Hiến kế gửi Đoàn

Đoàn phải gắn với lợi ích, nhu cầu đoàn viên

Đoàn trường ĐH Bách khoa Hà Nội phối hợp các nhà tuyển dụng tổ chức hội thảo định hướng nghề nghiệp và tạo cơ hội việc làm cho sinh viên.
Đoàn trường ĐH Bách khoa Hà Nội phối hợp các nhà tuyển dụng tổ chức hội thảo định hướng nghề nghiệp và tạo cơ hội việc làm cho sinh viên.
TP - Đa số đoàn viên hiện nay năng động, sáng tạo, tích cực tham gia hoạt động xã hội và cộng đồng, tuy nhiên vẫn còn một bộ phận sống khép mình, thờ ơ với các hoạt động Đoàn. Các thủ lĩnh Đoàn cho rằng, để thu hút đoàn viên, các phong trào cần thiết thực hơn, gắn với lợi ích, nhu cầu đoàn viên.

Khép mình vì nhiều nguyên nhân

Anh Hoàng Đình Lương, Phó bí thư Đoàn Thanh niên, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, nhìn chung, ĐVTN hiện nay rất năng động, sáng tạo, nhiệt tình nhưng chưa có sự đột phá, thường bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông, bị chi phối bởi mạng xã hội và đâu đó vẫn mang tâm lý ỷ lại, chưa thực sự chủ động tham gia vào các hoạt động chung của cộng đồng.

Theo anh Lương, nguyên nhân có nhiều. Nhưng về mặt chủ quan, do ĐVTN chưa nhận thức đúng về lợi ích khi tham gia các hoạt động Đoàn, Hội. Cũng có thể do tính cách sống khép mình, tâm lý rụt rè, sợ đám đông nên ngại khi tham gia các hoạt động Đoàn, Hội. Về mặt khách quan, do công tác thu hút, tập hợp ĐVTN ở một số đơn vị còn hạn chế, chưa đáp ứng kỳ vọng, nhu cầu của ĐVTN hoặc chưa thực sự thu hút đối với ĐVTN. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khiến các bạn trẻ thờ ơ đối với hoạt động Đoàn, Hội là sự phát triển của mạng xã hội. ở thế giới ảo đó, các bạn ĐVTN bị những trò chơi, bị những cám dỗ lấn át, không đoái hoài đến hoạt động Đoàn, Hội.

Theo chị Nguyễn Thị Huyền Trang, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên thành phố Hà Nội, Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho rằng, những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh viên chưa thực sự tâm huyết với Đoàn, Hội là do điều kiện thời gian, vấn đề kinh tế, công việc học tập trên lớp, việc làm thêm… Thậm chí, do một tổ chức Đoàn tại một số cơ sở chưa đổi mới các chương trình hoạt động phù hợp với nhu cầu và mối quan tâm của ĐVTN.

Anh Vũ Duy Hải, Bí thư Đoàn Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng, hiện, hầu hết các trường ĐH ở Việt Nam đang đào tạo theo hệ tín chỉ, mô hình một lớp học không còn nữa. Do đó, các thành viên trong một chi đoàn bị phân tán theo thời gian học tín chỉ nên việc tập hợp ĐVTN rất khó khăn. Nên để tổ chức hoạt động Đoàn, thường phải chọn ngày cuối tuần hoặc ngoài giờ học.

Phải thiết thực, gắn với nhu cầu đoàn viên

Để hoạt động Đoàn thu hút ĐVTN, anh Hoàng Đình Lương thẳng thắn: Các tổ chức Đoàn, Hội cần nắm bắt được nhu cầu, tâm tư nguyện vọng của ĐVTN, để từ đó có những định hướng, tổ chức các hoạt động, phong trào phù hợp với tiêu chí: vui chơi, giải trí, rèn luyện và đặc biệt là học tập. Có như vậy, ĐVTN sẽ chủ động đến với Đoàn, Hội hơn. “Ngoài phát huy những thế mạnh vốn có của mình, bản thân bộ phận Đoàn tại các trường vừa giúp sinh viên tham gia hoạt động xã hội, phát triển kỹ năng mềm vừa hỗ trợ sinh viên học tập, nghiên cứu khoa học, chuyên môn”, anh Lương nói.

Theo anh Lương, ở thời đại công nghệ như hiện nay, việc giáo dục thanh niên thông qua internet - nhất là qua Facebook là việc tất nhiên. Tuy nhiên, trên mạng xã hội có rất nhiều thông tin sai lệch. vì vậy, mỗi thủ lĩnh Đoàn, Hội cần phải nhạy bén, biết chọn lọc thông tin để tuyên truyền, giáo dục cho ĐVTN.

“Đại hội Đoàn là một sự kiện chính trị quan trọng của tổ chức Đoàn và của tuổi trẻ Việt Nam. Vì vậy, theo tôi Đoàn cần tiếp tục phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của ĐVTN. Đồng thời, cần quan tâm, đồng hành cùng thanh niên trên đường lập thân - lập nghiệp. Muốn thu hút, tập hợp được thanh niên, trước hết, Đoàn phải hiểu và nắm rõ được những lợi ích và nhu cầu nguyện vọng của thanh niên”. 

Chị Nguyễn Thị Huyền Trang, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên thành phố Hà Nội

Anh Vũ Duy Hải cho rằng, Đoàn phải phát huy triệt để vai trò của mình trong việc hỗ trợ ĐVTN học tập. Ngoài việc tổ chức các hoạt động Đoàn, Hội sôi nổi trong Tháng Thanh niên, Đoàn trường ĐH Bách khoa thành lập các ban (Học tập nghiên cứu khoa học, Ban định hướng nghề nghiệp) để giúp đỡ gần 30.000 sinh viên tăng cường khả năng chuyên môn. “Cứ đến tháng 5, Đoàn trường chúng tôi phối hợp với các cơ quan chức năng của trường tổ chức tuần lễ sinh viên nghiên cứu khoa học. Qua đó, thu được rất nhiều đề tài khoa học hay. Đây là sân chơi để sinh viên thể hiện khả năng tư duy, ý tưởng của mình”, anh Hải nói. Ngoài ra, Đoàn trường ĐH Bách khoa Hà Nội còn thường xuyên tổ chức các hội thảo về học tập, mời các sinh viên, tấm gương sáng chia sẻ kinh nghiệm.

Bí thư Đoàn trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết, không chỉ giúp đỡ trong học tập, Đoàn trường ĐH Bách khoa Hà Nội còn quan tâm đến cơ hội tìm kiếm nghề nghiệp cho ĐVTN khi đang học tại trường và sau khi ra trường. Mỗi năm, Đoàn trường sẽ phối hợp cùng với các nhà tuyển dụng, công ty, doanh nghiệp có ngành nghề phù hợp với ngành đào tạo của trường để mở các hội thảo về định hướng nghề nghiệp. “Tại hội thảo, các đối tác sẽ trình bày về nhu cầu nhân lực trong thời gian tới, đưa ra các tiêu chí để sinh viên định hướng và có cái nhìn rõ ràng sau khi ra trường. thực tế, sau mỗi buổi hội thảo, đã có nhiều nhà tuyển dụng đặt hàng tuyển dụng sinh viên năm 3, năm 4 và năm cuối. Thậm chí, sinh viên còn được thực tập và làm part time (làm thêm bán thời gian) với mức lương 3 đến 4 triệu đồng/tháng”, anh Hải nói.

Theo anh Hải, hiện, hiện khái niệm chi đoàn chỉ mang tính chất trên giấy tờ, tương đối ở những trường đào tạo theo tín chỉ. Vì vậy, nhiều bạn cùng chi đoàn không biết mặt nhau, không nắm bắt được thông tin của nhau nên khi bình, bầu, đánh giá nhận xét sẽ không chính xác. “Tôi nghĩ, các chi đoàn nên phát triển theo hướng các CLB theo sở thích, chuyên môn để gắn kết những bạn có nhu cầu với nhau. Do học tập theo tín chỉ, khó tập hợp ĐVTN nên tôi cũng mong muốn chủ chương, điều lệ sinh hoạt của Đoàn sẽ nới lỏng hơn. Nếu trước kia họp 1 lần/tháng, giờ có thể 3 tháng họp một lần”, anh Hải nói.

Bài viết cho diễn đàn gửi về email: hienkeguidoan@gmail.com hoặc Ban Thanh niên, báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội (trên bì thư ghi Bài tham dự diễn đàn “Hiến kế gửi Đoàn”). Các bài viết được chọn đăng báo sẽ được trả nhuận bút theo quy định của báo Tiền Phong. Với những bài hiến kế hay, xuất sắc, Ban Biên tập báo Tiền Phong sẽ dành tặng những phần quà hấp dẫn, có giá trị khi tổng kết diễn đàn vào cuối năm 2016. 

MỚI - NÓNG