Dựng nghiệp trên "biên giới mềm"

Dựng nghiệp trên "biên giới mềm"
TP - Từ quốc lộ 14 qua huyện Chư Sê, vượt hơn 100 km đường rừng đất đỏ, chúng tôi đến với làng thanh niên lập nghiệp biên giới Ia Mơr, tỉnh Gia Lai.
Dựng nghiệp trên "biên giới mềm" ảnh 1
Vụ lúa đầu tiên, chị Hương thu được hơn 12 tấn thóc

Giữa bạt ngàn rừng khộp vào mùa đổ lá, làng thanh niên bộn bề lúa, ngô và vật liệu xây dựng chuẩn bị xây nhà mới. Căn nhà của vợ chồng anh Phạm Văn Hiển và chị Nguyễn Thị Hương có lá cờ tổ quốc nổi bật hẳn giữa làng.

Anh Hiển cho biết, cuối năm 2007, vợ chồng từ xã Ia Pia, huyện Chư Prông, xung phong lên đây lập nghiệp. Bước đầu, Dự án hỗ trợ sáu tháng lương thực, cấp phát tư trang, dụng cụ sản xuất, được cấp 1.000m đất thổ cư, và 4.000m ruộng nước.

Vừa tròn một năm, thành quả lao động đã hiện hữu trong căn nhà mới của đôi vợ chồng trẻ. Đó là một kho thóc ngồn ngộn, ước chừng 12 tấn.

Trong số 5.400ha đất được chuyển cho dự án làng thanh niên lập nghiệp Ia Mơr, có hơn 550 ha đất đưa vào sản xuất nông nghiệp, trên bốn nghìn rưỡi ha đất lâm nghiệp sẽ được chuyển thành mô hình vườn rừng. Mỗi hộ đến đây lập nghiệp được cấp hơn một ha đất nông nghiệp và 15 ha rừng để quản lý bảo vệ và chăn nuôi gia súc dưới tán rừng.

Ông Nguyễn Văn Tươi, Thường trực Đảng ủy xã Ia Mơr, cho biết tháng chín vừa qua đã thành lập Chi bộ Đảng lâm thời với bảy đảng viên tại làng thanh niên lập nghiệp, trực thuộc Đảng bộ xã Ia Mơr.

Theo anh Nguyễn Hồng Phong, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án, làng thanh niên lập nghiệp biên giới Ia Mơr là “biên giới mềm”, lồng ghép nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội sâu sắc, đó là khai thác tiềm năng đất đai hoang hóa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển kinh tế hộ sản xuất nông - lâm nghiệp, giải quyết việc làm, cải thiện và nâng cao đời sống cho thanh niên địa phương.

Mùa khô này, thanh niên trong làng tích cực khai hoang để mùa mưa tới trồng khoảng 1.000 ha cao su trong kế hoạch trồng mới 3.000 ha cao su tại làng. Làng thu hút được gần 100 thanh niên từ các huyện trong tỉnh Gia Lai lên đây lập nghiệp và quyết tâm gắn bó lâu dài.

Khi khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia khởi động, hàng hóa của làng thanh niên không chỉ phục vụ nội tiêu mà sẽ sang các nước vùng Đông Dương. 

Bài, ảnh: Quốc Học

MỚI - NÓNG