Du xuân đến khu dự trữ sinh quyển thế giới

Du xuân đến khu dự trữ sinh quyển thế giới
TP - Trong tiết trời se lạnh, nhóm bạn trẻ xã Xuân Ngọc (huyện Xuân Trường - Nam Định) rong ruổi xe máy xuống Vườn Quốc gia Xuân Thủy - vùng lõi của khu dự trữ  sinh quyển thế giới khu vực ven biển liên tỉnh đồng bằng châu thổ sông Hồng.
Du xuân đến khu dự trữ sinh quyển thế giới ảnh 1
Các bạn trẻ du ngoạn, chụp ảnh tại vườn quốc gia Xuân Thủy - Ảnh: N.H

"Đã thành thông lệ, đầu năm cứ hết hội đồng niên, đồng môn, chúng mình lại kéo nhau xuống đây. Du lịch đồng quê thú vị hơn nhiều" - nhóm trưởng Lê Văn Tuấn (26 tuổi, xã Xuân Ngọc) cho biết.

Từ đài quan sát trụ sở Vườn Quốc gia (VQG) Xuân Thủy, toàn bộ khu dự trữ sinh quyển này trải dài trên diện tích rộng đến hàng nghìn hécta, bao phủ bằng màu xanh của rừng ngập mặn, những khoảng xám của đầm tôm sinh thái...

Cả đoàn cùng đi bộ qua các sinh cảnh tự nhiên gồm các cánh rừng và các đầm tôm. Để đến được Cồn Lu, Cồn Ngạn, cả nhóm thuê thuyền dọc theo Sông Vọp ra cửa Ba Lạt (cửa sông Hồng).

Du xuân đến khu dự trữ sinh quyển thế giới ảnh 2
Nhiều loài chim quý đang sinh sống tại vườn quốc gia Xuân Thủy

Nhóm bạn trẻ cùng ghé thăm ngọn hải đăng Tiền Hải nằm sát biển, lên đài quan sát Cồn Ngạn và ghé thăm Cồn Xanh - một đảo cát pha mới bồi.

Xuân Thủy là vùng ngập nước đầu tiên của Việt Nam tham gia Công ước Quốc tế Ramsar (công ước bảo tồn những vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đặc biệt như là nơi cư trú của các loài chim nước - từ tháng 1 - 1989).

Tháng 12 - 2004, UNESCO tiếp tục công nhận VQG Xuân Thủy trở thành vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới khu vực ven biển liên tỉnh đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Ông Nguyễn Viết Cách - Giám đốc VQG Xuân Thủy cho biết, mỗi năm, có đến 5 - 7 ngàn khách trong nước và trên 500 khách quốc tế đến thăm quan, nghỉ dưỡng tại khu dự trữ này.

Để đi hết khu dự trữ sinh quyển này phải mất ít nhất một đến vài ngày. Nếu ngắm chim “đã” nhất là vào các buổi sáng sớm. Chim đậu từng bầy trên các ngọn cây, hay thong thả kiếm ăn dưới mặt nước.

Hiện vườn có đến hơn 220 loài thuộc 41 họ chim, nhiều loài chim di trú đã đến vườn, đặc biệt, nơi đây thường xuyên ghi nhận các loài chim nước quý hiếm trong sách đỏ quốc tế, như choát lớn mỏ vàng, rẽ mỏ thìa, cò lao Ấn Độ, cò trắng Trung Quốc...

MỚI - NÓNG