Doanh nghiệp không được tự tổ chức học kỳ quân đội

Nhiều bạn trẻ muốn tham dự Học kỳ Quân đội
Nhiều bạn trẻ muốn tham dự Học kỳ Quân đội
TP - Theo văn bản hướng dẫn liên tịch Tổ chức chương trình Học kỳ trong quân đội (HKTQĐ) cho thanh thiếu niên (TTN) vừa ký ngày 25-5 giữa Tổng cục Chính trị (Quân đội Nhân dân Việt Nam) và T.Ư Đoàn, các đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp không được tự tổ chức chương trình HKTQĐ.

> Trải nghiệm làm chiến sĩ

Theo đó, chỉ các cấp bộ Đoàn, đơn vị thuộc Đoàn Thanh niên được chủ trì tổ chức thực hiện HKTQĐ. Phối hợp thực hiện là các đơn vị trong toàn quân có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nơi ăn, nghỉ, thao trường bãi tập, dụng cụ huấn luyện đảm bảo được nội dung huấn luyện.

Hướng dẫn liên tịch quy định: “Các đơn vị quân đội không được tổ chức chiêu sinh và chủ trì chương trình HKTQĐ, không được phối hợp, đăng cai với các đơn vị tổ chức không phải là các cấp bộ Đoàn, các cơ quan, đơn vị của T.Ư Đoàn. Các đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp chỉ được khuyến khích phối hợp tài trợ cho chương trình”.

Theo anh Trần Thanh Lâm, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn, việc quy định rõ đơn vị chủ trì tổ chức như trên sẽ giúp HKTQĐ thống nhất được nội dung, phương pháp, mục tiêu cũng như kinh phí tổ chức, tránh được tình trạng thương mại hóa, đảm bảo mọi TTN có nhu cầu học đều có thể đăng ký tham gia.

HKTQĐ được tiếp tục triển khai với mục đích là mô hình giáo dục tổng hợp dành cho TTN thông qua chương trình rèn luyện trải nghiệm thực tế trong môi trường quân đội; giáo dục một số kiến thức cơ bản về quốc phòng an ninh, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; bồi dưỡng kỹ năng xã hội, kỹ năng sống, giúp TTN tự tin, trách nhiệm hơn với bản thân và cuộc sống, tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội…

Theo bản hướng dẫn liên tịch, thời gian tổ chức một lớp học phù hợp nhất là từ 7-10 ngày; mỗi lớp không quá 100 học viên; đối tượng tham gia là những TTN độ tuổi từ 11-17 tuổi, có nguyện vọng, tự nguyện viết đơn đăng ký tham gia và được phụ huynh xác nhận đồng ý (trong đó đối tượng là con em các gia đình nghèo, gia đình chính sách xã hội được quan tâm hỗ trợ).

Chương trình khung gồm 3 nội dung chính: Giáo dục quốc phòng; giáo dục kỹ năng sống; các hoạt động bổ trợ khác.

Trong đó, các hoạt động giáo dục quốc phòng và giáo dục kỹ năng sống chiếm khoảng 80 % tổng thời gian chương trình HKTQĐ. Các nội dung được chú trọng giáo dục tại HKTQĐ: giáo dục truyền thống quân đội nhân dân, truyền thống đơn vị, 10 lời thề, 10 chức trách quân nhân; huấn luyện điều lệnh đội ngũ; hành quân dã ngoại; rèn kỹ năng đi biển, đi rừng; làm việc nhóm, diễn thuyết trước tập thể; lồng ghép các buổi tọa đàm về văn hóa giao thông, văn hóa học đường, tình bạn, tình yêu…

Kinh phí cho lớp HKTQĐ bao gồm: đóng góp tự nguyện của gia đình học viên, xã hội hóa (từ tài trợ của các tổ chức cá nhân), nguồn lực của các đơn vị tổ chức; không sử dụng ngân sách quốc phòng chi cho các hoạt động của HKTQĐ; cán bộ, giáo viên hướng dẫn viên, tình nguyện viên là cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị quân đội chủ yếu hoạt động theo chế độ tình nguyện.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.