Điện nước ở Trường Sa

Điện nước ở Trường Sa
TP- “Tư tưởng Hồ Chí Minh không phải học ở đâu xa mà phải áp dụng ngay trên đảo chúng ta. Làm thế nào để tiết kiệm điện, nước...”-  Đó là trăn trở của chiến sĩ trên đảo Trường Sa.

Vừa bước chân lên đảo Đá Lát chúng tôi thấy hai chiến sĩ cặm cụi kỳ cọ chiếc máy phát điện, Đại úy Đoàn Đức Ngọc, chính trị viên cho biết: “Ở đảo máy phát điện là người vợ chung của các chiến sĩ. Mỗi ngày một chiến sĩ phải sờ vào máy một lần. Các phóng viên muốn sạc pin máy ảnh, máy tính tranh thủ ngay, 21 giờ máy phát điện sẽ ngừng hoạt động”.

Dù trong môi trường nước mặn nhưng đến mỗi điểm đảo chúng tôi ngạc nhiên trước sự cẩn thận của các chiến sĩ đối với vợ chung của mình. Máy được để ở một phòng thiết kế riêng, với nhiều hệ thống thông gió. Phía dưới máy là khúc gỗ cao 20 cm tránh hơi nước mặn bốc lên từ nền nhà. Nhiều chiếc máy có tuổi đời ba – bốn năm nhưng vẫn bóng loáng.

Sáng, một chiến sĩ bỏ ra 15 phút để lau chùi máy, xong dùng chiếu phủ lên. Chiều, trước khi chuẩn bị nổ máy phát điện, hai chiến sĩ xuống thay dầu, nước và thử nổ trước để đảm bảo nguồn điện cho hai giờ.

“Hai giờ phát điện (từ 19 giờ – 21 giờ), không phải để anh em sinh hoạt, giải trí. Chúng tôi xác định đây là hai giờ chiến đấu, tận dụng tối đa nguồn điện”, Trung tá Nguyễn Xuân Minh, Chính trị viên đảo An Bang tâm sự.

Chỉ hai giờ phát điện, chúng tôi chứng kiến sự khẩn trương trong từng công việc của các chiến sĩ.

Nước tắm đong như nước mắm

Nói như Trung tá, chính trị viên Vũ Quốc Cờ, đảo Trường Sa Đông phải đặt chân đến Trường Sa mới thấu hiểu giá trị của những giọt nước ngọt. Đón đoàn công tác tại đảo Trường Sa Lớn là hai chậu nước mưa trong veo kèm hai chiếc khăn trắng phau được đặt ngay tại cầu cảng.

“Phải lấy khăn thấm nước rồi tiếp tục vắt nước chảy vào chậu mới được lau, không được để giọt nào ra ngoài”, Thượng tá Nguyễn Viết Thuân, Phó chỉ huy trưởng đoàn Trường Sa – Quân chủng Hải quân, Trưởng đoàn đi cánh Nam Trường Sa chia sẻ.

Điện nước ở Trường Sa ảnh 1
Tỉ mẩn lau chùi máy phát điện

Khi đoàn công tác vừa vào đảo, hai chiến sĩ bước đến bê hai chậu nước vào vườn rau rồi dùng một chiếc gáo dừa múc nước và tưới đều đặn. Lần đầu tiên chúng tôi được nghe câu chuyện về tắm theo công thức của các chiến sĩ trên đảo Trường Sa.

Để rèn sức chịu đựng cho các PV trên chuyến hải trình kéo dài một tháng, thượng tá Thuân đề nghị bí thư chi đoàn Lương Hồng Tuyển cho các PV mục sở thị người thật việc thật tắm theo công thức của anh em chiến sĩ.

Đúng 17 giờ 15 phút sau giờ tập luyện trên thao trường, năm chiến sĩ vạm vỡ tay xách chậu, khăn xuống biển tắm. 15 phút cho gội đầu, kỳ cọ… và giặt đồ bằng nước mặn được họ thực hiện nghiêm túc.

Sau màn tắm nước mặn, mỗi người một chậu riêng đựng hơn một lít nước ngọt chọn một góc khuất gió dùng khăn thấm ướt nước lau hết nước mặn trên cơ thể. Khăn được vắt kiệt nước đem phơi còn chậu nước được các chiến sĩ đưa vào vườn rau dội qua người vừa sạch vừa có thêm nguồn nước ngọt cho vườn rau.

“Những ngày mới ra đảo công tác, lại gặp hạn hán, không có nước tắm, nhiều chiến sĩ ban đêm gãi liền tay vì muối đọng trên người… nhưng riết thành quen. Ba tháng mùa mưa vừa rồi không một giọt mưa”, binh nhất Nguyễn Văn Thao trên đảo Trường Sa Đông tâm sự.

Ở Trường Sa không chỉ tắm theo suất mà nước dùng cho nấu ăn cũng phải theo suất. Trước khi nấu ăn, gạo, thức ăn đều được tiệt trùng bằng cách rửa sạch qua nước mặn. Sau đó dùng một ít nước ngọt tráng qua gạo và rửa thức ăn lần cuối, anh nuôi Đặng Ngọc Long đảo Thuyền Chài nói.

Chiếc xô dùng lấy nước ngọt chỉ đựng được gần 1 lít nước. Thượng tá Nguyễn Viết Thuân cho biết, nước trong xô vừa một suất tắm cho một chiến sĩ, vừa đủ để hai chiến sĩ vệ sinh buổi sáng. Hơn nữa, xô nhỏ như thế khó lấy nước nhanh từ bể chứa, để nhắc nhở anh em phải tiết kiệm.

Nguồn nước ngọt ở đảo chủ yếu  là nước mưa. Mỗi năm chuẩn bị vào mùa mưa, các đảo lên lịch dọn sạch sẽ các hành lang, sân thượng và bố trí lịch trực 24/24h. Khi những giọt mưa rơi xuống sẽ tuồn nước mưa thẳng vào bể chứa.

Một ngày không xa sẽ có nguồn sáng bằng năng lượng nhân tạo, một nguồn nước ngọt được lọc từ trong lòng biển mà những tri thức trẻ của đất nước đang ngày đêm nghiên cứu và hoàn thiện để dành tặng Trường Sa.
MỚI - NÓNG