Dựng nghiệp với chữ Cường

Dựng nghiệp với chữ Cường
TP - “Bác Hồ từng nói "dân có cường thì nước mới thịnh", chữ "cường" ở đây theo tôi hiểu là cường về thể chất và kinh tế. Tôi đã học Bác từ ý đó mà xây dựng cơ nghiệp cho mình”.

Một trong mười gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2008 Lê Hồng Thủy, dân tộc Tày, nói.

Dựng nghiệp với chữ Cường ảnh 1
Lê Hồng Thủy (hàng đầu bên phải) dạy thanh niên tập võ. Ảnh nhân vật cung cấp

Đi lên từ tay trắng, nay anh đã có trang trại rộng 20 ha, mỗi năm cho lãi 200 triệu đồng, đồng thời đưa phong trào thể dục thể thao tỉnh Bắc Kạn phát triển.

Tìm thầy học võ

Ông chủ 26 tuổi nhớ như in ngày tình cờ được xem hình ảnh về Bác, từ đó trong anh có nhiều thay đổi về suy nghĩ. “Đó là khi tôi 12 tuổi, tôi được xem đoạn băng tư liệu có cảnh Bác Hồ tập thái cực quyền. Cảm xúc trong tôi lúc đó rất lạ, tôi thực sự ấn tượng.

Rồi bốn năm sau, khi học lớp 10 tôi được nghe lại Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Bác (ngày 27/3/1946), tôi thấm thía nhiều điều. Càng ngẫm, tôi càng quyết định bắt đầu sự nghiệp của mình với tinh thần thể dục thể thao, ước mơ gây dựng phong trào tập thể dục tại tỉnh Bắc Kạn”, Thủy kể.

Nơi Lê Hồng Thủy sinh ra và lớn lên là vùng quê nghèo miền núi Nà Tu, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn). Đây cũng là nơi Bác Hồ tới thăm đơn vị thanh niên xung phong 312 ngày 28/3/1951 và tặng bốn câu thơ cho thanh niên: Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên.

Tốt nghiệp phổ thông năm 2001, Lê Hồng Thủy sang Trung Quốc với mục đích vừa mưu sinh vừa nghiên cứu võ thuật - môn Thái cực quyền.

Anh Đồng Văn Lưu - Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Kạn, cho biết:

Lê Hồng Thủy có công lớn trong phổ biến phong trào thể dục thể thao của nhiều vùng quê nghèo trong tỉnh, giúp các cụ già tập dưỡng sinh, thanh niên học võ miễn phí.

Hơn nữa, qua hoạt động của trang trại và các CLB Thủy góp phần đoàn kết tập hợp thanh niên, tạo việc làm cho thanh niên có thu nhập.

Đạp xe từ hồ Ba Bể, trong túi chỉ vỏn vẹn 37.000 đồng,  mất ba tháng anh mới đến cửa khẩu Tà Lùng (Cao Bằng). Dọc đường đi anh làm đủ việc để có tiền tiếp tục hành trình, khi rửa bát thuê, khi đi bốc vác, nhiều đêm ngủ ngay bên đường. Thức ăn chỉ có mì tôm, quần áo được phơi ngay trên xe.

Mười ngày ở cửa khẩu Tà Lùng vừa nhịn vừa làm thêm, anh chắt chiu được 100.000 đồng lấy đó làm hành trang sang Trung Quốc tìm lớp học võ. May mắn được một thầy giáo (ở Quảng Đông - Trung Quốc) chiêu mộ làm môn sinh, từ đó anh tự học tiếng, miệt mài võ luyện suốt hai năm ròng.

Năm 2003 trở về nước, anh tìm đến Hội Võ thuật Hà Nội xin được dự thi lớp huấn luyện viên võ thuật để có chứng chỉ về dạy võ sau đó lập môn võ Hồ Việt quyền. Việc xin giấy phép để Hồ Việt quyền là một môn phái còn gặp nhiều khó khăn nhưng anh đã thổi một luồng khí mới vào hoạt động thể dục thể thao ở vùng quê nghèo.

Hiện có 500 cụ già, hơn 1.000 thanh niên Bắc Kạn đang theo học môn võ này. Lê Hồng Thủy đã phần nào thực hiện được ước mơ phát triển phong trào thể dục thể thao nước nhà như lời kêu gọi của Bác. Anh đã mất gần chín năm để thực hiện điều đó.

Để duy trì các CLB thể dục dưỡng sinh, Aerobic, võ thuật, múa lân, hip hop tại các vùng Chợ Đồn, thị xã Bắc Kạn, Na Rì, Pắc Nặm, Lê Hồng Thủy phải ăn mì tôm 19 tháng, đi làm thuê mưu sinh. Các thành viên tham gia các CLB đều được học miễn phí. Nay đã có hơn 2.000 người tham gia phong trào thể dục thể thao tỉnh Bắc Kạn.

Vế khác của chữ Cường

Thực hiện đầy đủ và sâu sắc lời Bác dạy “dân có cường thì nước mới thịnh”, ngày 30/4/2006, Lê Hồng Thủy bắt tay xây dựng trang trại. Từ một khe núi hoang, sau bao ngày ăn cơm với ngô, ngủ trong rừng, đến nay anh đã có trang trại rộng 20ha trồng cây nguyên liệu trong đó chủ yếu cây keo mỡ, kinh doanh thực phẩm sạch (gà sạch, rau sạch) mật ong, chăn thả gia súc vừa tận dụng sức kéo vừa để lấy ngắn nuôi dài, trồng 10 ha rau bò khai, đặc sản của vùng núi Cao - Bắc- Lạng, cung cấp cho các tỉnh, thành phố lớn. 

Anh kể: “Mới đầu lập trang trại, tôi vay mượn tiền nuôi gà, gần 2.000 con gà sắp đến ngày thu hoạch thì bị cúm chết, gần hai tấn gà mất trắng, thiệt hại hơn 140 triệu đồng. Bạn bè cho mượn 10 triệu đồng, cộng với chút tiền tôi đi làm thuê đạo diễn đồng diễn thể dục, tôi chuyển sang kinh doanh ngô khoai, lúa gạo”.

Trúng đợt lương thực tăng giá, anh dần hồi phục, mạnh dạn mở rộng nuôi bò, vay vốn của T.Ư Đoàn nuôi ngựa bạch. “Trừ hết các chi phí, tính đến nay, lãi mỗi năm 200 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động với mức lương một triệu đồng/người/tháng”, Lê Hồng Thủy nhẩm tính.

Cùng với làm kinh tế, anh còn nhận hợp đồng đạo diễn dàn dựng chương trình đồng diễn thể dục thể thao tại các huyện trong tỉnh. Ngày 9/9/2009 này, Cty Cổ phần Việt Quyền của Lê Hồng Thủy chính thức ra đời với hoạt động chính là thể thao và trang trại.

MỚI - NÓNG