Du lịch… xem bói của “ét vê”

Du lịch… xem bói của “ét vê”
TP - Được nghỉ hai ngày cuối tuần, tôi “du lịch” về quê đứa bạn để vừa thư giãn vừa xem bói. Cô bạn quê Vĩnh Phúc (sinh viên Đại học Thương mại) quả quyết: “Thầy xem chuyện tình duyên hay lắm”.

Thầy H. khá trẻ, nhà ở ven thị xã Vĩnh Yên. Sau khi đặt lễ, thầy ngắm tay, ngắm chân, ngắm mặt và bắt đầu phán. Muốn xem tình duyên thì chỉ cần tiết lộ tuổi và chữ cái tên của người yêu.

Để thử tài thầy, tôi bịa ra một cái tên. “Người yêu cháu sinh 1984, tên có 5 chữ cái”. “1984, tuổi con chuột, đầu căn đầu số, người này thông minh, lắm tài nhưng lận đận lắm. Được cái yêu, chiều cháu. Nhưng yêu cậu này thì phải chấp nhận cưới muộn đấy”. “Bao nhiêu tuổi thì cưới ạ?”. “Khoảng 24-25 gì đấy!”.

Nghe chuyện giữa tôi và “thầy”, cô bạn người Hà Nội bật cười rồi ghé tai: “Sao giống bói bài của bọn mình thế. 24 tuổi cưới mà gọi là muộn”. Thầy tự nhận đã từng “tu nghiệp” một số năm ở Trung Quốc, được mẹ truyền nghề cho nên “mới bước vào tôi đã biết cô nào sướng, cô nào khổ”.

Sinh viên đi xem bói được chia làm hai loại: Hoặc là “thành tâm thành ý”; hoặc là thỏa trí tò mò (kiểu này chiếm đa số).

Thanh (ĐH Mở) được phong là “từ điển bói”. Cái danh sách thầy bói mà Thanh đã từng đi xem có lẽ phải đếm sang cả đầu ngón chân. Không tin cũng không báng bổ, Thanh chỉ đi xem bói cho vui.

Cũng có một số người xem bói về lo lắng mất ăn, mất ngủ vì thầy phán “tháng này gặp hạn”. Thậm chí bỏ cả người yêu vì thầy phán không hợp “yêu nhau thể nào cũng có đứa chết”. Nhưng bây giờ có lẽ số “nhẹ dạ cả tin” kiểu này không nhiều.

Ngoài những trường hợp đó ra, phần còn lại đều tìm đến bói toán để giải trí. Thế nên mới xảy ra chuyện hài như trường hợp của Thuỷ (Cầu Giấy, Hà Nội).

Theo bạn về Vĩnh Phúc xem bói, sau một hồi gật gù nịnh thầy, nàng bắt đầu chọc thầy bằng các câu phản biện hóc búa. Đôi co một lúc, thầy đuối lý trả tiền lễ, thề độc “không bao giờ xem cho sinh viên nữa”.

Hay chuyện của nhóm sinh viên Đại học Bách khoa về Hà Đông xem bói, trong khi con gái “thành tâm thành ý” ngồi mê mẩn nghe thì bạn trai đi tháp tùng vặt của thầy một quả bưởi cho vào túi rồi vặn: “Đố thầy biết bưởi thầy bị ai lấy?”.

“Bói ra ma, quét nhà ra rác”, biết vậy nhưng chẳng hiểu sao bói toán vẫn “hấp dẫn” nhiều người. Nhưng “ét vê” xem lại khác, lặn lội về quê xem bói kiêm du lịch cũng là chuyến đi chơi đầy dấu ấn. Bạn bè kéo nhau đi xem bói để có những trận cười thỏa thích sau một chuyến về thăm quê bạn cũng là kỷ niệm khó quên.

 Diệu Vũ

MỚI - NÓNG