Đổi đời nơi sơn cước

Sơn cước Tây Bắc đang thoát nghèo nhờ cây cao su
Sơn cước Tây Bắc đang thoát nghèo nhờ cây cao su
TP - Bản Cốc Củ của người Thái nằm hẻo lánh trên dãy núi cao Suối Giàng, Yên Bái. Lường Thị Chín (22 tuổi) thức dậy lúc 6h sáng rời bản lên núi. Áo bảo hộ, cô rẽ vào sườn đồi cao su mới trồng hai năm tuổi.

Sức sống những hàng cây bật lên non xanh như mang thông điệp của một vùng nhựa sống mai này.

Tại bản này, mỗi gia đình nhận khoán vài héc ta từ Cty Cổ phần Cao su Yên Bái. Chỉ vất vả lúc trồng ban đầu, mấy lần bón phân, giăng rào bảo vệ, vẫn đi hái măng lấy củi, trồng thêm lúa nương hằng ngày mà nhận lương 3-4 triệu đồng/người/tháng.

Lường Thị Chín lấy chồng, ra ở riêng, mua được xe máy, ti vi, dựng một ngôi nhà mới. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, cô được Cty chăm lo. Chỉ vài năm trước, Cốc Củ còn là bản “nhiều không” (không điện, không nước sạch, không đường ôtô, không hộ kinh tế khá…), toàn hộ nghèo, lắm người nghiện thuốc phiện, nhưng giờ cây cao su đang làm nó thay da đổi thịt, chỉ 10 hộ nghèo trong tổng số 84 hộ. Trong bản có hàng chục chàng trai cô gái Thái đang đi làm “công nhân tại gia” như thế.

Vùng thổ nhưỡng và sinh thái Tây Bắc gây ngạc nhiên cho bất kỳ đại gia cao su nào khi đến thăm. Cây cao su giống lúc trồng chỉ đôi gang tay, một thời gian sau đã vươn cao mét rưỡi. Dăm sáu năm trước, ý tưởng trồng cao su ở Yên Bái đã được lãnh đạo tỉnh trình lên Chính phủ khi biết rằng những cánh rừng cao su ở ven bên kia biên giới Trung Quốc cao xanh bạt ngàn – họ đã trồng từ mấy mươi năm mà làm giàu.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cử cán bộ khảo sát nghiên cứu. Cty CP Cao su Yên Bái khi mới thành lập đưa loạt giống đầu tiên mang từ miền Nam ra trồng xuống chết đến 70% vì không chịu được rét. Hàng chục tỷ đồng như đổ xuống suối đã từng khiến nhiều người thất vọng. 

Nhưng ngay sau đó giống thử nghiệm lấy từ Nghệ An (gần 70%) và Trung Quốc (hơn 30%) đã khẳng định phù hợp sức sinh tồn vượt bậc. Trận lũ đầu năm ngoái tàn phá 70 ha thiệt hại đến 7 tỷ đồng, Cty không trồng lại mà chỉ cần cưa gốc cho cây tái sinh, giờ đã mọc cao sinh trưởng chẳng khác gì so với cây cùng tuổi vùng Tây Nguyên.

Ông Trương Công Tuyên (Giám đốc Cty CP Cao su Yên Bái) khoát tay chỉ ra bờ vách núi bạt sâu: “Hàng chục năm rồi có cây gì mọc được đâu, toàn cỏ dại, cây nhám linh tinh, cây nguyên liệu giấy trồng kém hiệu quả. Đất này nó chỉ dành cho cao su. Các lãnh đạo Tập đoàn lên đây thăm cứ ngỡ cây mới trồng một tuổi là ba tuổi”. 

Giờ chỉ riêng ở Yên Bái đã phủ xanh hơn 2.000 ha, hết năm 2015 sẽ nâng lên 3.000 ha. Không lấy đất của dân, không dùng ngân sách Nhà nước. Đất của những lâm trường và dự án 661 bỏ hoang hóa, đất bờ vực, suối sâu, xen kẹt. Tuyển công nhân tại gia từ các bản làng Thái, Dao, Mông, Tày… 

Trồng đến đâu giao khoán cho dân đến đó. Gần 400 gái trai khắp những bản làng vùng sâu huyện Văn Chấn, Văn Yên, Nghĩa Lộ (Yên Bái) nhận lương công nhân ổn định mà lao động hằng ngày chỉ như lúc nông nhàn. Cty sẽ tuyển thêm 150 công nhân nữa vào tháng tới, và năm 2016 sau khi Chính phủ đánh giá toàn diện chất lượng cao su Tây Bắc thì Cty sẽ tuyển lên 3.000 công nhân cho chiến lược chăm sóc, khai thác 15.000 ha cao su ở Yên Bái. 

“Cty vừa nhập về giống mới từ Braxin sẽ có sức sống khỏe hơn, chất lượng cao hơn. Ở các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên đã bắt đầu có thu, chất lượng khá cao”, ông Tuyên cho biết.

Giá cao su rớt mấy năm qua, và đâu đó Tây Nguyên hay Tây Nam Bộ có người chặt bỏ cao su trồng cây khác, nhưng ông Tuyên và lãnh đạo Tập đoàn cũng như lãnh đạo tỉnh Yên Bái vẫn đang mạnh dạn phủ xanh cao su trên triền núi những huyện nghèo – cây chủ lực cho kinh tế vùng cao Yên Bái. Miền Trung hay Tây Nam bộ dính bão thì tan hoang cả cánh rừng, ở Tây Bắc có giông xoáy, lũ lụt thì chỉ mất một góc của đại ngàn cao su. 

Cty đã chi hàng trăm tỷ đồng cho cao su cài vào sơn cước miền tây Yên Bái. Đất chai cứng khi rừng xưa biến mất giờ như được hồi sinh. Cao su mọc đến đâu, Cty chi tiền làm đường đến đó. Những chiếc xe máy của nhà Lường Thị Chín và trai bản Cốc Củ phóng lên núi hay chạy xuống thị xã Mường Lò chỉ vài chục phút. 

Thỉnh thoảng những công nhân bản trong tổ của Chín lại tụ họp giao lưu sinh hoạt rất vui. Có tiền lương, nghề nghiệp ổn định, có đường đi, giờ họ tranh thủ ban ngày đi chăm cây, lấy củi, ghé chợ bằng xe máy. Chín nói, có nằm mơ những năm trước cũng chả thấy bao giờ.

MỚI - NÓNG