Dừng hoạt động tình nguyện nếu sai quy định

Anh Trần Quang Hưng, người sáng lập Tổ chức Tình nguyện vì Giáo dục (V.E.O) cho biết, từ trước, tổ chức đã mua bảo hiểm cho TNV khi tham gia hoạt động.
Anh Trần Quang Hưng, người sáng lập Tổ chức Tình nguyện vì Giáo dục (V.E.O) cho biết, từ trước, tổ chức đã mua bảo hiểm cho TNV khi tham gia hoạt động.
TP - Đó là quan điểm chung của các thủ lĩnh Đoàn trường ĐH, CĐ và các CLB, đội, nhóm hoạt động tình nguyện sau sự cố 3 tình nguyện viên (TNV) trường ĐH Ngoại thương Hà Nội chết đuối tại Quảng Ninh. Theo chỉ đạo của T.Ư Đoàn, các hoạt động tình nguyện của trường hay đội, nhóm cũng phải chấn chỉnh, thắt chặt hơn để đảm bảo an toàn cao nhất cho TNV.

Đảm bảo an toàn cho các TNV

Anh Vũ Duy Hải, Bí thư trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, sau sự cố 3 TNV của Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, theo chỉ đạo của ban lãnh đạo nhà trường, Đoàn Thanh niên đã triển khai các chương trình đảm bảo an toàn cho các bạn tham gia tình nguyện. Trong đó, nếu đội tình nguyện về địa phương đều phải có cán bộ khoa, viện của nhà trường theo dõi giám sát. Để được Đoàn trường đồng ý cho sinh viên tham gia tình nguyện hè, các bạn TNV phải có đơn tự nguyện tham gia, có xác nhận đồng ý của gia đình.

Anh Hải cho biết, thời gian trước, các hoạt động tình nguyện hè của trường phần lớn do các đội sinh viên tình nguyện tự tổ chức đi đến những vùng xa để hoạt động. Đoàn trường chỉ nắm được kế hoạch và báo cáo của các đội. Tuy nhiên, cách đây hai năm, Đoàn trường đã đứng ra tập hợp tổ chức, giám sát, phối hợp tổ chức và lên kế hoạch từ rất sớm để các hoạt động được cụ thể và hiệu quả.

Theo anh Hải, nên phát triển hoạt động tình nguyện theo chuyên môn của sinh viên để tận dụng khả năng của các bạn. Tránh làm quá sức mà không đúng chuyên môn. Đối với hoạt động tình nguyện của trường, Đoàn Thanh niên đã định hướng cho sinh viên tham gia hoạt động tình nguyện hè như: dạy học hè hay kỹ năng sống… hoặc những hoạt động mang tính đặc thù của sinh viên Bách khoa.

Anh Hải cho biết, sắp tới các đội tình nguyện của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tham gia Chiến dịch Mùa hè xanh trên địa bàn 9 xã của huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên. “Đối với các hoạt động của đội nhóm tình nguyện trong trường, chúng tôi sẽ kiểm tra đột xuất. Khi các đội tình nguyện có bất cứ hoạt động nào ngoài chương trình, không tuân thủ theo quy định của trường, nhóm mà gây hậu quả nghiêm trọng, chúng tôi sẽ yêu cầu tạm dừng và cho các bạn quay về luôn”, anh Hải nói.

Chú trọng công tác tiền trạm

Anh Trần Quang Vinh, Chủ nhiệm CLB Kết nối yêu thương cho rằng, để đảm bảo an toàn cho các bạn tham gia hoạt động tình nguyện, nhất là tình nguyện vùng sâu, vùng xa, trước hết phải chú trọng công tác khảo sát tiền trạm.

“Qua công tác khảo sát tiền trạm, BTC sẽ nắm bắt, tìm hiểu kỹ đời sống dân cư, đặc điểm địa lý. Qua đó, xây dựng chương trình hành động phù hợp thiết thực với địa phương. Đặc biệt, phải nắm rõ những rủi ro có thể xảy ra trong chuyến đi của đoàn tình nguyện để có những cảnh báo, chỉ dẫn cần thiết với TNV. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thanh niên địa phương để luôn đảm bảo an ninh, trật tự xã hội  và an toàn cho các TNV khi đến địa phương tham gia công tác tình nguyện”, anh Vinh nói.

Anh Vinh nhấn mạnh, nguyên tắc quan trọng nhất với các thành viên tham gia tình nguyện là tuyệt đối không được tách đoàn đi riêng, tự biết cách bảo vệ mình. Những nơi có địa hình phức tạp khi di chuyển phải có người bản địa dẫn đường. Mỗi chuyến đi tình nguyện cần có đội y tế đi cùng. Bởi đi tham gia tình nguyện không tránh khỏi những trường hợp bất ngờ xảy ra như: TNV bị ngộ độc, bị lũ cuốn, tai nạn giao thông hoặc bị ốm, sốt rét trên đường đi.

Theo anh Vinh, các TNV cũng cần có nhận thức đúng và tự trang bị cho mình các kỹ năng sinh tồn như: Bơi lội, kỹ năng sơ cứu, hiểu biết về môi trường, hỏi người dân bản địa để nhận diện hiểm nguy và biết các quy định bắt buộc khi tình nguyện vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, các TNV cần được cung cấp các thông tin, địa chỉ liên hệ để nhận được sự trợ giúp từ BTC khi gặp sự cố.

“BTC cần thắt chặt công tác quản lý, quán triệt kỷ luật đối với các TNV. Nếu vi phạm những quy định sẽ bị cho quay về. Phương tiện di chuyển phải đảm bảo tập trung, hạn chế hoặc không sử dụng phương tiện cá nhân. Mỗi chuyến đi đều có những rủi ro, cho nên hãy cẩn trọng, bổ sung kỹ năng và tính kế hoạch. Đó cũng là sự rèn luyện cần thiết cho tương lai”, anh Vinh nói.

Cũng là thủ lĩnh của hoạt động tình nguyện, anh Trần Quang Hưng, người sáng lập Tổ chức Tình nguyện vì Giáo dục (V.E.O) cho rằng, các tổ chức Đoàn cần đưa ra những quy định chặt chẽ hơn, có những điều khoản rõ ràng, quy củ hơn đối với các đơn vị tổ chức hoạt động tình nguyện. 

Ngoài ra, các cá nhân tham gia hoạt động tình nguyện cần có ý thức tuân thủ nội quy, quy định của tổ chức tình nguyện. Để chuyên nghiệp hóa, các đơn vị nên cân nhắc phối hợp với các đơn vị có kinh nghiệm tổ chức hoạt động tình nguyện, tránh tình huống đáng tiếc xảy ra. Vì không phải lúc nào tổ chức Đoàn cũng có thể thực hiện đầy đủ, làm tốt các công việc trên.

Ngày 6/7, T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư tới thăm viếng, chia buồn và động viên gia đình 5 học sinh bị đuối nước tại Bắc Giang vừa qua. Thay mặt đoàn công tác, anh Nguyễn Thái An, Phó Trưởng ban Công tác thiếu nhi T.Ư Đoàn gửi lời chia buồn sâu sắc và động viên thân nhân gia đình 5 học sinh gặp nạn. T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư cũng hỗ trợ gia đình mỗi em học sinh 1 triệu đồng. Anh An mong muốn bên cạnh việc dạy kỹ năng sống của nhà trường, việc cần thiết là phải tuyên truyền về trách nhiệm của người thân, các bậc phụ huynh trong việc đảm bảo an toàn cho con em mình, phải có các biện pháp cảnh báo, phòng ngừa, việc phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước học sinh và trẻ em cho người dân.

Lộc Hà

MỚI - NÓNG