Mở chuyên trang Thanh niên - Việc làm:

Đoàn sẽ mang vốn đến với thanh niên

Đoàn sẽ mang vốn đến với thanh niên
TP - Anh Nguyễn Hoàng Hiệp - Bí thư T.Ư Đoàn cho biết, từ tháng 3/2009 Đoàn triển khai Đề án 1 tỷ USD với phương châm đồng hành cùng thanh niên.

Bàn về việc hỗ trợ lao động trẻ thất nghiệp tại các khu công nghiệp, anh Hiệp nhấn mạnh: “Nếu các bạn trẻ quay trở về, có sẵn nghề muốn lập nghiệp, Đoàn sẽ chủ động mang vốn đến với thanh niên”.

Đề án Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 – 2015 (hay được gọi tắt là Đề án một tỉ USD) được Chính phủ giao TƯ Đoàn chủ trì với kinh phí của đề án dự kiến có thể lên tới một tỉ USD hoặc hơn nữa.

Theo anh Nguyễn Hoàng Hiệp, Bí thư TƯ Đoàn, thanh niên bị mất việc làm ở những khu công nghiệp khu chế xuất cần chủ động, tự tin để lựa chọn mình về quê hay ở lại.

“Bắt đầu từ tháng 3/2009, Đoàn triển khai đề án trên với phương châm đồng hành với thanh niên. Nếu các bạn trẻ quay trở về, có nghề sẵn muốn lập nghiệp, Đoàn sẽ chủ động đem vốn đến cho thanh niên.

Theo số liệu thống kê của Cục Việc làm (Bộ LĐTB&XH) từ ba tháng cuối năm 2008 đến hết tháng 1/2009, cả nước có trên 80.000 lao động (LĐ) mất việc.

Phát biểu trên báo chí, bà Nguyễn Thu Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội (Bộ LĐTB&XH) cho biết số người thất nghiệp của cả nước trong năm 2009 có thể lên tới hai triệu người.

Nếu bối rối vì chưa có nghề sẽ được Đoàn đào tạo nghề miễn phí. Các bạn cũng hoàn toàn có thể thông qua tổ chức Đoàn cơ sở vay vốn thanh niên xuất khẩu lao động với mức vay theo quy định” - Anh Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định.

Đường về xa lắm

“Không còn việc làm nữa. Về quê thôi!”- Nguyễn Hoàng Anh, công nhân Cty May X.N (KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội) tay xách nách mang đồ đạc ra bến xe.

Cty lâm vào cảnh khó khăn từ giữa năm 2008, giảm một nửa số công nhân, đến cuối năm, tuyên bố giải thể và tạm ngưng sản xuất. Đó cũng là cảnh tượng của hàng trăm LĐ trẻ sáng 28/2 tại KCN Thăng Long, đón xe khách về quê trong tiết trời mưa tầm tã.

Hoàng Anh ở Nghệ An, có sáu sào ruộng nhưng tới năm anh em. Ngay tối hôm trước, 27/2, nhiều anh em cùng Cty với Hoàng Anh phải chia sẻ những đồng tiền cuối cùng để mua vé xe.

Các xóm trọ công nhân may tại làng Bầu (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) vắng ngắt. Ông Nguyễn Xuân Trường, chủ một nhà trọ cho công nhân thuê cho biết nhiều Cty giảm bớt LĐ từ ngay trước Tết. “Tiền hết, việc mới không có nên nhiều công nhân không thể trụ lại”- Ông Trường nói.

Không chỉ tại KCN Bắc Thăng Long, tại KCN Sài Đồng (Gia Lâm), KCN Ngọc Hồi (Thanh Trì) cũng diễn ra cảnh công nhân tìm về với mảnh ruộng, con trâu.

Ở lại

Không chọn cách trở về, nhiều LĐ trẻ tìm cách trụ lại để cố tìm kiếm một công việc mới. “Mất việc, không lương, mỗi tháng chỉ trông chờ từ 600.000 đồng dành dụm từ những tháng lương trước, sống đến khi có việc mới”- Nguyễn Tuấn Hùng, một công nhân cơ khí làm việc tại Sài Đồng than thở.

Hùng cũng cho biết, nhiều người cùng mất việc với mình phải ở ghép 8-10 người trong một phòng 8-10m2 vì không đủ tiền thuê trọ.

“Mỗi bữa ăn cũng phải tính toán mỗi người không quá 6.000 đồng. Nhiều khi cả xóm trọ chia nhau từng mớ rau mua rẻ tối hôm trước”- Hùng than thở.

Khó khăn thế nhưng Hùng và sáu người cùng quê Thọ Xuân, Thanh Hóa đều không tính chuyện về nhà: “Ở quê cùng cực lắm mới tính chuyện đi làm kiếm sống hai năm nay. Kiểu gì cũng phải trụ lại nhưng, hai tháng nay vẫn chưa tìm được việc làm mới”- Hùng nói.

Hai tháng, gần 2.300 lao động mất việc làm

Theo tin từ Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay có gần 2.300 lao động mất việc làm, trong đó khoảng 1.000 lao động trên địa bàn Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Văn An, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, UBND TP Đà Nẵng đang chỉ đạo Sở rà soát (phối hợp với các địa phương) tình hình khó khăn của công nhân nghỉ việc để xem xét hỗ trợ; giao Ngân hàng Chính sách xã hội TP Đà Nẵng phối hợp với Sở LĐ-TB&XH xin thêm nguồn vốn từ trung ương để cho vay tạo việc làm mới, đặc biệt là lao động mất việc trên địa bàn và lao động thuộc diện di dời, giải tỏa mất đất sản xuất. 

MỚI - NÓNG