Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh:

'Dụng nhân như dụng mộc'

'Dụng nhân như dụng mộc'
TP - Ngay từ những ngày đầu Cách mạng tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra chính sách quy tụ nhân tài và sử dụng nhân lực đúng người đúng việc để phát huy sở trưởng cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc.
'Dụng nhân như dụng mộc' ảnh 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Hội nghị giáo viên toàn miền Bắc tại Thủ đô Hà Nội 1958

Do vậy Người đã tập hợp nhiều nhân sĩ, trí thức, các nhà khoa học tài năng, yêu nước trong Chính phủ và Quốc hội để chung lo gánh vác việc nước. Với cách dùng người này Người gọi là “Dụng nhân như dụng mộc”.

Câu chuyện sau đây của Thiếu tướng Triệu Huy Hùng, nguyên Cục trưởng cục Quân lực – Bộ Tổng Tham mưu được Bác Hồ chỉ bảo cho cách “Dụng nhân như dụng mộc” mà ông luôn ghi nhớ trong công tác tham mưu chiến lược khi làm kế hoạch động viên nhân lực phục vụ cho xây dựng Quân đội, củng cố Quốc phòng, kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đó là thời kỳ 1965 – 1968, Mỹ ồ ạt đưa quân vào tiến hành cuộc “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Để tăng cường sức mạnh tổng hợp đối phó với các cuộc chiến tranh này.

T.Ư và Bác Hồ đã ra lệnh động viên cả nước tất cả cho tiền tuyến để giành chiến thắng. Cùng với thanh niên mọi miền đất nước, thanh niên Hà Nội đã nô nức tòng quân lên đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Vào lúc này – năm 1964, có hơn 100 thanh niên vừa mới được đào tạo về kỹ thuật ở Liên Xô về đang tập trung ở nhà máy Trung quy mô Hà Nội để chờ bố trí công việc phát huy khả năng học tập của anh em về kỹ thuật. Nhưng vừa khi có lệnh động viên, nên hầu hết số thanh niên này đã tình nguyện nhập ngũ vào Quân khu Thủ đô và được huấn luyện quân sự khóa tân binh 3 tháng trước khi điều chuyển phân bổ cho các đơn vị chiến đấu.

Trong khi đang dự huấn luyện tân binh, anh em đã hăng hái học tập và viết thư gửi cho Bác Hồ bày tỏ nguyện vọng với Bác là chúng cháu vừa học tập kỹ thuật 3 năm ở Liên Xô về, rất muốn ra chiến trường tham gia chiến đấu hợp với nghề kỹ thuật cơ khí, máy móc mà chúng cháu đã được đào tạo để phát huy kỹ năng phục vụ quân đội.

Nhận, đọc thư, Hồ Chủ tịch đã chuyển cho Trung tướng Lê Quang Đạo – Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và ghi ý kiến cuối lá thư này của anh em chiến sĩ tân binh: “Chú Đạo xem, cho kiểm tra, ngày mai trả lời Bác”.

Thiếu tướng Triệu Huy Hùng nhớ lại: Hôm đó anh Đạo đã điện cho tôi xem thực tế việc này như thế nào để báo cáo với Bác. Tôi liền trực tiếp đi kiểm tra thì thấy đúng như anh em chiến sĩ phản ảnh với Bác Hồ. Qua đó, Bộ Tổng tham mưu đã đặt kế hoạch sau khi kết thúc khóa huấn luyện quân sự sẽ bố trí số anh em này về các đơn vị kỹ thuật của bộ đội để sử dụng đúng ngành nghề đào tạo; và tôi đã báo cáo lại với anh Đạo trong ngày hôm đó.

Hôm sau Trung tướng Lê Quang Đạo đã đến báo cáo lại với Hồ Chủ tịch đúng như thời gian Người ghi trong thư, về cách sử dụng số anh anh em này của Bộ Tổng tham mưu. Nghe báo cáo, Bác tỏ ra hài lòng và nói: “Dùng người thế là được, dụng nhân phải như dụng mộc, mới phát huy được tác dụng, nếu không thì lãng phí công đào tạo”.

Thiếu tướng Hùng kể tiếp: Tưởng việc thực hiện theo yêu cầu của Bác như thế là xong và qua đó cơ quan Quân lực cũng rút ra được lời chỉ dạy của Người về cách sử dụng con người, sử dụng lực lượng trong Quân đội.

Nhưng không ngờ, sau đó 3 năm, vào cuối năm 1967, trong lúc tôi đang được Bộ Tổng tham mưu cử lên báo cáo với Thủ tướng Phạm Văn Đồng  về động viên chuẩn bị lực lượng cho Tết Mậu Thân 1968, thì Bác Hồ đến phòng làm việc của Thủ tướng trong khu Phủ Chủ tịch.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng liền đứng dậy báo cáo: “Thưa Bác hôm nay đồng chí Triệu Huy Hùng bên Bộ Tổng tham mưu – Bộ Quốc phòng sang báo cáo về xây  dựng lực lượng”.

Sau khi nghe Thủ tướng báo cáo, Bác nhìn tôi thân mật cười đôn hậu và nói vui:

Trong Quân đội các chú có câu thành ngữ mới “Súng là vợ, đạn là con”. Đúng thế, súng đạn là rất quý đối với chúng ta, nhưng con người là quý nhất, quan trọng nhất, vì vậy các chú phải nuôi quân, luyện quân, và dùng quân cho tốt, sử dụng con người sao cho có kết quả, đừng lãng phí.

Rồi như nhớ ra, Bác vỗ vai tôi hỏi: “Cách đây 3 năm, Bác có nhận được bức thư của các anh em chiến sĩ Hà Nội là công nhân kỹ thuật mới học tập ở Liên Xô về và vừa được động viên vào Quân đội; bây giờ số anh em đó thế nào?”.

Tôi đứng dậy định thưa với Bác, Bác bảo cứ ngồi  mà trao đổi nhẹ nhàng thoải mái. Tôi báo cáo với Bác: “Các chiến sĩ đó sau khi được huấn luyện quân sự theo chương trình tân binh, Bộ Tổng tham mưu đã điều về Tổng cục Hậu cần sắp xếp công việc đúng ngành nghề kỹ thuật và anh em đã phục vụ tốt cho các đơn vị chiến đấu”.

Nghe vậy Bác cười rất vui, gật đầu nói: “Bác cũng đã nghe chú Lê Quang Đạo báo cáo lúc đó. Các chú làm thế là tốt. Sử dụng con người phải nhớ “Dụng nhân như dụng mộc” – thế mới là người dùng quân giỏi”.

Để kết thúc câu chuyện, Thiếu tướng Hùng nhớ lại: Lúc đó tôi thật không ngờ và vừa  ngạc nhiên, vừa kính phục về trí nhớ và sự quan tâm của Bác đối với nguyện vọng chính đáng của người chiến sĩ.

Đến bây giờ đã 40 năm tôi vẫn luôn thầm nghĩ tấm gương đạo đức, sự vĩ đại của Người không chỉ là việc hệ trọng đại sự của quốc gia, quốc tế, mà còn là từ việc nhỏ, bình thường đối với con người mà không phải ai cũng có được.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.