Đội đặc nhiệm được trao giải “Mãi mãi tuổi 20”

Đội đặc nhiệm được trao giải “Mãi mãi tuổi 20”
TP - Họ là một tập thể “có tên, có tuổi” với những chiến tích đánh án nổi bật nhưng phải... giấu mặt khi được tuyên dương công trạng trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Đội đặc nhiệm được trao giải “Mãi mãi tuổi 20” ảnh 1
Bộ phận hoạt động bán công khai của Đội ĐB1 họp bàn kế hoạch đánh án

“Đại bản doanh” của họ đóng giữa Thủ đô Hà Nội nhưng địa bàn hoạt động chủ yếu lại trên khắp nẻo biên cương... Họ chính là Đội đặc nhiệm chống ma túy khu vực biên giới phía bắc (Đội đặc nhiệm ĐB1), thuộc Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng.

Tập thể nhỏ làm việc lớn

Căn phòng nhỏ của tập thể Đội ĐB1 rộng khoảng 30 chục mét vuông, lọt thỏm trong khu làm việc của các cơ quan Bộ tư lệnh Biên phòng nằm trên phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội), được các anh gọi vui là “miền đất thánh”.

Đây là nơi tiễn các anh mỗi khi luồn sâu về các vùng núi heo hút khắp các nẻo biên cương để hoạt động, cũng là nơi các anh ôm cây đàn ghi ta hát những bài ca vui mừng chiến công sau mỗi lần đánh án trở về.

ĐB1 - một tập thể nhỏ (18 cán bộ, chiến sĩ) nhưng được sinh ra để đối mặt với những vụ án buôn bán ma túy lớn, những tên tội phạm buôn bán ma túy nguy hiểm khắp biên giới các tỉnh miền núi phía Bắc.

Điều mà ai cũng phải ghi nhận về ĐB1 là tất cả các chuyên án, vụ án mà Đội đã tiến “đánh” đều hết sức phức tạp. Bọn buôn bán ma túy đều sử dụng vũ khí nóng (súng, lựu đạn), sẵn sàng “liều” với các chiến sỹ đánh án.

Có lần, đội tổ chức vây bắt đối tượng buôn bán ma tuý Lê Bá Long khi biết chắc trong người hắn đã hết vũ khí. Thế nhưng khi cùng đường, tên này đã bất thần dùng xe máy lao vào một chiến sỹ, dù biết rằng hắn sẽ bị văng xuống vực.

Bởi vậy, để phá án, cán bộ, chiến sỹ phải dùng nhiều biện pháp nghiệp vụ, đặc biệt là không sợ gian khổ, nguy hiểm, phải luôn tỉnh táo, biết khi “nóng”, khi “lạnh” mới thành công.

Những trận đánh ngoạn mục

Nghe tên đội có vẻ “già dơ” nhưng Đội vừa mừng sinh nhật một tuổi cách đây chưa lâu (thành lập đầu năm 2005). 18 thành viên của đội, trước đây đều là những cán bộ trinh sát giỏi được triệu tập từ Cục Trinh sát chuyển sang, có nhiệm vụ trinh sát, điều tra, trực tiếp và phối hợp với lực lượng biên phòng các tỉnh và các lực lượng chức năng khác phá các vụ buôn bán ma túy trên tuyến biên giới phía Bắc và miền Trung.

Tuy mới thành lập nhưng chỉ trong 17 tháng qua, cán bộ, chiến sĩ đã phối hợp với biên phòng các địa phương thực hiện 17 chuyên án và 25 vụ án, bắt giữ 125 đối tượng, thu 16kg hê-rô-in, hơn 4.000 viên ma túy tổng hợp, 3 súng và nhiều vũ khí khác…

Phá án bằng những chiến thuật khôn khéo, bày mưu đặt kế “y như sách” thì đã là đáng cảm phục. Nhưng theo đại úy Nguyễn Tiến Chín, một thành viên của ĐB1, người trực tiếp tham gia phá vụ án Vàng A Sùng ngày 25/5/2006 bằng liên hoàn kế tại cửa khẩu Tây Trang, thì quả là đáng để đưa vào sách... giáo khoa của các chiến sỹ trinh sát.

Vàng A Sùng là một tay buôn bán ma túy cộm cán, thuộc hàng “anh chị”. Hắn người xã Na Ư, huyện Điện Biên. Cách đây 2 năm, công an đã có lệnh truy nã nên hắn biết các chiến sỹ trinh sát đặc nhiệm luôn bám sát gót mình nhưng không hề tỏ ra sợ hãi mà việc buôn bán, vận chuyển ma túy có phần lại hung hãn hơn.

Một vài lần, Sùng còn mật phục ở những địa hình hiểm yếu để bắn dọa chiến sỹ biên phòng. Có lần, các mũi phục kích của công an, bộ đội biên phòng đã áp sát Vàng A Sùng nhưng vì hắn thông thạo địa hình và luôn có súng bên người nên vẫn thoát.

“Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, Đội đặc nhiệm ĐB1 dùng kế phối hợp với Đồn biên phòng Tây Trang (Điện Biên) tổ chức một trận đá bóng mi-ni trên con đường đó để dụ Sùng.

5 giờ chiều, Vàng A Sùng đi trên một chiếc xe phân khối lớn, đến đoạn đường ngang qua đồn Tây Trang, hắn gặp một trận bóng đá “giao lưu” của bộ đội với thợ làm đường.

Đúng như dự đoán, Vàng A Sùng không mảy may nghi ngờ. Vì đám đông đá lấn hết đường buộc hắn phải đi chậm lại. Vừa lọt vào giữa trận bóng, một cầu thủ đón bóng hụt, bất thần ngã lăn ra đường khiến Vàng A Sùng gần như phải dừng xe lại để tránh và ngay lập tức các “cầu thủ” xông tới, quật ngã hắn xuống đường. Vàng A Sùng bị tóm gọn, khám trong người có một khẩu súng AK báng gấp, một súng ngắn K54 và 2 bánh hêrôin.

Mới đây, đêm 3/8, cán bộ, chiến sĩ của Đội ĐB1 và bộ đội Biên phòng Điện Biên cũng phá tiếp một chuyên án lớn tại cao điểm Búng Min (thuộc xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên), bắt 10 đối tượng và 9 bánh hê-rô-in.

Lần này, bọn buôn ma túy hội quân ở một cao điểm kín đáo giữa rừng già, chia làm nhiều tốp để kéo vào nên các anh phải tổ chức như một trận đánh.

Theo lịch hẹn, 2 giờ sáng là chúng hẹn gặp nhau để giao hàng. Trong đại ngàn thăm thẳm, các anh đã phải bí mật luồn lách ẩn mình trong đó từ tối hôm trước để tránh bị chúng phát hiện. Những chuyến lần mò trong rừng già như vậy gặp rắn độc, thú dữ, rơi xuống vực, ngã gãy tay chân là... chuyện bình thường.

Chuyện những người “khó tính”

Khó khăn vất vả là vậy nhưng phụ cấp nghề nghiệp dành cho họ cũng chỉ 200.000 đồng/tháng. Những kẻ buôn bán ma tuý thường nhiều tiền, phương tiện và vũ khí của chúng cũng luôn hiện đại hơn, nên bên cạnh cuộc chiến với kẻ địch là “cuộc chiến” để tự làm công tác tư tưởng cho mình.

May mắn thay, những người vợ, những đứa con của các anh, ai cũng hiểu và thông cảm. Về thăm gia đình đội trưởng Sơn ở một huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa, chị cho biết: “Mỗi lần nghe anh đi đánh án, tôi ít xem thời sự nhưng cứ phải dán mắt lên truyền hình và tìm đọc các loại báo để nghe ngóng tình hình.

Thỉnh thoảng, nghe tin vụ án này, vụ án nọ có đối tượng dùng vũ khí là lại bủn rủn tay chân, thấp thỏm, lo lắng ngóng tin chồng. Lo lắm, nhưng không tài nào liên lạc được với anh vì khi đã vào vùng biên giới, miền núi, điện thoại di động thường mất sóng”.

Những anh có gia đình ở quê, dẫu vất vả nhưng cũng đỡ nỗi lo cơm áo, nhiều anh khác, vợ con ở Hà Nội đang phải thuê nhà như anh Cường, anh Hiển, anh Giáp, cuộc sống càng thêm phần khó khăn, tiếng là cơ quan ở gần nhà nhưng các anh đi đánh án có khi 2-3 tháng mới về nhà một lần.

Vừa rồi, toàn Đội được trao giải thưởng “Mãi mãi tuổi hai mươi” với số phiếu cao nhất, niềm vui lớn vậy nhưng cho đến giờ, cũng chỉ có 1/3 cán bộ, chiến sĩ của đội được biết. Bởi đa số trong số họ đang có mặt trên các nẻo biên giới xa xôi hẻo lánh, nơi những thông tin báo chí cũng chưa vươn tới.

Còn anh Chín, người trực tiếp tham gia nhiều vụ đánh lớn, khi cho tôi địa chỉ gia đình ở quê, cũng  nhắc luôn: “Đừng đưa quê em lên báo nhé, vì bọn tội phạm biết được lại thêm một mối nguy hiểm cho người thân”.

Có lẽ, nhờ sự nhắc nhở này mà tôi hiểu thêm, vì sao khi được trao giải tại buổi truyền hình trực tiếp của VTV3, họ lại phải ẩn mình sau lớp phông đen, để các cháu nhỏ ra nhận phần thưởng hộ. Và càng hiểu vì sao, họ lại “khó tính” đến thế, khi tôi nài họ cho chụp một kiểu ảnh...

MỚI - NÓNG