Em là chìa khóa của kho tàng

Em là chìa khóa của kho tàng
Lửa Ấm - Trong triệu triệu người đàn bà trên mặt đất, có bao nhiêu phần trăm biết dùng tiền, biết giữ tiền, biết nắm giữ và kiểm soát tài sản? Những người lạc quan trả lời, năm mươi phần trăm.

Em là chìa khóa của kho tàng

Lửa Ấm - Trong triệu triệu người đàn bà trên mặt đất, có bao nhiêu phần trăm biết dùng tiền, biết giữ tiền, biết nắm giữ và kiểm soát tài sản? Những người lạc quan trả lời, năm mươi phần trăm.

Em là chìa khóa của kho tàng ảnh 1
Ảnh: minh họa - Internet

Tôi kém lạc quan hơn: 20% mà thôi. Sử dụng đồng tiền cho đúng cũng khó ngang với làm ra nó. Việc kiếm tiền là việc đàn ông (tôi không theo chủ nghĩa nữ quyền, không muốn đàn bà phải bươn chải chèo chống), việc giữ và tiêu tiền là việc đàn bà, nội tướng. Tất nhiên bạn có thể đổi vai, không sao, miễn là khi người này làm thì người kia phải giữ.

Tôi nghe nhiều ông chồng than thở, mình bị vợ quản lý tiền chặt quá, không bao giờ "tư túi" được chút gì, giờ phải kiếm cách lập quỹ đen. Kể ra lời than ấy đáng để thông cảm. Quản lý chặt chưa hẳn là quản lý tốt. Không cho chồng tiêu tiền chẳng có gì bảo đảm là đồng tiền không bị thất thoát, mà có khi còn thất thoát ở những nơi không ngờ đến.

D., bạn tôi, lập quỹ đen bằng cách nhận làm thêm các việc ngoài, không cho vợ biết, tiền công cất riêng. "Được bao nhiêu đâu ông, nhưng còn hơn là hở chút là phải ngửa tay xin vợ, không nhục nhã gì vì tiền mình kiếm mà, chỉ thấy buồn cười, và phiền." Vợ D. biết vun vén, tích lũy để mua nhà mua đất, khách quan mà nói thì đâu có gì đáng chê trách, song giá mà cô ấy biết cảm thông hơn một chút…

Giá mà, nếu như, kiểu nói này là cầu toàn chủ nghĩa.

Cảm thông một chút hay nhiều chút cũng còn tùy vợ tùy chồng. Có người tự biết kiềm chế, người lại vung tay quá trán. Vợ H. quản lý đến từng xu, tiền dằn túi của chồng do vợ cấp, mỗi ngày phát lương như thể chồng là thợ ăn khoán công nhật.

Bạn bè đến rủ đi cà phê, H. không dám đi vì chẳng lẽ lần nào cũng để bạn trả. H. tìm cách lập quỹ đen nhưng chỉ đủ mua đĩa phim về xem hàng đêm cho đỡ buồn, đỡ phải gây gổ với vợ về chuyện tiền bạc. Bạn bè thì ngày càng ít lui tới. Cơm nhà quà vợ, ở đây vợ cho quà nhỏ giọt. Hạnh phúc được ban bố nhỏ giọt. H. nay vui thú trong cô đơn, dần dà cũng quen, không nhớ bạn, không cần tiêu tiền nữa. Âu cũng được xem là một dạng hạnh phúc vậy.

Có những người vợ kiểm soát mức tiêu tiền của chồng rất nghiêm, còn bản thân mình lại thả cửa. Ba cuốn sách, một cái Playstation của chồng thì bị ghi sổ, nhưng sổ không ghi hai đôi giày Ferragamo và ba cái túi Vuitton vợ tự sắm. Đó là những người vợ quan niệm đàn bà phải làm đẹp, còn đàn ông chỉ cần tối thiểu, sắm thêm gì cũng là hoang phí. Đàn ông không cần sách, không cần cà phê thuốc lá, không cần game vẫn là đàn ông, đàn bà thiếu Vuitton chưa đáng mặt đàn bà.

Tôi không phải là người giỏi tiêu tiền. Kiếm tiền cũng không giỏi, điểm duy nhất đáng tự hào là kiếm tiền lương thiện, lại bằng nghề mình thích, mình có năng lực. Thế nên tôi rất cần người đàn bà biết giữ tiền, biết chi tiêu, kiểm soát đồng tiền.

Không phải xấp tiền nào đem về cũng là tiền "của chúng ta", vì trong đó có cả vốn lẫn lãi, cả tiền tạm ứng, tiền tích lũy, tiền vay, tiền lãnh hộ người khác. Nhiệm vụ của người nội tướng là làm rõ các nguồn tiền, đặt tên cho chúng và đưa chúng vào đúng kênh chi dụng. Sợ nhất là trông thấy tiền nào cũng ngỡ… của mình.

Tôi cũng là người mê tiền, mê kiếm tiền và khi có tiền cũng khá hoang phí. Vì vậy người đàn bà của tôi phải thông minh đủ để nắm giữ két sắt sao cho không bị thâm hụt mà đừng siết cứng như bà thủ quỹ khó tính, nguyên tắc. Điều làm nên hạnh phúc bền chặt là biết nương nhẹ, biết xoay chuyển, biết khuyên nhủ, biết đưa ra những cảnh báo khi cần và biết thả tự do khi có thể.

Tay hòm chìa khóa ai cũng mơ ước. Mơ bàn tay vàng giữ hòm xiểng, mơ chìa khóa chất lượng cao, thì đương nhiên. Chứ nếu chỉ siết chặt như vòng kim cô thì ai còn dám lấy vợ. Và vợ chỉ biết shopping vô tội vạ thì ai lấy vợ làm chi.

Quốc Bảo
Lửa Ấm

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG