Dịch tiêu chảy cấp: Sinh viên 'nội' ung dung, 'ngoại' lo lắng

Dịch tiêu chảy cấp: Sinh viên 'nội' ung dung, 'ngoại' lo lắng
TP - Mấy ngày gần đây, điện thoại của Thắng reo liên tục vì bố mẹ ở Thanh Hóa xem ti vi thấy đưa tin về dịch tiêu chảy cấp tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận nên nhắc nhở con cẩn thận trong ăn uống khi học xa nhà.
Dịch tiêu chảy cấp: Sinh viên 'nội' ung dung, 'ngoại' lo lắng ảnh 1
Nỗi khổ nam  nhi phải vào bếp

Thắng  thường ăn cơm “bụi” tại một quán nhỏ bên hồ ở Hạ Đình. Bố mẹ quyết định mua ngay cái bếp ga du lịch và 2 cái chảo kèm bọc ruốc, tôm khô to tướng cho con trai.

“Chưa nấu ăn bao giờ nên cũng hơi ngại. Nhưng nghĩ đến bố mẹ lo lắng nên cố để giữ sức khỏe”. Thắng tâm sự.

Khác với các sinh viên ngoại trú, sinh viên KTX Mễ Trì (ĐHQG Hà Nội) vẫn ung dung vì hệ thống ba căng tin ở đây đã được đặt dưới sự kiểm tra sát sao của phòng y tế KTX.

“Đã ba năm nay cho dù có dịch hay không thì bọn em vẫn ăn cơm của KTX. Nếu bị thì cũng là may rủi thôi, vì ra ngoài ăn mất vệ sinh lắm”- bạn Huyền phòng 310 chia sẻ.

Quán cháo lòng, tiết canh của “ông già” nằm ngay cạnh cổng phụ KTX Mễ Trì lâu nay là nơi tụ tập của sinh viên nam vì vừa rẻ, vừa vệ sinh. 3 ngày nay quán vắng khách hẳn.

Nhóm của Hưng, Minh, Cương, Dũng K51 Lịch sử (ĐHKHXHNV Hà Nội) vốn là khách quen nhưng 2 ngày nay đành chuyển “thực đơn” vì theo Hưng thì “tiết canh thì không bán nữa, nhưng ăn cháo lòng mà không có mấy thứ gia vị húng tàu, ngò, quế…thì thà nhịn đi còn hơn”.

Theo quan sát của chúng tôi ở ba KTX là Mễ Trì, Đại học Lao động Xã hội và Kinh tế quốc dân vẫn an toàn trước dịch tiêu chảy cấp, sinh viên của trường Lao động thì được các cô chú trong BQL nhắc nhở không nên ăn “cơm đường cháo chợ” vì vệ sinh không an toàn.

Dịch tiêu chảy cấp: Sinh viên 'nội' ung dung, 'ngoại' lo lắng ảnh 2
Sinh viên ăn cơm tại KTX Mễ  Trì

“Mấy ngày gần đây bố mẹ ngày nào cũng điện nhắc nhở không được ăn lung tung ở ngoài mà ăn uống gì cũng phải của KTX”- Bạn Nguyễn Thị Yến, phòng 202 C2 KTX Đại học Lao động Xã hội.

Để cho sinh viên nắm bắt được mức độ nguy hiểm của dịch các BQL đều cho đài phát thanh phát đưa tin đều đặn, cập nhật và bên cạnh đó còn in ra 4 điều quy định của Bộ Y tế và phát mỗi phòng một tờ.

Trần Thu Hằng sinh viên năm thứ hai khoa Tin học Đại học kinh tế Quốc dân suốt ngày chạy “lăng xăng” từ KTX ra Minh Khai để nấu ăn cùng anh trai. Hai năm rồi hai anh em ở hai nơi nên cứ thế mà cơm bụi qua ngày.  “Phải mua hết hơn 300 nghìn đồng “đạo cụ” nhưng được cái mình tự nấu nên ăn ngon và không phải lo lắng gì về vấn đề vệ sinh.

Dù chưa có sinh viên nào bị dịch tiêu chảy nhưng theo bác sĩ Nguyễn Thị Thúy, Trạm trưởng trạm y tế KTX Mễ Trì “ngày nào cũng cử nhân viên đi tận từng phòng hướng dẫn và nhắc nhở các em vệ sinh phòng ở, trước khi đi ăn thì phải rửa tay, nước uống phải nấu sôi…Nếu có sinh viên nào có biểu hiện là đưa xuống trạm xem xét ngay”.

Trên blog mấy ngày gần đây nhiều blog của sinh viên cũng đã có nhiều entry “xin” từ các báo lên để cảnh báo và nhắc nhở cùng với cộng đồng blog.

MỚI - NÓNG