Đồng hành với học sinh trên mạng xã hội

Tại mô hình Sân chơi cuối tuần, một học sinh xúc động bật khóc ôm lấy cô giáo khi nghe chuyên gia tâm lý nói chuyện về giá trị của tình cảm gia đình, thầy cô. Ảnh: Ngọc Linh.
Tại mô hình Sân chơi cuối tuần, một học sinh xúc động bật khóc ôm lấy cô giáo khi nghe chuyên gia tâm lý nói chuyện về giá trị của tình cảm gia đình, thầy cô. Ảnh: Ngọc Linh.
TP - Trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước, xâm hại tình dục; giúp học sinh có một môi trường mạng xã hội lành mạnh… là những vấn đề được các đại biểu bàn luận tại hội nghị lấy ý kiến cán bộ phụ trách thiếu nhi vào Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022. Hội nghị do anh Nguyễn Long Hải, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư chủ trì.

Bồi đắp những giá trị sống tốt đẹp

Tại hội nghị, vấn đề xây dựng kỹ năng, đồng hành, hỗ trợ các thiếu nhi phòng chống đuối nước, xâm hại tình dục, tai nạn thương tích được các đại biểu bàn luận sôi nổi. Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) thẳng thắn cho rằng, Đoàn thanh niên, trong đó có cán bộ Đội chưa thực sự tích cực, phát huy được vai trò của mình trong việc phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, đuối nước.

Theo ông Nam, điều đó một phần xuất phát từ việc Đoàn chưa nắm hết và chưa biết phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của mình để kêu gọi các cấp, ban ngành cùng đồng hành, chung tay giải quyết các vấn đề liên quan thanh thiếu nhi.

TS Nguyễn Văn Mười, Hiệu trưởng Trường Đội Lê Duẩn, cho biết giáo dục kỹ năng cho các em là vấn đề luôn được trường Đội Lê Duẩn quan tâm phát triển. Trường Đội Lê Duẩn đang triển khai mô hình “Cuộc sống quanh em”, nhằm xây dựng kỹ năng sống (bao gồm những kỹ năng bảo vệ bản thân trước các tình huống: Điện giật, đuối nước, băng bó vết thương và giá trị sống cho các em (ước mơ của em, tình yêu gia đình, nụ cười của em, sống lạc quan).

Theo TS Nguyễn Văn Mười, giá trị sống là nền tảng của kỹ năng sống. Gia đình, nhà trường và xã hội biết dạy, bồi đắp hàng ngày cho các em những giá trị sống tốt đẹp sẽ giúp các em hình thành những kỹ năng sống, làm chủ trước mọi biến động của cuộc sống. Mỗi năm, mô hình “Cuộc sống quanh em” thực hiện mỗi chủ đề khác nhau, phù hợp tình hình thực tiễn xã hội. Chủ đề năm nay là “Hành trang của em”, bao gồm hành trang về ngoại ngữ, tin học, mạng xã hội, bảo vệ bản thân trước nguy cơ bị xâm hại tình dục.

Anh Nguyễn Khánh Bình - Phó bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội TP Hà Nội cho biết, với nội dung phòng chống tai nạn thương tích và xâm hại tình dục trẻ em, Thành Đoàn Hà Nội luôn chú trọng triển khai các hoạt động khác nhau xây dựng kỹ năng cho các em, như: Sinh hoạt dưới cờ, Sân chơi cuối tuần… Mô hình Sân chơi cuối tuần, giáo dục kỹ năng sống hiện được Thành Đoàn Hà Nội triển khai làm điểm tại 10 quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Cần lập trang web hỗ trợ học sinh

Anh Nguyễn Văn Sơn, nguyên Phó chủ tịch thường trực  Hội đồng Đội T.Ư, đánh giá nội dung dự thảo báo cáo chính trị ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 – 2022 chưa đề cập việc giáo dục thiếu nhi hội nhập quốc tế. “Trong thời đại bùng nổ thông tin, hội nhập quốc tế sâu rộng, phải làm sao để thiếu nhi tham gia, hòa nhập với cộng đồng thế giới một cách tốt nhất. Giúp các em có kiến thức, sự tự tin, tự lập khi vươn ra biển lớn”, anh Nguyễn Văn Sơn nói.

Nhiều đại biểu thể hiện sự trăn trở, hiến kế để các em thiếu nhi sử dụng mạng xã hội một cách trong sáng, lành mạnh.

Tổng phụ trách Liên đội trường THCS Dương Liễu, Hoài Đức (Hà Nội), cô giáo Nguyễn Thị Hương cho rằng, hiện facebook gần như “phủ sóng” giới trẻ, thế nhưng thực tế tổ chức Đoàn chưa có mô hình hoạt động nào liên quan đến mạng xã hội.

“Trước đây, tôi không dùng facebook nhưng rồi qua tiếp xúc với các em học sinh, tôi nhận thấy hầu hết các em đều có sử dụng mạng xã hội. Các em giao tiếp, trò chuyện, vui chơi và có cả những mâu thuẫn trên mạng xã hội. Qua việc giải quyết những mâu thuẫn của học sinh trong nhà trường, tôi nhận thấy bạo lực học đường lan nhanh như một thứ “vi rút” có sự tác động rất lớn của mạng xã hội”, Tổng phụ trách Liên đội trường THCS Dương Liễu chia sẻ.

Trước thực tế đó, cô giáo Hương lập tài khoản facebook, làm bạn với các em học sinh trên thế giới ảo để kịp thời nắm bắt tình hình, định hướng những suy nghĩ lệch chuẩn của các em. Năm 2015, Liên đội trường THCS Dương Liễu phát động phong trào “sử dụng facebook sạch”.

Phong trào đã thực sự tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các em học sinh về sử dụng mạng xã hội. Dù vậy, theo Tổng phụ trách Liên đội trường THCS Dương Liễu, giúp các em làm chủ bản thân, sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh là việc không hề đơn giản. Bởi mạng xã hội là một thế giới phức tạp, các em còn thiếu kỹ năng, kinh nghiệm. Vì thế khi gặp những “cú sốc” từ mạng xã hội nhiều em đã không vượt qua được.

Thực tế đã cho thấy nhiều vụ tự tử của học sinh xuất phát từ những tác động tiêu cực của mạng xã hội. “Vì vậy tôi mong muốn Đoàn thanh niên phối hợp với các ban ngành liên quan lập trang web có sự hỗ trợ của các chuyên gia thuộc các lĩnh vực, đặc biệt là chuyên gia tâm lý, để khi các em gặp bất cứ chuyện gì trên mạng xã hội, các em đều có thể vào trang web này tìm sự hỗ trợ, tư vấn, tháo gỡ từ các chuyên gia. Từ đó sẽ hạn chế được những hậu quả đáng tiếc cho các em”, cô giáo Hương nói.

“Tôi nhận thấy hầu hết các em đều có sử dụng mạng xã hội. Các em giao tiếp, trò chuyện, vui chơi và có cả những mâu thuẫn trên mạng xã hội. Qua việc giải quyết những mâu thuẫn của học sinh trong nhà trường, tôi nhận thấy bạo lực học đường lan nhanh như một thứ “vi rút” có sự tác động rất lớn của mạng xã hội”.

Tổng phụ trách Liên đội trường THCS Dương Liễu Nguyễn Thị Hương

MỚI - NÓNG