Đôi mắt thần của biển

Đôi mắt thần của biển
TP - Gần một đêm hành trình trên con tầu mang số hiệu HQ-558 của vùng một Hải Quân từ Quân cảng Hạ Long…, tờ  mờ sáng, khi mà các thành viên trên tàu còn đang ngái ngủ thì tàu cập Cảng Trà Bản.

Đại tá Đặng Hồng Hải, Phó Chính ủy Vùng 1, trưởng đoàn công tác nhắc nhở mọi người khẩn trương chuẩn bị ăn sáng để kịp lên đảo.

Bởi, tàu tuy đã cập cảng, nhưng để đến được trung tâm xã Bản Sen, về với những chiến sỹ của Phân trạm ra đa B85 còn phải thêm một chặng hành trình bằng tàu nhỏ và rất dễ bị mắc cạn nếu không kịp đến trước khi thủy triều xuống…

Kinh nghiệm “bấm giờ” của những người “lính biển” đã giúp cho đoàn công tác sau hơn nửa tiếng đã tiếp cận được nơi cần đến mà không gặp phải trở ngại nào.

Một lọn rau đưa lên miệng, tôi cảm nhận được sự mát lành lan tỏa, một đợt gió mạnh xô nghiêng từng vạt rừng mang theo sự mặn mòi của biển.

Thiếu úy Dương bảo rằng, ở điểm cao này các anh rất thích sự dẻo dai bền bỉ của loài tre trúc, giữa bốn bề mây mù và gió hú vẫn đan vào nhau kết thành một khối chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên mà phát triển.

Riêng với tôi, trên đỉnh Trà Bản này luôn tồn tại “một loài tre trúc khác”, đó là những người lính của Phân trạm rađa B85.

Họ xứng đáng với các tên thân yêu Đôi mắt thần của biển, ngày đêm dõi mắt canh giữ biển trời Tổ quốc.

Chỉ tay về phía những hàng sú vẹt khi mà thủy triều đã bị kéo xuống và để lại từng vệt nước, đại tá Đặng Hồng Hải, nói: “Các anh thấy đấy, chúng ta chỉ cần chậm 10 phút, nước sẽ rút nhanh, khi đó tàu sẽ không cập mạn được và chúng ta phải “tăng bo” vào đảo”.

… - “Nhiều người khi đến thăm đơn vị, chứng kiến công việc trên trạm ra đa đã gọi chúng em là lính thủy trên cạn đấy anh ạ”.

Khi nghe chuẩn úy Đặng Văn Minh, trắc thủ  Ra đa quê ở huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, người có thâm niên gần 6 năm gắn bó với đảo nói như vậy có người trong đoàn nhà báo như còn chưa hiểu… suy nghĩ thì thấy sự cắt nghĩa của chuẩn úy Minh là có lý.

Bởi lẽ, do đặc thù nhiệm vụ, những người lính Ra đa thường phải “chọn” những khu vực có địa thế cao để “tọa lạc”. Vậy là, đã ngoài đảo, lại phải ở trên cao, khó khăn càng nhân lên.

Là bộ đội Hải quân nhưng trong những giây phút thảnh thơi, chẳng mấy khi Minh và đồng đội được nghe tiếng sóng. Mặc dù vậy, có ra đến Trà Bản, chứng kiến công việc và cuộc sống của anh em, mới cảm nhận được sự gắn bó họ với biển đảo, với trạm của mình như thế nào.

Đôi mắt thần của biển ảnh 1
Không để Tổ quốc bị bất ngờ!

Trong số những người có thâm niên lâu nhất tại đảo phải kể đến thiếu tá chuyên nghiệp Trần Văn Thọ (quê ở Nam Trực, Nam Định), nhân viên kỹ thuật đã 15 năm gắn bó với Trạm. Trà Bản bây giờ đã trở thành quê hương thứ hai của anh, bởi ngoài đơn vị anh còn có một gia đình nhỏ, 2 đứa con.

Nguyện vọng của đa số các nhà báo trong đoàn công tác là được chứng kiến tật mắt nhiệm vụ, cuộc sống sinh hoạt của cán bộ và nhân viên trên đài rađa ở độ cao hơn 500 mét so với mực nước biển lập tức được các đồng chí chỉ huy Phân trạm B85 đáp ứng.

Thiếu tá trạm trưởng Nguyễn Đình vũ nói với mọi người rằng: Đường lên núi vất vả, phải qua nhiều dốc cao, cán bộ nhân viên của trạm quen rồi nhưng cũng phải mất hai tiếng rưỡi mới đến nơi, còn với “khách” phải 3 tiếng là cầm chắc.

Chuẩn úy Minh xung phong là người dẫn đường. Xuất thân là lính bộ binh, hơn nữa đây không phải là lần đầu tiên chinh phục những điểm cao như thế này, nhưng qua chặng đường đầu, tôi cũng dần thấy thấm mệt.

Cứ leo được một đoạn Minh lại dừng lại để chờ mọi người. Tôi bám sau lưng Minh, nghe cậu ta thủ thỉ về công việc của Trạm, nhiệm vụ của kíp trực và những nguyên lý trong thực hành quan sát, phát hiện mục tiêu…

Mải leo, mải trò chuyện, tôi bẵng đi sự xuất hiện của cả một đàn chó: Chú to, chú nhỏ dễ đến hàng chục con, lăng xăng lúc chạy trước khi lại tụt xuống đằng sau đùa nghịch, làm “loạn” cả khu rừng.

Tôi đã từng đọc và nghe kể nhiều về những chú chó ở Trường Sa, nhưng quan sát những chú vện của trạm B85 cũng thấy hết sức thông minh và thú vị. Minh kể, có thời điểm đàn chó ở Trạm lên đến hơn 100 con. Hễ thấy chuẩn bị cho đợt giao ca, có người lên hoặc xuống núi là cả một “tiểu đội những chú vện” cũng lục tục đi theo.

Đường lên núi xa xôi cheo leo và cách trở, vào những ngày mưa, cây rừng dạt ra cả lối mòn, muỗi vắt nhiều vô kể, đặc biệt là sự xuất hiện của những loài rắn xanh, độc vô cùng.

Nhưng với sự dẫn đường của những chú vện trung thành nhanh nhẹn và thông minh đã khiến cho mọi người vững tâm hơn.

Đã gần trưa mà đỉnh Trà Bản mới như vừa thức dậy, sương giăng đầy, đọng thành giọt trên từng kẽ lá. Kíp trực bao gồm trung úy Nguyễn Đức Nhuận, thiếu úy Nguyễn Văn Thành (trắc thủ rađa), chuẩn úy Nguyễn Đắc Doãn (nhân viên tiêu đồ) và thiếu úy Lê Xuân Thủy (thông tin) do thiếu úy Phạm Tiến Dương chỉ huy đang thực hiện phiên hiệp đồng phân ban toàn trạm.

Tôi nép mình theo dõi hành động của toàn kíp trực. Trắc thủ Nguyễn Đức Nhuận căng mắt theo dõi từng biến chuyển trên màn hình rađa; Phương vị cự ly, số lượng kiểu loại hành động của các phương tiện hoạt động trên biển được nhân viên tiêu đồ thể hiện chi tiết trên bản đồ.

Sau 30 phút tiếp tục quan sát sục sạo, chỉnh lý… toàn bộ các mục tiêu được thông báo đầy đủ về phân trạm. Chuẩn úy Minh đứng bên cạnh ghé vào tai tôi: đây chỉ là một trong 6 phiên hiệp đồng phân ban toàn trạm mà hàng ngày mỗi kíp trực phải hoàn thành.

Làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt (chiếm khoảng hai phần ba thời gian trong năm đỉnh Trà Bản phải sống trong mây mù- PV); cường độ làm việc khá căng thẳng, nhưng những năm qua anh em trên trạm luôn xác định tốt nhiệm vụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan sát, quản lý vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc.

Trong đó đã thực hiện và thông báo được trên 11 ngàn lượt phương tiện hoạt động, giữ vững thông tin liên lạc với các mạng, các hướng, không có hiện tượng vi phạm quy chế làm việc, thu thập tin tức kịp thời, là cơ sở để chỉ huy các cấp xử lý tốt các tình huống.

Trò chuyện với anh em sau phiên trực, tôi chỉ được nghe họ nói nhiều về công việc, về những kinh nghiệm phán đoán phát hiện mục tiêu trên màn hình rađa mà tôi nghe cũng chưa thật am tường đó là những: căn cứ “sóng hồi”, “cự ly thường phát hiện” và “căn cứ vào quy luật hoạt động và tốc độ của phương tiện”.

Trong công việc học tập trung nghiêm túc là thế, còn bây giờ nhìn ai cũng toát lên vẻ lạc quan, tự tin chứ mặc nhiên không một lời phàn nàn, kêu ca trước những khó khăn.

Trong bữa cơm trưa quá giờ với những người “giữ biển”, đạm bạc, đơn giản chỉ với món cá kho cộng với canh rau cải xanh do anh em tự tăng gia, nhưng chúng tôi thấy ngon miệng và ấm cúng hơn bao giờ hết.

Thiếu úy Phạm Tiến Dương tâm sự: Về cuộc sống của những người lính đảo với những khó khăn đặc thù riêng không nói chắc các anh cũng có thể hình dung, ở điểm cao này do địa hình phức tạp, cách xa Phân trạm nên thức ăn bọn em phải chuẩn bị cho cả tuần, nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là vấn đề nước ngọt.

Do địa hình phức tạm, cách xa phân trạm, chiếc bể 20 khối này dùng để tích trữ nước mưa dùng cho sinh hoạt cả năm. Như thế, tất cả chỉ nhờ “Giời”.

Lượng nước khan hiếm nên chúng em phải sử dụng hết sức tiết kiệm, tất cả nước thừa trong sinh hoạt đều được chúng em tận dụng để tăng gia trồng rau xanh đấy anh ạ.

MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.