Dùng thân mình làm ngân hàng máu

Chủ nhật Đỏ 2014 do báo Tiền Phong tổ chức. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Chủ nhật Đỏ 2014 do báo Tiền Phong tổ chức. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Mỗi giờ, mỗi phút vẫn có nhiều người không may mắn cần những giọt máu của bạn để giành lại sự sống. Thực hiện sứ mệnh “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, đã có nhiều CLB Ngân hàng máu sống được thành lập, tổ chức hiến máu khẩn cấp, kêu gọi được hàng nghìn đơn vị máu mỗi năm để thực hiện nghĩa cử cao đẹp đó.

Chị Nguyễn Thị Như Quỳnh, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo hiến máu tình nguyện (HMTN) tỉnh Yên Bái là một ngân hàng máu sống. Trải qua gần 30 lần hiến máu, chị Quỳnh cho biết trong đó có 14 lần hiến máu trực tiếp tại chỗ cứu những bệnh nhân trong lúc nguy kịch.

Tháng 9/2009, bệnh nhân Trần Hương Giang, nhóm máu A mắc bệnh hiểm nghèo cần mổ gấp, hồng cầu chỉ còn 1 triệu, hoàn cảnh gia đình Giang quá éo le và khó khăn. Khi đó, Hội chữ thập đỏ tỉnh Yên Bái đã gọi điện cho chị Quỳnh đề nghị hiến máu gấp. Tạm gác công việc, chị chạy xe gần 20km đến bệnh viện hiến 250ml máu. Chị Quỳnh tâm sự: “Sau lần hiến máu đó, Giang và tôi nhận làm chị em kết nghĩa. Tôi luôn động viên chia sẻ, giúp đỡ và sẵn sàng hiến máu cho Giang bất kỳ lúc nào”.

“Hiến máu cứu người là nghĩa cử cao đẹp, xuất phát từ sự hiểu biết, trách nhiệm và lòng nhân ái của mỗi người. Máu của bạn có thể cứu được tính mạng của nhiều người bệnh, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho gia đình họ. Máu cứu người ở ngay trong trái tim mỗi chúng ta”. 

Nguyễn Thị Như Quỳnh

Chị Quỳnh vẫn nhớ như in, ngày 15/10/2012, khi đang nằm ngủ, chị nhận được cuộc gọi của bác sĩ khoa Huyết học và Truyền máu tỉnh Yên Bái thông báo cháu Trương Thị Hành bị suy tim, huyết tán, Bardo nặng đang nguy kịch. Chị Quỳnh lập tức đến bệnh viện hiến máu cho bé trong một đêm mưa tầm tã.

“Mỗi lần hiến máu tôi luôn cảm nhận mình đã gieo thêm mầm thiện, phần máu nhỏ bé của mình sẽ góp phần cứu sống được ai đó trong cuộc sống này. Khi nào còn đủ sức khỏe, tôi còn tiếp tục hiến máu".

Bác sĩ Đặng Bạch Yến, Phó Khoa Huyết học Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, người 4 lần trực tiếp làm thủ tục lấy máu cho chị Quỳnh cho biết: “Những bệnh nhân trong tình trạng phẫu thuật, cần máu khẩn cấp luôn được chị Quỳnh hiến máu kịp thời, đó là điều vô cùng may mắn. Quỳnh như ngân hàng máu “di động” của tỉnh Yên Bái”.

“Tốt nghiệp trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh em sẽ học thêm ngành dược. Dù làm gì, ở đâu, trong tâm niệm của em, việc hiến máu cứu người và giúp đỡ người khác luôn đặt lên trước tiên”. 

Nguyễn Thị Sao Mai - Sinh viên trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh hơn 20 lần hiến máu và nguyện hiến máu suốt đời cho một em bé nghèo.

Trần Mạnh Quyền, Chủ nhiệm CLB Hiến máu nhân đạo trường ĐH Y Dược Thái Bình, kể: “Năm 2009, có sản phụ 27 tuổi bị băng huyết sau sinh. Chỉ định của bác sĩ khi ấy là phải cắt toàn phần tử cung của sản phụ này. Trong tình trạng thiếu máu nguy kịch, được biết mình thuộc nhóm máu A có tên trong danh sách hiến máu nên bác sĩ đã gọi cho mình. Khi đó, mình đang đi thực tập, cách Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình 30km. Sau cuộc điện thoại, trong lòng không có suy nghĩ nào khác hơn là cứu người, mình bắt ngay xe bus về bệnh viện. Hiến máu xong mình bị choáng mãi mới đứng dậy được và biết người được truyền máu chính là sản phụ mình gặp lúc chiều ở bệnh viện huyện”.

Anh Nguyễn Tiến Danh, Chủ nhiệm CLB Ngân hàng máu sống tại TPHCM, người đã 38 lần hiến máu, trong đó 10 lần hiến máu cho những ca mổ tim trở thành điển hình tiêu biểu của ngân hàng máu sống di động. Anh Danh chia sẻ về một ca hiến máu để lại cho anh dấu ấn mạnh trong cuộc đời tình nguyện: “khoảng 22h30, một bệnh nhân tim cần hiến máu trực tiếp, bác sĩ gọi gấp cho tôi. Khi đó, vợ tôi đi trực đêm, nhà chỉ có hai bố con, không biết làm sao tôi đành phải gửi con cho hàng xóm và lao đến bệnh viện và hiến lập tức. Rất may mắn ca đó được kíp mổ thực hiện thành công”.

Dùng thân mình làm ngân hàng máu ảnh 1

Năm 2013, Nguyễn Thị Như Quỳnh (đang nằm hiến máu) là một trong 20 tình nguyện viên tiêu biểu nhận giải thưởng tình nguyện quốc gia. Ảnh: Huyền Châu.

Ngân hàng của hàng nghìn đơn vị máu

Năm 2013 tỉnh Yên Bái thành lập Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh.  Nhằm đảm bảo nguồn cung cấp máu an toàn, đầy đủ cho bệnh nhân, Ban Chỉ đạo đã thành lập 17 CLB ngân hàng máu sống và ứng trực các nhóm máu A, B, AB, O với 349 thành viên. trong những năm qua, Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh Yên Bái đóng góp vào ngân hàng máu sống của tỉnh hàng nghìn đơn vị máu. Từ năm 2012 - 2013 thu được 5.800 đơn vị máu qua 20 chiến dịch.

Chị Nguyễn Thị Như Quỳnh, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo HMTN tỉnh Yên Bái, chia sẻ: “Khi có thông tin từ bệnh viện là có bệnh nhân nghèo cần máu truyền cấp cứu, tôi sẽ liên lạc trực tiếp với các tình nguyện viên xem ai có cùng nhóm máu sẽ vận động họ đi hiến ngay. Trong thời gian vừa qua, tôi đã vận động được 28 tình nguyện đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái hiến máu cứu sống người bệnh”.

Dùng thân mình làm ngân hàng máu ảnh 2

10.036 Đơn vị máu

Là con số kỷ lục của “Chủ Nhật Đỏ” lần thứ 6, năm 2014”.  Từ 1 điểm ban đầu tổ chức ngày 23 Tết (18/1/2009), đến năm 2014, “Chủ Nhật Đỏ” lần thứ 6 năm 2014  đã được tổ chức đồng loạt ở 15 điểm hiến máu tại 10 tỉnh, thành phố, với lượng máu thu được đạt kỷ lục là 10.036 đơn vị, gấp 2 lần tổng số 5 lần tổ chức trước đó cộng lại.

Mời tham gia Chủ Nhật Đỏ 2015

Chủ Nhật Đỏ - Ngày hội hiến máu tình nguyện do báo Tiền Phong khởi xướng và tổ chức từ năm 2009. Năm nay, Báo Tiền Phong phối hợp Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Cục Quản lý Khám Chữa bệnh (Bộ Y tế), Viện Huyết học và Truyền máu TƯ, tổ chức Chủ Nhật Đỏ tại 18 tỉnh thành, phố trên cả nước, từ ngày 9/1 đến 4/2/2015; cao điểm hai ngày Chủ nhật 25/1 và 1/2, do TH True milk tài trợ chính.

Mời các bạn tham gia ngày hội của những tấm lòng thiện nguyện.

Chủ Nhật Đỏ: Hiến máu Cứu người - Sinh mệnh của bạn và tôi.

MỚI - NÓNG