Những ngọn đèn trước gió - Kỳ 7

Đối mặt sự thật

Đối mặt sự thật
TP - Một tháng trôi qua, tôi phải lên viện để điều trị tiếp. Đi trong sương gió của buổi sớm, tự dưng trong tôi có cảm giác se lạnh. Những làn khói trắng bốc lên từ bếp nhà ai đó đang bay là là trước mắt càng khiến tôi thêm lưu luyến không muốn rời xa nơi này.

>> Kỳ 6 - Về thăm nhà

Bạn cũ, bạn mới

Tôi ngủ một giấc dài trong suốt chuyến đi, tới bệnh viện là khoảng hơn mười giờ trưa. Sau khi làm các thủ tục nhập viện tôi được chuyển vào ở cùng phòng với Thắng.

Thắng vào viện từ cách đấy một tuần và đang truyền hóa chất. Đợt điều trị vừa rồi tôi cũng nằm ở phòng này, trong phòng có hai giường bệnh là giường số 14 và giường số 16. Lần này tôi nằm ở giường số 16. May mà tôi chỉ phải nằm một mình một giường. Thắng nằm chung giường với chú Dương.

Nhìn qua cửa sổ, thỉnh thoảng, lại có chiếc lá vàng đột ngột lìa cành, rơi xuống đất. Bất chợt, tôi lại nhớ tới tác phẩm: Chiếc lá cuối cùng của nhà văn O’heri. Rồi một ngày kia, sẽ không xa nữa, tôi cũng vĩnh viễn rời khỏi thế giới này cũng giống như những chiếc lá vàng kia, sẽ không còn đủ hơi sức để bấu víu lấy cành.

Chú Dương quê ở Thái Bình, cán bộ trong ngành ngân hàng. Chú mới nhập viện và đang chờ kết quả xét nghiệm. Ngoài Thắng là người tôi quen từ trước còn có chị Biên.

Chị truyền xong hóa chất của đợt ba và cũng sắp xuất viện. Trông chị gầy hơn trước nhiều, môi khô nứt nẻ và có phần hơi mệt. Mẹ chị nói chị đang bị men gan cao nên ăn kém, hay bị nôn. Đó cũng là tình trạng chung của hầu hết bệnh nhân sau khi truyền hóa chất.

Chiều, sau khi được các chị y tá lấy máu làm xét nghiệm, tôi đến các phòng để xem còn có ai mà tôi đã quen hay không. Đi qua một phòng, tôi thấy có tivi đang chiếu những môn thi đấu tại Seagames 24. Đây là phòng tự nguyện nên chỉ có hai bệnh nhân, tôi chưa gặp bao giờ. Thấy tóc trên đầu tôi rụng gần hết, một bác hỏi:

- Cháu điều trị ở đây được mấy đợt rồi?

- Dạ cháu đã điều trị ở đây được một đợt. Đợt này là đợt thứ hai.

- Bệnh của cháu ở thể gì?

- Dạ, bệnh của cháu ở thể L2

- Vậy là giống với bệnh của bác rồi.

Tên bác là Kiên - cán bộ ngành nông nghiệp. Bác cũng quê ở Nam Định nhưng ở khác huyện với tôi, mới nhập viện được hai tuần và đây là đợt điều trị đầu tiên. Bên cạnh là giường bác Phi. Bác là người Hà Nội, bệnh của bác ở thể M2, bác đang truyền hóa chất đợt cuối cùng. Ngày nào truyền thuốc xong, bác cũng đi xe về nhà. Gần sáu mươi tuổi nhưng trông bác khỏe, không ai nghĩ bác là bệnh nhân.

Phũ phàng

Lần đầu tiên tiếp xúc, tôi thấy bác Phi rất vô tư, thoải mái. Bác nói không bao giờ bác nghĩ về bệnh tật của mình, thậm chí cũng không quan tâm đến tên bệnh mình đang mắc phải, tình hình tiến triển hay phải truyền bao nhiêu đợt hóa chất nữa. Mới đây bác sĩ thông báo hết đợt điều trị này bác được đi khám định kỳ và bệnh của bác ở thể M2. Thấy ba chúng tôi nói chuyện với nhau vui vẻ, một chú xem tivi cùng tôi chen vào giọng buồn rầu:

- Hai bác với anh đây truyền hóa chất mà trông khỏe quá! Không biết mấy hôm nữa con gái em truyền hóa chất, nó có chịu nổi không nữa?

- Thế con gái chú bệnh gì?- Bác Kiên vội hỏi.

- Thì ung thư máu thôi.

- Ai chẳng biết là ung thư. Ở đây ai mà chẳng thế. Tôi muốn hỏi là bệnh của nó ở thể M hay thể L hay dòng hạch cơ.

Chú đó lắc đầu:

- Em cũng không biết nữa. Bác sĩ ở khoa C7 bảo chuyển cháu lên khoa C8 để truyền hóa chất, nhưng mà họ bảo chỉ kéo dài thêm được bảy, tám tháng thôi vì bệnh của con em nặng lắm rồi.

Nghe bác Kiên nói vậy, tôi vội giải thích:

- Khoa này có tên là Khoa Ung thư Máu, nhưng đâu phải ai cũng bị bệnh này. Bệnh của bác cháu mình là bệnh bạch cầu cấp dòng lympho thể L2 cơ mà.

Bác Kiên cười:

- Cháu điều trị ở đây một đợt rồi mà không biết. Ai phải vào đây, nghĩa là bị ung thư máu. Không tin cháu cứ đọc mấy cuốn sách kia đi.

Bác Kiên chỉ tay vào một đống sách đang được đặt trên bàn. Tôi tiến lại gần, lấy ra một cuốn sách và bắt đầu đọc. Tôi không nhớ rõ nhan đề của cuốn sách đó là gì, chỉ biết nội dung của nó nói về những bệnh ung thư. Bệnh ung thư máu được nói đến ngay ở trang đầu tiên của cuốn sách. Trong đó tác giả của cuốn sách có viết: Bệnh ung thư máu gồm những bệnh như U Lympho, bạch cầu tủy, bạch cầu dòng Lympho cấp. Nó còn có tên gọi khác là Lơ-xơ-mi cấp, Lơ-xơ-mi có nghĩa là máu trắng.

Sau khi Tiền Phong trích đăng loạt bài từ tự truyện Những ngọn đèn trước gió của Nguyễn Văn Toán,  ngày 13/6, Ban Giám hiệu Trường Đại học Thủy lợi đã về thăm Nguyễn Văn Toán và gia đình tại Nghĩa Hưng- Nam Định. Đoàn đi có GS-TS Phạm Ngọc Quý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi, PGS-TS Lê Xuân Ranh, Phó Trưởng khoa Kỹ thuật biển (Toán đã theo học) cùng hơn 10 giảng viên của trường.

Các thầy mang đến cho Toán tin vui: Toán được trường nhận về học, tiếp tục là sinh viên năm thứ nhất của trường tại khoa Kỹ thuật biển. Trước đó, vì phải điều trị bệnh, Toán đã bảo lưu kết quả một năm. Thời gian điều trị kéo dài hai năm nên không đủ điều kiện trở lại học ở trường. Toán chia sẻ: “Các thầy về bất ngờ, em rất vui, và hạnh phúc nhất là em đã được các thầy tạo điều kiện tới trường học”.

Từ hôm qua (15/6), tự truyện Những ngọn đèn trước gió của Nguyễn Văn Toán được phát hành. 

Đọc đến đây tự dưng tôi thấy choáng váng, tim đập dồn dập như vừa nghe được tin sét đánh. Tiếp tục đọc, tôi được biết những bệnh nhân như tôi thường có lượng bạch cầu trong máu tăng cao. Mà bạch cầu lại có màu trắng nên bệnh này còn được gọi là bệnh máu trắng.

Triệu chứng của những người bị bệnh giống như người bị cảm thông thường như sốt, đau đầu, ra mồ hôi trộm, chân tay nhức mỏi. Số lượng hồng cầu, tiểu cầu trong máu thường thấp nên sẽ gây ra hiện tượng khó thở, mệt và xuất huyết.

Ngoài ra, đối với những bệnh nhân như chúng tôi, kích thước của gan và lá lách đều to hơn bình thường do tế bào lạ tập trung ở đây.

Người viết cuốn sách này cũng thật tàn nhẫn, đọc từ đầu đến cuối mà tôi cũng chẳng thấy chỗ nào đề cập đến những thành tựu mới nhất của y học, để bệnh nhân  còn có chút hy vọng. Cuốn sách chỉ nói chung chung, nước đôi như bác sĩ nói với những bệnh nhân bị ung thư máu là bệnh đã thuyên giảm, chứ không nói là bệnh đã khỏi hoàn toàn, vì trong tương lai bệnh có thể sẽ tái phát.

Rồi những bệnh nhân không may mắc phải căn bệnh này thường bị suy sụp về tâm lý vì vậy mà gia đình, người thân, bạn bè là niềm động viên tốt nhất đối với họ. Nếu như cuốn sách đó không phải là của bác Kiên mà là của tôi thì khi đọc xong nó, tôi sẽ vứt đi ngay lập tức.

Tôi trở về phòng, mọi người đi đâu hết. Có lẽ mẹ tôi đang nấu cơm ở dưới sân bệnh viện. Căn phòng bình thường chật hẹp là thế mà sao tự dưng tôi thấy trống vắng quá.

Trời mùa Đông thật u ám

Chiều nay, bệnh viện đột nhiên mất điện càng khiến cho căn phòng thêm tối tăm. Những gì tôi vừa mới đọc được cứ lần lượt hiện lên trong đầu tôi. Vậy là điều tôi nghi ngờ, và không mong muốn nhất giờ đã thành sự thực.

Tôi đã bật khóc.

>> Kỳ sau: Bùa hộ mệnh

MỚI - NÓNG