Đỉnh trắng Sơn Trà hồng tươi chất lính

Đỉnh trắng Sơn Trà hồng tươi chất lính
“Đơn vị tôi đóng quân ở nơi đặc biệt nhất của cả nước - chót vót trên đỉnh núi bốn mùa mây trắng”. Chàng trung sỹ báo vụ Đỗ Văn Hùng của Trạm Ra đa 29 hào hứng khoe về đỉnh Sơn Trà, Đà Nẵng, nơi các anh làm việc.

Tiếp chuyện chúng tôi, không biết đã bao lần cán bộ chiến sỹ đơn vị khẩn khoản đề nghị: “Kể cho vui thôi, anh đừng đưa lên báo làm gì bởi những thiếu thốn của chúng tôi nào đã thấm vào đâu. Mà đã là bộ đội thì dù khó khăn đến mấy cũng phải cố gắng mà vượt qua”.

Hiểu tâm tư của các anh càng thôi thúc tôi kể những chuyện mình thoáng gặp trong chuyến công tác ngắn ngủi ấy ra đây như một lời chia sẻ cùng đồng đội mình.

Nằm giữa biển khơi, thoáng nhìn ra tứ phía là đã gặp mênh mông nước biếc; lại thuộc địa phận của thành phố Đà Nẵng năng động và sầm uất nhất miền Trung, vậy mà cái khốn khó đầu tiên của cán bộ chiến sỹ Trạm Ra đa 29 lại là thiếu nước trầm trọng.

Hai dãy bể ngầm hứng nước mưa chỉ đủ để phục vụ ăn uống; còn muốn tắm giặt, tất cả các thành viên của đơn vị, bất luận là sỹ quan hay chiến sỹ, đều phải xách can nhựa, cuốc bộ xuống chiếc giếng nằm mãi tận dưới chân núi, cách xa đơn vị… “có” 7 km.

Tắm giặt xong thì xách luôn 1 can nước lên theo. Vượt qua 14 km đường rừng  như thế nên: “Về tới đơn vị thì mồ hôi lại đã túa ra đầm đìa, người nhớp nháp cũng hệt như chưa tắm vậy.” - Thượng uý Trịnh Ngọc Hoà, Phó chỉ huy trưởng phụ trách Chính trị của Trạm cười ngại ngần thổ lộ.

Mùa mưa nước nhiều còn đỡ, chứ vào mùa khô, nước khan hiếm, bể nước ăn cạn trơ đáy thì đơn vị lại phải cầu viện E290 cho ô tô téc chở nước lên tiếp tế.

Và khi ấy thì cán bộ chiến sỹ ở đây lại đành lòng áp dụng kinh nghiệm của các đồng đội Hải quân trên quần đảo Trường Sa - tận dụng tối đa vòng quay của nước.

Nước thải của việc đánh răng, rửa mặt; nước rửa rau, rửa bát… được tập kết lại để tận dụng tưới rau. Lên thăm đơn vị, tôi thấy thấm thía hơn câu ca dao:

“Chiều chiều mây phủ Sơn Trà/ Lòng ta thương bạn, nước mắt và lộn cơm” bởi cuộc sống thường nhật của đồng đội tôi lại gặp nhiều gian nan ở chính nơi phong cảnh nên thơ này.

Những hôm trở trời, nhất là vào mùa thu và đông, sương mù giăng đầy khắp ngả, đứng cách 3 - 4m là đã không nhìn thấy nhau; sương lạnh vấn vít càng làm cho tiết trời mùa đông thêm tê buốt…

Sương mù không chỉ làm hạn chế tầm quan sát của việc trực sẵn sàng chiến đấu mà còn khuấy đảo mọi sinh hoạt của cán bộ chiến sỹ. Quần áo, chăn màn lúc nào cũng ướt nhèm nhẹp; giặt bộ quần áo, treo vào trong tủ còn nhanh khô hơn là phơi ngoài trời.

Khó khăn nối tiếp khó khăn như thế mà chưa khi nào tôi thấy cán bộ chiến sỹ ở đây vơi niềm lạc quan. Ai cũng nhủ: “Thế đã thấm tháp gì so với thời gian khó của các thế hệ cha anh” và vui vẻ động viên nhau hoàn thành mọi nhiệm vụ, “quyết không để Tổ quốc bị bất ngờ”.

Nhiều năm liền đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, là lá cờ đầu của E290. Những huân, huy chương, bằng khen, giấy khen luôn ken đầy trong phòng truyền thống của Trạm.

Khi đã trở về tòa soạn ngồi viết những dòng này, tôi được Thượng úy Nguyễn Hải Quân, Trạm trưởng gọi điện thoại hồ hởi báo tin vui: Quân chủng Hải quân đã giải tỏa bớt “cơn khát” cho đơn vị bằng việc đầu tư 78 triệu đồng mua 10 khối cát, 5 khối sỏi, 5 tấn xi măng và 1 vạn viên gạch thẻ tặng đơn vị.

Và phát huy sức mạnh tổng hợp, cán bộ, chiến sỹ của Trạm đã bỏ hoàn toàn công sức để vận chuyển nguyên vật liệu từ chân núi vào sâu trong công trường (có đoạn dốc tới 45o, anh em kỳ công khoét vào lòng đá một bậc nhỏ mới có chỗ để chân mà vận chuyển); một dòng suối băng qua rừng đã bị chặn lại để xây một bể nước có sức chứa 10m3, nằm cách doanh trại 3km.

Công trình tuy nhỏ này không những đã giúp đồng đội tôi ở đây bớt đi phần nào khó nhọc trong sinh hoạt mà còn chứng tỏ sự quan tâm của các cấp, các ngành tới đời sống cán bộ chiến sỹ của Trạm, để họ thêm vững vàng canh giữ một vùng trời của Tổ quốc. 

MỚI - NÓNG