Dùng mạng xã hội giúp ĐVTN tiếp cận các di sản

Tiết mục Ví phường vải tại diễn đàn “Nguyễn Du với Truyện Kiều”.
Tiết mục Ví phường vải tại diễn đàn “Nguyễn Du với Truyện Kiều”.
TP - Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền và nâng cao ý thức cho ĐVTN trong tìm hiểu, bảo tồn các di sản truyền thống của quê hương, đất nước, theo tôi Đoàn trường cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, ứng dụng có hiệu quả CNTT, mạng internet, đặc biệt là mạng xã hội để giới thiệu, nâng cao hiểu biết và giáo dục truyền thống cho ĐVTN. Qua thực tiễn hoạt động tại Đoàn trường THPT Can Lộc, việc ứng dụng CNTT, mạng xã hội có tác dụng rất lớn trong việc giúp ĐVTN dễ dàng tiếp cận các di sản, di tích lịch sử, văn hóa, kích thích hứng thú và tình yêu của người trẻ với các giá trị truyền thống. Đây chính là một biện pháp hữu ích trong việc “dùng mạng xã hội để trị mạng xã hội”, tức là phát huy những ưu điểm của mạng xã hội để khắc chế những mặt trái của mạng xã hội. Thông qua cuộc thi thiết kế video clip “Tuổi trẻ với truyền thống quê hương” giới thiệu về các khu di tích, lịch sử, văn hóa của quê hương Can Lộc và tổ chức bình chọn trên Facebook. Cuộc thi đã được hưởng ứng tích cực của đông đảo ĐVTN và mang lại nhiều lợi ích trong công tác giáo dục.

Thứ hai, đa dạng hóa các hình thức giáo dục truyền thống, trong đó chú trọng hình thức sân khấu hóa. Theo tôi, do đặc điểm tâm lý lứa tuổi, nên việc lồng ghép giáo dục truyền thống vào các hoạt động sân khấu hóa, các hoạt động văn hóa văn nghệ sẽ có sức lôi cuốn. Đoàn trường THPT Can Lộc đã minh chứng cho điều này khi thành công nhiều diễn đàn trong thời gian qua như: “Nguyễn Du với Truyện Kiều”; “Tự hào biển đảo Việt Nam”; “Thanh niên với bản sắc văn hóa dân tộc”; “Văn hóa dân gian - Cội nguồn dân tộc”; “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới”, Hội thi “Tiếng hát Dân ca, Ví dặm”…

Thứ ba, phát triển mạnh mẽ các CLB, đội, nhóm theo sở thích. Một trong nét mới của Đoàn trường THPT Can Lộc là sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của các câu lạc bộ, đội, nhóm theo sở thích như: Sáo trúc, Ví Phường Vải và đặc biệt là CLB Di sản. CLB Di sản hình thành gắn liền với xu hướng tìm hiểu các di sản, di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn qua các hoạt động như: “Tuổi trẻ với truyền thống quê hương”, các sinh hoạt chuyên đề “Mộc bản Trường học Phúc Giang”, “Văn hóa Trường Lưu” mang lại những kết quả tích cực trong công tác giáo dục truyền thống lịch sử địa phương.

Thứ tư, tăng cường tổ chức các hoạt động Về nguồn, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo gắn liền với các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn như: duy trì các hoạt động chăm sóc, dâng hương và nghe giới thiệu về các khu di tích lịch sử, văn hóa truyền thống: Nhà thờ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, Đền thờ Lưỡng Quốc Thám Hoa Phan Kính, nhà tưởng niệm Đại thi hào Nguyễn Du… hành trình về với các địa chỉ đỏ Ngã ba Đồng Lộc.

Thầy Trần Đình Dương
 
(Bí thư Đoàn trường THPT Can Lộc, Hà Tĩnh)

MỚI - NÓNG