Đội cứu trợ động vật Đà Nẵng

Nhà của Trần Thị Phương Thúy (22 tuổi, thành viên của đội) đang lưu giữ 1 chú chó, 2 mèo mẹ, 5 mèo con. Sau khi chăm chúng khỏe mạnh Thúy sẽ tìm chủ nhận chúng về nuôi.
Nhà của Trần Thị Phương Thúy (22 tuổi, thành viên của đội) đang lưu giữ 1 chú chó, 2 mèo mẹ, 5 mèo con. Sau khi chăm chúng khỏe mạnh Thúy sẽ tìm chủ nhận chúng về nuôi.
TP - Đội cứu trợ đặc biệt của nhóm các bạn trẻ Đà Nẵng có sự tham gia của tình nguyện viên quốc tế đã cứu trợ hàng ngàn chú chó, mèo bị bỏ rơi.

Đội cứu trợ chính thức hoạt động cuối tháng 11/2013, với  gần 40 thành viên, gồm nhóm ứng cứu và nhóm chăm sóc tạm thời. Bùi Trần Vĩnh Trí (25 tuổi, người sáng lập đội cứu trợ), chia sẻ: “Mình thấy ở Đà Nẵng chó mèo bị bỏ rơi quá nhiều, rất tội nghiệp. Nên lập đội kết nạp thêm các bạn trẻ yêu động vật, nhiệt tình để cứu trợ và nâng cao nhận thức về vật nuôi cho người dân”.

Thành viên trong đội rải khắp thành phố. Quận, huyện nào cũng có ít nhất ba người. Chó, mèo bị bỏ rơi được các bạn đưa về nhà chăm sóc, nhờ bác sĩ thú y kiểm tra, hoặc bằng kinh nghiệm của mình phải đảm bảo hoàn toàn khỏe mạnh, không bệnh tật mới tìm chủ cho chúng. Càng ngày, các cuộc gọi đến càng nhiều. Từ đó, trang facebook “Cứu trợ động vật Đà Nẵng” ra đời, mỗi ngày cập nhật hàng chục tin mới.

Trần Thị Hoài Tiếp, một thành viên nói: “Nhờ có trang facebook, tụi mình nhận tin, hình ảnh nhanh hơn, mọi người cũng xin chó, mèo về nuôi nhiều hơn”. Các bạn còn chia sẻ các hình ảnh mà những chủ mới sau khi nhận chó mèo về đã chụp lại cảnh chúng được chăm sóc cẩn thận cùng lời cám ơn về cho đội.

Tính đến nay, đội đã cứu trợ, tìm chủ cho gần 3.000 chú chó mèo. Đội không lập cơ sở cố định, là vì sợ người dân “ỷ lại” có nơi sẵn sàng nhận nuôi chó mèo nếu họ muốn vứt bỏ, từ đó ý thức và tình yêu thương với vật nuôi sẽ thấp dần.

Bác sĩ, bà đỡ bất đắc dĩ

Việc chăm chó mèo cũng khoa học, chu đáo như đối với con người. “Bé” Bin (con chó tên Bin) của Vĩnh Trí đang nuôi lông mượt, suốt ngày quấn chân chủ. Trí kể, trước Bin bị lở loét, lông rụng lộ từng mảng da đỏ tấy, chủ cũ chê bẩn không chịu nuôi nên Trí đưa về chăm sóc, bôi thuốc cả tháng trời mới hồi phục.

Quan niệm mèo vào nhà “xui xẻo”, chó vào nhà thì “sang”, nên số mèo bị bỏ rơi nhiều, người nhận nuôi rất hiếm. Đa số mèo sau khi nhận về, các bạn phải lưu lại nhà vài ngày mới tìm được chủ. Trong những ngày cho mèo ở tạm nhà mình, các thành viên gặp rất nhiều tình huống dở khóc dở cười. 

Trần Thanh Nga, nhớ lại: “Lần trước, mình cứu hộ cho một bà mẹ mèo đang mang thai bị thất lạc ở chân cầu Tuyên Sơn, đem về nhà khoảng hai tiếng sau nó có dấu hiệu chuyển dạ. Lúc đó vừa bối rối vừa lo, trời thì khuya chẳng biết gọi ai, đành làm bà đỡ cho nó. Chứng kiến 5 chú mèo con lần lượt ra đời, mình thấy rất thú vị, và có kinh nghiệm nếu gặp thêm trường hợp này nữa”.

Công việc mà đội đang làm được mọi người cảm phục, hiện tại trang “Cứu trợ động vật Đà Nẵng” đã có gần 11 ngàn người theo dõi. Đặc biệt, anh chàng Matthew Faccanda, 36 tuổi, người Mỹ, đã xung phong làm tình nguyện viên cho đội, sẵn sàng đi ứng cứu chó, mèo nếu cần. Matthew Faccanda còn ủng hộ cho đội một máy may để may áo quần, chăn, đệm cho chó, mèo và đưa đi bán lấy tiền làm kinh phí hoạt động. Năm tới, đội sẽ liên hệ với các cơ quan chức năng để hỗ trợ ứng cứu, chăm sóc động vật hoang dã.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.