Điểm cuối trên tuyến đường huyền thoại

Điểm cuối trên tuyến đường huyền thoại
TP - Bến Vàm Lũng (xã Tân Ân, Ngọc Hiển, Cà Mau), điểm cuối trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, đã được xếp hạng di tích quốc gia.

> Phát huy truyền thống bảo vệ chủ quyền biển đảo
> Tái hiện đường Hồ Chí Minh trên biển

Cửa sông Rạch Gốc, điểm đến của tàu không số tại Cà Mau. Ảnh: Tiến Hưng
Cửa sông Rạch Gốc, điểm đến của tàu không số tại Cà Mau.
Ảnh: Tiến Hưng.
 

Đoàn 962 (nay là Trung đoàn 962) làm nhiệm vụ tiếp nhận vũ khí được miền Bắc chuyển vào theo đường Hồ Chí Minh trên biển tại khu vực bến Vàm Lũng. Để mở bến đón tàu vào mũi Cà Mau, hàng ngàn người dân ở các cửa sông, cửa biển từ Gành Hào (Bạc Liêu) đến Ngọc Hiển (Cà Mau) đã tình nguyện di dời.

Ông Huỳnh Văn Tuôi (Sáu Tuôi), 77 tuổi, nguyên Trưởng đoàn văn công Gió Thu ở thị trấn Rạch Gốc (Tân Ân), kể khi nghe cán bộ vận động nhường chỗ này cho cách mạng làm việc lớn bà con nghe theo liền. Để tránh bị địch phát hiện, người dân di chuyển và cất nhà mới vào ban đêm.

Lòng sông, cửa biển nhanh chóng được dọn sạch; rừng đước, rừng mắm trở thành nơi che mắt quân địch, cất giấu vũ khí từ tàu không số chuyển xuống. Bà con dời nhà ra bìa rừng, canh giữ không cho người lạ vào rừng sâu đang chứa vũ khí.

Chuyến tàu không số đầu tiên vào bến Vàm Lũng ngày 16-10-1962, chuyến cuối cùng vào ngày 12-4-1971. Đoàn 962 tiếp nhận 124 chuyến tàu, với 6.613 tấn vũ khí vào các bến Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Bà Rịa. Riêng bến Cà Mau tiếp nhận 76 chuyến tàu, với 4.294 tấn vũ khí.

Hội ba má chiến sĩ của dân vùng rừng đước Cà Mau mở lòng đón bộ đội Đoàn 962. “Tàu sắp vào, các má, các ba, các chị giăng lưới kiếm cá tôm, vào rừng bắt cua, vọp, ba khía... Họ thương bộ đội như con ruột trong nhà”, ông Tiết Văn Thẹo, Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh Đoàn 962, nhớ lại.

Người dân nơi đây vẫn kể cho nhau nghe câu chuyện nhường cơm sẻ áo, bất chấp hiểm nguy tính mạng để che giấu bộ đội cùng vũ khí. Nhiều lúc hết gạo, các má ở rừng đước luộc trái mắm 6-7 lần để bớt chát, ăn thay cơm. Không nước ngọt, các má thức thâu đêm chưng cất nước mặn để gom từng lon nước cho bộ đội uống.

Đại tá Khưu Ngọc Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962, bùi ngùi: “Đây là loại thực phẩm vùng rừng đước, rừng mắm Cà Mau trong những năm kháng chiến. Anh em bộ đội ăn có mùi vị xứ biển, thấm đậm tình người…”.

Hội ba má chiến sĩ nhiều lần tiễn đưa con mình gia nhập Đoàn 962. Má Hai (Nguyễn Thị Thắm), Trưởng Hội mẹ chiến sĩ, có 5 người con, rể nhập ngũ Đoàn 962. Ông Nguyễn Văn Cứng, con rể thứ 2 của má Hai, sau này được phong tặng Anh hùng LLVT.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG