cô gái mê dịch thuật trong cuốn tự truyện còn dang dở.

Lan dự định khi truyện thơ Vũ điệu trái tim viết về tuổi thần tiên của thần đồng văn học người Mỹ Shirley Cheng được Nhà xuất bản Phụ Nữ ấn hành, cô sẽ tới trung tâm bảo trợ xã hội dành cho trẻ em khuyết tật tỉnh Thái Bình và một số tỉnh khác để chia sẻ và tặng sách cho những trẻ em không may mắn.           

Theo Đặng Tuân
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG