Đồ án, khóa luận "độc chiêu"

Đồ án, khóa luận "độc chiêu"
10 ngày làm nên luận văn xuất sắc, viết luận án thạc sĩ về thương mại điện tử bằng… tiểu thuyết, bảo vệ khóa luận như… kể chuyện, được vinh danh nhờ làm đề tài đã được thực hiện trong thực tế…

“Thông tin hội nhập kinh tế quốc tế - nhiệm vụ quan trọng của báo chí nước ta ngày nay” thuộc loại đề tài khóa luận khá rộng và khó, cần thời gian đầu tư kỹ. Để đạt được kết quả tốt (9,8/10 điểm) trong hoàn cảnh vừa làm khóa luận vừa thực tập, viết bài liên miên, Nguyễn Việt Anh, cựu SV khoa Báo chí, ĐH KHXH&NV (thuộc ĐHQG Hà Nội) phải tìm cho mình một cách thể hiện phù hợp.

Cách của Việt Anh là lược bớt những phần phụ, dồn nội dung vào phần chính. Trong phần này, Việt cố gắng đưa ra cái nhìn toàn diện về thông tin hội nhập kinh tế quốc tế trên báo chí vốn đang được nhắc đến rất nhiều. Cậu làm cho khóa luận của mình trở nên “dễ đọc” khi đưa ra nhiều phần hình ảnh, phần thông tin mở rộng, hộp số liệu, thông tin tổng hợp từ thực tế đời sống, trên cơ sở đó khái quát thành các đặc điểm, thậm chí đề xuất nội dung trang mục “Việt Nam: Con đường WTO” trên báo chí.

Hôm bảo vệ khóa luận, Việt Anh viết một bản trình bày không giống ai. Vấn đề kinh tế vĩ mô được bắt đầu bằng những câu chuyện đời thường trong cuộc sống, kiểu như “WTO và hội nhập kinh tế quốc tế đã đến từng bữa ăn của gia đình”.

Kết thúc bài bảo vệ, Việt Anh khẳng định một câu: cậu sẽ phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự sau chuyến đi đàm phán gia nhập WTO của ông. Vì theo cậu, nghiên cứu lý thuyết phải song hành với kỹ năng thực tế và ở đây là việc một sinh viên báo chí viết bài gắn với chủ đề nghiên cứu. Với cách làm của Việt Anh thì một vấn đề tưởng như xa xôi đã được thầy cô và bạn bè lắng nghe cuốn hút, cảm giác như hội nhập đúng là chuyện… của mình.

Làm luận văn MBA bằng tiểu thuyết viễn tưởng

Đó là cách làm mới luận văn MBA của anh Trương Chí Dũng (người Đà Lạt đang làm việc tại TP. HCM). Câu chuyện về Adam và Eva xây dựng một website bán hoa trái vụ trên internet là chủ đề khai thác, trình bày vấn đề trong luận văn chưa có tiền lệ về thương mại điện tử của anh tại ĐH Rushmore (Mỹ).

Trương Chí Dũng làm đề tài này thực ra vẫn nằm trong sự khuyến khích của nhà trường về những ý tưởng mới lạ, vượt ra ngoài những cách thức truyền thống theo kiểu khảo sát, phân tích số liệu rồi đưa ra kết luận về một vấn đề nào đó. Vấn đề là các giáo sư hướng dẫn đều chấp nhận cách tiếp cận khác thường của anh.

Kết quả, cuốn “luận văn” 150 trang viết về E-Commerce đã trở nên mềm mại, dễ tiếp cận hơn và nếu có bắt bẻ thì xem nhé, luận văn ấy vấn đủ các phần như: Lộ trình ngắn nhất để làm thương mại điện tử, Thương mại điện tử dành cho những doanh nhân không biết CNTT, Suy nghĩ lại về mối quan hệ khách hàng, Mong muốn của khách hàng…

Và thực ra với đề tài và cách tiếp cận này, quan niệm của anh Dũng thật sáng rõ: Anh không cần cái bằng MBA để đi xin việc như các SV trẻ mà cần kiến thức cụ thể có giá trị để không phải thất bại như đã từng vấp váp nhiều lần.

Trung tâm triển lãm Giảng Võ "kiểu mới"

Với Trịnh Đức Quang, đồ án tốt nghiệp ĐH Kiến Trúc đoạt giải nhất giải thưởng Loa Thành 2002 giúp anh có công việc tốt sau khi ra trường.

Hà Nội đã có Trung tâm Hội chợ Triển lãm bề thế nhưng Quang vẫn tự thiết kế một Trung tâm mới được đánh giá cao về mặt ý tưởng. Các yếu tố công trình mang tính văn hóa, thương mại, dễ diễn đạt ý tưởng, dễ đẹp dưới hình dung của mọi người là những chủ ý Quang hướng đến để “ghi điểm”.

Quang đã phác thảo ra một Trung tâm triển lãm dạng hình khối trông khác lạ giống hình kim tự tháp. Không gian trung tâm được đẩy lên giống như nhà sàn. Toàn bộ diện tích sử dụng trên tầng hai, tâng một để trống (như vậy hoàn toàn khác với Trung tâm Hội chợ Triển lãm đang sử dụng hiện tại).

Theo Quang, khi phác ra đồ án có nội dung cụ thể, có tính thực tế đồng nghĩa với việc đồ án ấy thành công. Quang thừa nhận, đồ án năm nào anh thực hiện điểm số đã cao, giải thưởng đã đạt được, nhưng nếu đưa vào thực tế thì còn khá xa vời. Độ vênh giữa mô hình lý thuyết và thực tế là điều mỗi SV làm đồ án cần hiểu để khi có trong tay công trình nghiên cứu ít nhất là có thể tạo ra công trình mang dấu ấn riêng, thể hiện được sự tích lũy kiến thức và kỹ năng mình học ở trường.

TS Ngôn ngữ học Nguyên Thị Thanh Bình (Viện Ngôn ngữ học, từng tu nghiệp tại Đức và Canada):
Rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học ở các nước phát triển được viết giản dị chứ không hề phức tạp hóa. Trình bày cũng rất đơn giản, dễ hiểu để có nhiều độc giả tiếp cận được. Công trình khoa học vẫn có thể xuất bản thành tác phẩm hoàn chỉnh đem bán và bán được vì sản phẩm in ra mà không bán được, không có người đọc thì không ai người ta in. Người làm khoa học thì mỗi người có cách thức tiếp cận, khai thác riêng, thấy điều gì có ích thì thực hiện, và tất nhiên không phải là kể chuyện tào lao. 

MỚI - NÓNG