Du học - Đường về có hẹp?

Du học - Đường về có hẹp?
Không phải du học sinh nào cũng có chỗ công tác tốt, một công việc tương xứng với thời gian và tiền bạc mà bản thân, gia đình đã đầu tư khi học tại nước ngoài. Có lẽ cũng vì vậy, việc về nước hay ở lại luôn là vấn đề mà du học sinh trăn trở.

Bước chân vào bậc học phổ thông, không ít con em những gia đình có điều kiện về tài chánh được hướng chọn một trường đại học, cao đẳng hay trường nghề ở nước ngoài thay vì chọn một trường tại Việt Nam.

Tâm lý chung, môi trường học tập cũng như chất lượng đào tạo của những trường nước ngoài trội hẳn so với trong nước.

Nhưng có lẽ, lý do lớn hơn cả là được tiếp xúc với nền văn hóa mới, có những trải nghiệm trong một môi trường mới.

Như Hồng.Thanh (cựu SV trường Webster - Thailand) đi du học chỉ vì tò mò muốn biết du học như thế nào, nước ngoài trông ra sao dù ban đầu không hề có dự định đi du học.

Ngoài ra, còn có những bạn nằn nì xin gia đình cho đi du  học bằng được chỉ đơn giản vì không "muốn thua chị kém em" với bạn bè trong lớp, muốn lấy "le" với mọi người.

Với một số người khác thì đi du học vì ở đó có điều kiện học tập tốt, môi trường năng động đòi hỏi bản thân phải nỗ lực nhiều nếu không muốn bị "lạc" và bỏ rơi.

Không chỉ có HS, SV ĐH mới nghĩ đến việc du học, ngay cả một số bạn đã đi làm cũng chọn con đường du học. Ngọc Hân đang làm cho Cty chứng khoán thì xin nghỉ với lý do đi du học ở Australia.

Lý do quan trọng nhất trong việc quyết định đi du học của Hân là do thấy bạn bè sau khi du học trở về đều thành đạt, có việc làm tương đối tốt. "Bỏ ba năm để làm cho một Cty, dĩ nhiên là tùy thuộc vào năng lực bản thân, nhưng tốc độ thăng tiến và mức lương sẽ không cao.

Nếu đi du học, khi trở về có ngoại ngữ tốt hơn, phong cách làm việc chuyên nghiệp hơn, tự tin hơn, sẽ có thể đạt được nhiều thứ hơn. Hơn nữa, khi sống một thân một mình ở nước ngoài, sẽ hoàn toàn phải tự lực cánh sinh trong cuộc sống. Do đó, sau này dễ dàng thích nghi với môi trường mới, công việc mới dù lắm khắt khe" -  Hân tâm sự.

Tuấn Kiên cũng cho rằng: "Cùng một vị trí đảm nhiệm thì người có mác du học sẽ nhiều cơ hội hơn", thế nên anh chọn con đường học tiếp bằng Thạc sỹ ở Bỉ để khi trở về có giá hơn.   

Ngày trở về...

Ở lại hay quay về là quyết định của mỗi cá nhân, tùy thuộc vào trình độ, khả năng, hoàn cảnh và mục đích của từng người. Một số du học sinh chọn ở lại vì "đã quen với lối sống cũng như tác phong làm việc ở đây".

Quỳnh Thi (du học sinh tại Malaysia) cho biết "không nghĩ sẽ đầu quân cho một Cty nội địa vì muốn làm việc trong môi trường đa văn hóa".

Vì vậy, sau khi tốt nghiệp ĐH Kinh tế tại Malaysia, Thi nhận làm bán thời gian cho văn phòng đại diện của 1 Cty đa quốc gia đặt tại nước này. Thi chia sẻ thêm "làm việc trong môi trường đa quốc gia là làm hết sức, chơi hết mình".

Một phần nữa, lý do để du học sinh chọn đầu quân vào những Cty liên doanh hay 100% vốn đầu tư của nước ngoài bởi vì quy mô lớn và chuyên nghiệp hơn, có cơ hội thăng tiến và mức lương cao hơn các Cty nội địa.

Chưa kể trường hợp, có bạn được điều chuyển về Việt Nam làm việc tại chính Cty đa quốc gia đó.

Cũng có ý kiến ngược lại như Trần Thịnh, đang du học tại Nhật Bản, thì cho rằng: "Học xong thì làm ở đâu cũng được, quan trọng là chế độ đãi ngộ tốt và đương nhiên phải áp dụng được những gì mình đã học."

Mặt khác, không ít du học sinh khi trở về nước đều nghĩ nếu không làm giám đốc, trưởng phòng cho Cty Việt Nam nào đấy thì ít nhất cũng phải là nhân viên trong 1 Cty nước ngoài.

Một phần vì đã trót mang tiếng đi du học về, một phần vì không quen cách làm việc rề rà, ăn bớt thời gian hành chính để làm việc riêng của một số đơn vị quốc doanh.

Không những thế, có trường hợp khi đưa ra ý tưởng quá mới mẻ thì bị từ chối vì " Tây" quá, không phù hợp.

Từ đó, họ cảm thấy thất vọng, chán và mất cả khí thế làm việc. Cũng có người tâm sự rằng muốn xin vào làm cho cơ quan nhà nước nhưng "có xin mà không có cửa" nên Cty nước ngoài hóa ra lại dễ dàng "xâm nhập" hơn.

Không ít bạn đã chọn cách làm trong cơ quan nhà nước vài năm để lấy kinh nghiệm rồi nhảy ra lập Cty riêng.

Một du học sinh trở về từ Canada đã thẳng thắn "muốn được tự mình làm chủ, tự mình thực hiện những dự định ấp ủ từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường, hay thậm chí để thực hiện những đề án không được chấp thuận trước đây".

-------------------

Theo T.Tâm - H. Bình
Lao động 

MỚI - NÓNG