Đỡ bước em Nhung đến trường

Đỡ bước em Nhung đến trường
TP - Nhờ hàng trăm tấm lòng bạn đọc gần xa kịp thời chia sẻ, bước đường học tập của cô bé nghèo vùng gió Lào cát trắng Đỗ Thị Nhung lại rộng mở. Sáng qua, Nhung bước vào giảng đường Đại học Kinh tế Đà Nẵng.

>> Khát vọng giảng đường của nữ sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ

Đỡ bước em Nhung đến trường ảnh 1
Chiếc xe đạp nghĩa tình của Chi đoàn Công ty Điện lực 3 dành cho Nhung (Nhung đứng giữa, bên cạnh là hai em con anh chị Vinh)

Đượm tình gần 

Làng An Mô (Quảng Trị) và bà con láng giềng buổi trưa ấy bỗng xôn xao khi thấy nhà ông Đỗ Sừng có khách xa. Đại gia đình tề tựu từ sớm khi hay tin người đỡ đầu cho em Nhung cùng đại diện báo Tiền Phong hôm nay sẽ ra đón em vào Đà Nẵng nhập học.

Ông Đỗ Sừng, 76 tuổi, bác ruột Nhung, gương mặt khắc khổ, liên tục lấy khăn chấm nước mắt, nói không nên lời. Vợ ông, bà Ngô Thị Tam, người bác dâu 72 tuổi từng ẵm bế cháu Nhung từ ba tháng tuổi, giờ cháu vẫn gọi bằng mẹ, lúc khóc lúc cười. Lại ứa nước mắt, vì từ mai hai bác cháu không còn tối sớm rủ rỉ bên nhau.

Ngay sáng Chủ nhật 30/8, bài báo Tiền Phong vừa ra, anh Hoàng Văn Vinh là một trong những người đầu tiên liên lạc với tòa soạn, để lại số nhà cùng ba số điện thoại cho báo tiện hồi âm.

Anh Vinh và vợ là chị Nguyễn Thị Cương cùng công tác tại Cty Điện lực 3 (Đà Nẵng). Trước lúc ra nhà Nhung, anh cẩn thận mời phóng viên Tiền Phong ghé nhà. Ngôi nhà hai tầng nằm trên đường Cao Bá Quát gần sông Hàn trông ngăn nắp và đầm ấm. Anh giới thiệu căn phòng rộng đầy đủ tiện nghi chuẩn bị sẵn cho Nhung.

Nhà anh Vinh có ba cô con gái, cô chị đầu Hoàng Thiên An đang học năm thứ tư Đại học Ngoại ngữ tại Huế. Hai cô con gái sau, bé Hoàng Thảo Hương học lớp 9, Hoàng Lan Phương lớp 3. Cả ba đều ngoan, ham học và học giỏi.

“Vợ chồng tôi là công chức nhà nước, không giàu có. Nhưng ngay khi đọc bài báo, tôi bàn với vợ và các cháu, và quyết định nhận giúp toàn bộ tiền ăn ở học hành cho cháu Nhung. Nếu cháu muốn học ngành y ở Huế thì sẽ ở cùng ba mẹ tôi ngoài ấy. Còn học kinh tế thì ở với gia đình tôi”.

Dù mới tiếp xúc, cũng dễ nhận ra anh Vinh là người vui tính, nhưng rất chu đáo và nghiêm khắc. Anh tâm sự, chuyện lo vật chất cho cháu Nhung ăn học là rất nhỏ, so với việc dạy dỗ uốn nắn cháu như một người cha trong nhà, để cháu vẫn giữ nguyên được tâm tính thuần hậu tốt đẹp, sau này giúp được nhiều cho đời.

Ngày 3/9 nhập học, anh chị định ra nhà đón cháu vào ngày mùng 2. Nhưng rồi quyết định đón sớm một ngày, để ngày lễ Quốc khánh cháu Nhung cùng gia đình và các em nghỉ ngơi, tham quan Đà Nẵng, chơi thuyền trên sông Hàn và lên mộ thắp hương ông ngoại các em.

Anh bảo, lúc đầu định mua xe máy cho cháu Nhung đi học, dù trường cũng gần nhà. Nhưng nghĩ lại, thấy chưa vội, để cháu có quá trình thích nghi dần với cuộc sống mới. Còn chị Cương, lúc chồng ra Quảng Trị, nhắn anh ra xem vóc dáng cháu thế nào điện về để chị sắm cho cháu mấy bộ quần áo...                    

Bữa cơm trưa mời khách và cũng là chia tay cô bé Nhung có lẽ tươm tất hơn rất nhiều so với ngày thường. Biết các chú thích ăn rau, cô bé thoáng chốc bưng lên hai đĩa rau lang luộc xanh ngắt bốc khói, vừa hái sau vườn. Cả bữa, ông Sừng, bà Tam ít đụng đũa, rân rấn nước mắt ôn lại những chuyện xửa xưa.

Đỡ bước em Nhung đến trường ảnh 2
Gia đình tiễn em Nhung đi học

...Rồi cũng đến lúc phải chia tay. Anh chị và bầy em bầy cháu trong nhà người xách túi xách giỏ tiễn Nhung ra xe. Ông Sừng lánh ra sau nhà. Bà Tam dựa cột khóc. Nhung ôm lấy người bác dâu an ủi nước mắt giàn giụa: “Mẹ ơi, con chỉ đi học thôi mà”.

Cùng đưa em ra Đà Nẵng là anh Đỗ Quang Dũng - con thứ tám của ông Sừng. Làm phụ hồ, bữa đực bữa cái, nhưng mấy lần bé Nhung định nghỉ học do quá khó khăn, anh Dũng đều kiên quyết: “Em phải đi học. Học cho hai bác và cho anh chị, anh sẽ làm nuôi em”.   

Ấm tình xa

Ngay buổi sáng báo ra, ông Lê Thanh Thản - Tổng giám đốc Khách sạn Mường Thanh từ Điện Biên xa xôi, điện tới văn phòng đại diện báo Tiền Phong tại miền Trung, thông báo ông vừa chuyển 50 triệu đồng theo địa chỉ gia đình bé Nhung ở quê. Ông chân tình: “Tôi ở xa, chỉ biết gửi vào giúp cháu ăn học, khi nào cháu cần gì tôi sẽ giúp thêm”.

Hay tin, anh Nguyễn Trường Sơn (nhà ở 40 Đặng Thai Mai, Đà Nẵng) đến gửi ban đại diện Tiền Phong hai triệu đồng để giúp đỡ. Đỗ Thị Nhung đề nghị chuyển số tiền trên cho các bạn khác đang gặp khó khăn.

Báo Tiền Phong dành số tiền trên cho hai anh em sinh đôi Lê Việt Danh - Lê Việt Thành ở thôn 14, xã Đại Lãnh (huyện Đại Lộc, Quảng Nam). Hai anh em cùng đậu ĐH Luật TPHCM, nhưng nhà nghèo nên đành nghỉ nhường cho anh đi học.

Nhờ Tiền Phong chuyển lời biết ơn đến bác Lê Thanh Thản ở Điện Biên, vợ chồng ông Đỗ Sừng tâm sự: “Số tiền bác ấy gửi giúp, con bé Nhung đưa hết cho tui, tui cũng xin cất vào ngân hàng không tiêu pha gì hết. Để sau này còn lo tương lai cho cháu”.    

Nhiều cuộc điện từ Hà Nội, TPHCM, Gia Lai, Đà Nẵng... đề nghị được lo toàn bộ chi phí ăn ở học hành cho Nhung đến khi ra trường, như anh Cao Đình Đức (Tổng GĐ Tập đoàn VietCare tại Hà Nội), chị Nguyễn Thị Hồng Mỹ (GĐ Trung tâm Nghệ thuật S.O.L Art, Hà Nội), anh Lê Tất Thắng (Cty TNHH Đầu tư sản xuất Việt Hưng, Hà Nội), anh Trần Thiện (đường Nguyễn Trãi, Q 1, TPHCM)...

Có vợ chồng hưu trí như hai bác Thảo - Giá quê ở Huế, hiện sống tại Hà Nội, cũng nhiệt tình nhận giúp Nhung đến trường, đồng thời gửi đến em những lời khuyên chân tình.

Một chị công tác tại tòa soạn báo Tiền Phong xin giúp em mỗi tháng một triệu đồng. Ông Đặng Mậu Đạm (đường Lý Tự Trọng, Đà Nẵng) đến văn phòng gửi giúp Nhung năm trăm ngàn đồng...

Ông Phạm Đình Cảm, quê gốc Quảng Bình, hiện làm doanh nghiệp tại Gia Lai, điện thoại đề nghị được chăm lo toàn bộ việc ăn học cho Nhung trong lúc mọi người đang trên đường đưa Nhung vào Đà Nẵng nhập học.

“Tôi muộn mất rồi! Tôi đặt Tiền Phong theo tháng, báo ra Chủ nhật nên đưa đến trễ. Tôi lại bị sốt phải nằm truyền nước, đến trưa (1/9) mới đọc được báo. Liền điện nhưng không kịp. Tiếc quá”, ông bần thần hồi lâu qua điện thoại. Rồi ông bảo đưa máy cho Nhung, ông tâm sự, nhắn nhủ rất lâu.

Đặc biệt, hai ông Lâm Minh Phong, và ông Quyền quê gốc Quảng Trị, hiện sống tại Mỹ, sau khi đọc Tiền Phong trên mạng, cũng liên lạc với văn phòng miền Trung và nhà Nhung. Cảm thông trước hoàn cảnh và nghị lực của cô bé, ông Quyền đề nghị nhận bảo lãnh và lo toàn bộ việc ăn học của Nhung tại Mỹ, còn ông Phong nhận giúp một phần.

Bất ngờ và cảm động trước quá nhiều tấm lòng nhân hậu gần xa dành cho mình, Nhung bỗng bối rối. “Em thấy mình được quan tâm còn hơn cả trong mơ. Nhưng em đã nhận được tình cảm yêu thương của gia đình chú Vinh, em thấy quá đủ và hạnh phúc cho em rồi. Nhờ báo Tiền Phong cho em và gia đình hai bác gửi lời biết ơn tới tất cả các cô bác đã giúp đỡ em, xin các cô bác chuyển sự giúp đỡ ấy cho các bạn cùng hoàn cảnh như em”.

Về số tiền bác Lê Thanh Thản đã gửi, Nhung quyết định giao hết cho hai bác ở nhà để thuốc thang, bồi dưỡng, và lo cho anh trai điều trị bệnh tâm thần.

Khi đang viết bài này, anh Vinh điện sang cho biết, Chi đoàn Cty Điện lực 3 vừa mang tới chiếc xe đạp tặng Nhung đi học.

Chạy sang thì nghe Bí thư Chi đoàn Trương Ngọc Ánh tiết lộ: “Hay tin gia đình anh Vinh nhận cưu mang Nhung, anh em đã đề nghị anh nhường việc mua xe đạp tặng Nhung cho Chi đoàn. Nhung cũng sẽ là em nuôi của chi đoàn, tham gia các hoạt động sinh hoạt giao lưu để tạo sự gắn bó lâu dài”.   

MỚI - NÓNG