Đôi bạn nghèo và hơn 3.000 bộ áo quần cho vùng lũ

Đôi bạn nghèo và hơn 3.000 bộ áo quần cho vùng lũ
TP - Một buổi sáng cuối tuần, tại văn phòng Đoàn Thanh niên huyện Bố Trạch (Quảng Bình), có hai chàng thanh niên gõ cửa và rụt rè nói:  “Tụi em có trên 3.000 bộ quần áo mới và cũ quyên góp được để mang tặng cho bà con vùng lũ ở huyện Tuyên Hóa”.

Những hình ảnh tang thương trên truyền hình khi lũ tràn qua vùng Tuyên Hóa, hàng ngàn ngôi nhà bị trôi hết tài sản, lương thực và hàng chục ngàn người chỉ còn lại duy nhất một bộ áo quần mặc trên người luôn ám ảnh đoàn viên Phan Quốc Việt (lớp 11A, trường THPT Bố Trạch).

Việt tự nhủ, mình phải làm một điều gì đó dù là nhỏ nhưng thiết thực để sẻ chia với những mất mát, đau thương của người dân vùng lũ.

Thế là, ngay sáng hôm sau, Việt dậy thật sớm, vác chiếc xe đạp cà tàng chạy ngay đến nhà các bạn học cùng lớp để chia sẻ ý định của mình: Đi gom áo quần cũ quanh vùng gửi ủng hộ người dân vùng lũ.

Nghe Việt trình bày ý tưởng một số tỏ vẻ ngần ngại. Nhưng Cao Văn Sơn, bạn học cùng lớp đã đồng ý với dự định mà theo Sơn là rất khả thi và thiết thực này.

Hai cậu học sinh chọn điểm đến đầu tiên là chợ Thanh Khê. Vào thẳng khu vực quầy hàng bán quần áo, Việt, Sơn cùng cất giọng:

“Kính thưa bà con, chúng cháu là đoàn viên đang học trường THPT Bố Trạch. Nay nghe tin bà con vùng lũ xã Châu Hóa bị thiệt hại nặng không có ăn, không có mặc nên chúng cháu thực hiện quyên góp áo quần cũ, đồ dùng học sinh cũ để mang lên cứu trợ cho vùng lũ …”.

Cả khu chợ lặng đi nhìn hai cậu thanh niên và rồi họ tin vào chiếc áo xanh tình nguyện mà Việt, Sơn mặc trên người. Rồi ai cũng hối hả tìm kiếm. Ở đây không có quần áo cũ mà chỉ có quần áo tồn kho hoặc đã lâu chưa bán. Không hề tiếc, các chị, các mẹ thi nhau quyên góp.

Cảm kích trước nghĩa cử của hai cậu học sinh, các chị Phan Thị Thanh, chị Huế, chị Châu, chị Nga… bán hàng ở chợ cùng đi vận động nhiều người tham gia ủng hộ, áo quần, cặp sách, giày dép trẻ em.

Tất cả những gì bà con cho, Việt và Sơn hì hụi đóng vào bao tải chở về “nhập” vào gian nhà của Việt.

Hai ngày sau, thấy hàng đã khá nhiều, Việt bàn với Sơn mang theo xe đò lên vùng xã Châu Hóa. Nhưng khổ nỗi, cả hai chưa một lần biết Châu Hóa nằm ở đâu, chưa kể lũ đã làm ngập tắc đường. Đang bí, Việt chợt nghĩ: Sao không lên báo cáo Bí thư Đoàn xã.

Anh Lê Văn Nghiệp, Bí thư Đoàn xã Thanh Trạch cảm phục trước suy nghĩ và việc làm đầy trách nhiệm của hai đoàn viên trẻ. Anh động viên Việt, Sơn tiếp tục việc làm của mình và hứa sẽ giúp đỡ khi đã đủ chuyến hàng.

Được tiếp thêm sức mạnh, Việt, Sơn lại chạy xe đi hết  đường ngang, lối rẽ, đến các nhà trong khối phố để xin quần áo, giày dép. Muốn công việc chạy và hiệu quả, hai bạn phải đi vào buổi trưa, hoặc buổi tối.

Nhiều gia đình nhiệt tình mời nước uống và còn hỗ trợ cả tiền. Những lúc ấy, Việt, Sơn phải từ chối nhận tiền.

Bao ngày như thế, hai chàng đoàn viên như con ong chăm chỉ cần mẫn gom hàng, rồi cũng đến ngày 3.000 bộ áo quần đã chật cứng một gian nhà chỉ chờ để đưa lên vùng rốn lũ.

Kéo cả nhà vào cuộc

Những lúc ngồi nhà chờ đi quyên góp, Việt, Sơn lại cởi trần hì hục phân loại áo quần để đóng vào bao tải: Loại cho trẻ em, loại cho người lớn, loại cho phụ nữ, nam giới…

“Làm thế để khi mang đi cứu trợ bà con dễ phân phối cho nhau” - Việt giải thích. Những quần áo thấy chưa được sạch sẽ, Việt và Sơn lại hì hụi mang ra giếng giặt lại.

Thấy việc làm của con, anh Phan Văn Minh (bố Việt) động viên vợ tham gia. Hai vợ chồng anh cùng giúp con giặt giũ, phân loại áo quần, đóng bao và xếp gọn gàng. 

Trong số áo quần quyên góp được, Việt, Sơn chọn những bộ áo quần vải còn tốt, nhưng bị tuột chỉ, đứt cúc, hỏng khóa hoặc bị người mang vô ý làm rách để riêng ra.

Việt dùng máy khâu của mẹ may vá lại những áo quần bị rách. Sơn thì chăm chú đính cúc bị thiếu. “Có bữa làm quên cả ăn, khi bố, mẹ nhắc cả hai mới chịu tạm rời công việc.

Khi Huyện Đoàn Bố Trạch tổ chức đội tình nguyện mang hàng cứu trợ lên cho bà con vùng lũ, dù không có trong danh sách, nhưng Việt và Sơn xin phép gia đình tham gia cùng đoàn.

Những bao hàng được trao đến tận tay bà con làm ai cũng cảm động. Trao hàng xong, cả hai tiếp tục ở lại vùng lũ tại xã Văn Hóa (huyện Tuyên Hóa) mấy ngày cùng tham gia dọn bùn, làm vệ sinh, khắc phục hậu quả lũ lụt cùng bà con…

Sau lần tham gia đội thanh niên tình nguyện về cả Việt lẫn Sơn đều bị ốm vì làm việc quá sức. Hôm chúng tôi đến nhà cũng là lúc cả hai đều bình phục trở lại. Việc đầu tiên mà Việt và Sơn cùng nghĩ đến là tiếp tục đi quyên góp quần áo để cứu trợ cho bà con vùng lũ xã Châu Hóa, nơi lũ gây thiệt hại nặng nề.

Anh Phan Văn Thành kể lại: Hồi nhỏ còn đi học cấp tiểu học, vào dịp nghỉ hè, Việt lại xách chiếc ấm nhỏ nước chè xanh vào khu chợ bán. Lớn lên chút nữa, Việt đi bán kem, tiết kiệm tiền để mua sách vở cho năm học mới cho mình và cả hai em.

Nhỏ nhưng tính tự lập của Việt rất cao. Còn Sơn là con gần út của gia đình gồm bảy anh em. Nhà đông người, điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng năm nào Sơn cũng phấn đấu đạt học sinh tiên tiến của lớp.

Trời trưa đang đứng bóng. Đầu ngõ vẳng nghe tiếng Sơn gọi. Việt chào vội chúng tôi rồi xách chiếc xe đạp cà tàng vụt lao ra ngõ. Lại những chuyến đi quyên góp hàng cứu trợ đang chờ họ.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.