Doanh thu lớn nhất là niềm tin

Doanh thu lớn nhất là niềm tin
TP - "Doanh thu là bao nhiêu ư? Đối với mình cái thu được là sự bình yên, no đủ của gia đình, là niềm vui của mấy chục nhân viên được chính mình đào tạo", ông chủ trẻ của nhà hàng có tên trong guide book của hầu hết các nước trên thế giới tâm sự.
Doanh thu lớn nhất là niềm tin ảnh 1
Lê Xuân Phương

“Mình vẫn làm việc như tất cả mọi người, vẫn chạy bàn, bưng bê hàng ngày và có thể rửa bát khi thiếu nhân viên” - Lê Xuân Phương - Giám đốc nhà hàng Little Italia, chủ bar DMZ, chủ thương hiệu DMZ trả lời thắc mắc của chúng tôi như vậy.

“Anh Phương ơi có người gặp!” - Cô gái trẻ có phong cách phục vụ năng động đứng ở quầy lễ tân quay đầu gọi. “Ông” giám đốc mà chúng tôi cần gặp đang còn rất trẻ đứng lẫn trong đám nhân viên của mình, tay áo xắn cao lặc lè cùng gần mười người nữa khuân chiếc tủ to tướng đặt lại vị trí mới.

Từ tay trắng

“Những gì mình có được hôm nay đều là sự nỗ lực không ngừng, bắt đầu từ những năm tháng sinh viên. Cũng chính những năm tháng khó khăn đó dạy mình nhiều nhất về không chỉ kiến thức mà còn cách hành xử trong cuộc sống” -  Phương mở đầu câu chuyện về mình.

Nhìn chàng thanh niên giản dị này ít ai có thể nghĩ đây là một trong những ông chủ trẻ thành đạt nhất tại Huế hiện nay.

Sinh ra tại đất Quảng Trị nắng gió. Ngày nhận giấy báo đại học, Phương đã quyết tâm tự mình nuôi sống mình vì gia đình anh không thể chu cấp được. Chuyên ngành của Phương là ngoại ngữ nhưng việc đầu tiên anh làm thêm lại là phục vụ trong một nhà hàng.

Bắt đầu bằng việc kỳ cọ bệ rửa bát, nhà vệ sinh, rồi kỳ cọ phòng ăn, giặt giũ, dọn dẹp đồ đạc rồi sau đó mới  được nhận việc bưng bê đồ thừa xuống... 

Doanh thu lớn nhất là niềm tin ảnh 2 Doanh thu là bao nhiêu ư? Đối với mình “doanh thu” lớn nhất là sự bình yên và no đủ của gia đình, là niềm vui có việc làm và thu nhập ổn định của mấy chục nhân viên được chính mình đào tạo... 

Buổi sáng, để tiết kiệm tiền giữ xe và thời gian, chàng sinh viên nghèo chạy bộ 2 km đến trường. Có ngày không kịp ăn đói lả đi nhưng hết giờ học là lại chạy bộ tới nhà hàng để làm việc.

Bốn năm học đại học tại Huế, Phương đã xin làm cho hầu hết các nhà hàng phục vụ người nước ngoài, vừa để nuôi thân cũng là để trau dồi những gì được học.

Vậy mà ở trường, Phương vẫn làm tốt cương vị của một lớp trưởng, bí thư chi đoàn, tham gia CLB nói tiếng Anh và các hoạt động văn nghệ, thể thao ở trường. Thầy cô và bạn bè vẫn thường nhắc tới chàng sinh viên lúc nào cũng áo trắng, quần xanh và đôi dép tổ ong mà vẫn học giỏi, nhiệt tình với phong trào.

Tốt nghiệp đại học, Phương cố gắng làm nhiều hơn nữa, một lúc anh có thể làm ở ba, bốn nơi khác nhau. Phương từng làm trưởng phòng du lịch của Mai Linh tại Huế; tổ chức “tua” du lịch xe đạp tới các làng nghề cho du khách nước ngoài.

Gom góp được một ít tiền anh quyết định mở nhà hàng phục vụ du khách, đối tượng chính là Tây ba lô. Đi du lịch nhiều nơi anh nhận thấy ở Huế chưa có nhà hàng phong cách Ý.

Nó có thể phục vụ được rất nhiều đối tượng. Món ăn Ý cũng gần với các món Pháp. Ngoài lượng khách nước ngoài thì ở Huế số người đi tu nghiệp, làm ăn ở Pháp về cũng khá đông.

Nghĩ là làm, với 1.000 USD tích cóp được trong mấy năm ròng anh xoay xở vay thêm vốn và tháng 7/2002 anh cùng một người bạn Ấn Độ mở nhà hàng Little Italia.

Ít vốn, Phương tự xoay xở, sửa chữa, trang trí lại nhà hàng. Sau sự thành công của Little Italia, Phương bắt tay vào quản lý nhà nghỉ Dormitory và mua lại Bar DMZ của một người bạn. Thật bất ngờ là chỉ mới tiếp nhận DMZ một thời gian ngắn, doanh thu của DMZ đã tăng gần gấp đôi so với trước.

Doanh thu lớn nhất là niềm tin

“Doanh thu là bao nhiêu ư? Đối với mình cái thu được là sự bình yên, no đủ của gia đình, là niềm vui của mấy chục nhân viên được chính mình đào tạo. Hầu hết các bạn ở đây (gần 40 nhân viên cả hai cơ sở) đều từ miền quê nghèo Quảng Trị.

Mới 30 tuổi, trước mắt chàng trai này vẫn còn nhiều việc phải làm. “Mình đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền DMZ và Little Italia.

Tương lai gần sẽ mở rộng thành hệ thống. Mình đã học qua các khóa quản lý nhưng vẫn sẽ cố thu xếp để học nữa để còn phải dạy lại cho nhân viên của mình.

Vừa rồi, vui nhất là cô nhân viên mới tốt nghiệp THPT được mình hướng dẫn học tiếng Anh, đăng ký thi bằng C dạng thí sinh tự do đã đỗ thủ khoa.

Mình đã khen thưởng em này trước toàn thể nhân viên”. Đối với ông chủ bình dân này, đào tạo nhân lực là một trong những yếu quan trọng để thành công.

Mình trực tiếp đào tạo họ, thậm chí một số mình đào tạo xong sẽ gửi đi các nơi khác để thực hành. Sẽ có ngày mình cần đến họ khi mở rộng nhà hàng thành hệ thống.

Doanh thu lớn nhất mình có được là niềm tin ở mọi người. Có nhiều khách hàng sẵn sàng bỏ vốn ra để mình mở rộng làm ăn. Mình có thể vay vốn mà không cần thế chấp. Uy tín là vật thế chấp duy nhất của mình” - Phương háo hức nói.

Phương nói tiếp: “Sự thành đạt của mình không phải ở doanh thu bán hàng mà mình tâm đắc nhất chính là đã tạo dựng được một thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao.

Để người nước ngoài khi tới thành phố du lịch này sẽ khó ai có thể ra về nếu chưa ghé thăm chỗ chúng tôi. Khi ra đi họ sẽ lại truyền tai nhau về một nơi nên ghé thăm khi đến Huế với bạn bè...”

Little Italia (2A Võ Thị Sáu - Huế) và bar DMZ (60 Lê Lợi - Huế) có mặt trong hầu hết guide book của các nước trên thế giới. Qua Internet, nhà hàng còn được khách du lịch bình chọn là một trong những nhà hàng đẹp nhất ở Huế. Món ăn được đầu bếp lành nghề chế biến và thay đổi hàng tháng.

DMZ là thế giới gia đình thu nhỏ cho du khách luôn cảm thấy ấm cúng, gần gũi. Tại đây khách có thể chơi bi-a, truy cập Internet, tư vấn du lịch, chơi nhạc… tất cả đều miễn phí. Phương cố gắng tạo không khí thoải mái như ở bản xứ cho du khách. 

Mùa cao điểm, nhà hàng Little Italia phải phục vụ từ 150 – 200 lượt khách mỗi ngày. Bar DMZ thì trở thành thương hiệu được mọi người truyền tai nhau nhờ giá cả phải chăng và thái độ phục vụ tận tình, năng động của nhân viên. Bar DMZ phục vụ gần 230 món ăn đủ khẩu vị.

Bận rộn hình như là hạnh phúc của chàng trai trẻ thành đạt này. Phương hòa đồng với nhân viên của mình, vẫn bưng bê, chạy bàn, pha chế, dọn dẹp…như nhân viên của mình.

Anh không muốn mọi người gọi mình là ông chủ bởi “cách xưng hô cũng tạo nên khoảng cách”, vì vậy mọi người đều gọi ông giám đốc này đơn giản và thân thiện là “anh Phương”.

MỚI - NÓNG