Em mãi gọi tên anh

Em mãi gọi tên anh
TP - Tò mò đứng sau lưng, tôi thấy anh dùng 1 con dao nhọn cứa vào đầu ngón tay – và tôi chợt hiểu  - lá đơn tình nguyện nhập ngũ anh đã viết bằng máu của mình.
Em mãi gọi tên anh ảnh 1
Liệt sĩ Võ Triệu Tường (ảnh chụp lại từ bài báo năm 1970)

Năm 1970, một năm sau ngày anh trai tôi nhập ngũ, gia đình tôi nhận được một món quà vô giá. Đó là tờ báo Quân khu Việt Bắc, trong đó có bài viết của nhà văn Ma Văn Kháng về anh trai tôi,

một người lính trẻ gương mẫu trong tập luyện trước ngày ra chiến trường với tít bài “Gương rèn luyện để được đi đánh Mỹ” kèm theo một bức ảnh với gương mặt và nụ cười rạng ngời và chú thích “Võ Triệu Tường - Vai vác nặng trên đường hành quân”. Cả gia đình tôi rất vui và tự hào.

Nhớ lại trước đó một năm (năm 1969), sau khi anh dự thi đại học, ở nơi sơ tán, dưới ánh đèn dầu, tôi cứ thấy anh trai mình hí hoáy viết. Tò mò đứng sau lưng, tôi thấy anh dùng 1 con dao nhọn cứa vào đầu ngón tay – và tôi chợt hiểu  - lá đơn tình nguyện nhập ngũ anh đã viết bằng máu của mình.

Anh dặn tôi không được nói cho bố mẹ biết, và khi anh tôi được nhập ngũ – cả nhà mới biết điều này. Lúc ấy tôi học lớp 7 - còn đeo khăn quàng đỏ - đã thầm thán phục anh trai mình.

Sau đó gần 2 năm (1972), gia đình nhận được giấy báo tử - anh trai tôi đã hy sinh khi làm nhiệm vụ trong một mũi trinh sát đặc công,  tại chiến trường Nam Lào vào tháng 9/1971.

Trước đó, về với gia đình là những bức thư anh trai tôi viết khi được tuyên dương là “Dũng sỹ diệt Mỹ” ở cao nguyên Bôlôven. Rồi bức thư gửi về từ Xavanakhet…

Cả gia đình tôi lặng đi trong đau thương nhưng xen lẫn niềm tự hào. Anh trai tôi đã làm đúng lời dặn của bố tôi trước lúc nhập ngũ: “Con ra chiến trường nếu có hy sinh thì hãy chết cho thật vẻ vang”.

Báo tử anh tôi về khi tôi là sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Tài chính. Tôi về nhà dự lễ truy điệu và thực sự kinh ngạc: Mẹ tôi không khóc! Ôm tôi vào lòng bà dặn: “Hãy học giỏi để xứng đáng với anh”. Nhưng đêm ấy, giường bà rung lên bởi tiếng nức nở đến quặn lòng.

Mẹ không khóc trước mặt tôi. Anh tôi hy sinh khi tuổi đời tròn 19, chưa hề nắm tay một người con gái - Vô số những bông hoa trắng muốt bên ảnh thờ anh.

Nhiều năm qua tôi đi tìm anh trai mình bằng nhiều phương cách, cả chính quy và ngoại cảm. Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị và Quân khu (QK4) đều đã trả lời gia đình, là sẽ tiếp tục tìm kiếm quy tập liệt sỹ trên đất bạn Lào về Đất Mẹ.

Rất tiếc trong số đã quy tập chưa có tên liệt sỹ Võ Triệu Tường. Tôi đã nhờ anh em đồng nghiệp ở Quảng Trị nhiệt tình tìm kiếm giúp tôi trên 72 nghĩa trang liệt sỹ  mà vẫn vô vọng.

Tôi đã tìm đến những nhà ngoại cảm lừng danh. Qua một nhà ngoại cảm - anh tôi nhắn lại: “Xin mẹ và em cho anh được ở lại với đồng đội, ở đây bọn anh được bà con Lào chăm sóc rất tận tình, mộ chí được vun đắp và nhất là được bà con Lào cho ăn xôi ngon lắm, gia đình không phải lo lắng gì cả”…

Nhìn tấm ảnh thờ anh trai tôi (gia đình dùng tấm ảnh chụp trên báo để thờ), tôi có lưu bút 4 câu thơ: “Còn giặc anh còn đi đánh giặc/Chiến trường giục giã bước hành quân/... Ngày mai rộn rã non sông/Vui tin chiến thắng - Mẹ mong anh về... Thế mà đã 36 năm rồi, mái tóc mẹ đã bạc phơ cùng năm tháng, tôi vẫn không tìm được anh trai về cho mẹ - ngàn lần con xin tạ lỗi với mẹ - Mẹ ơi!

Nhân kỷ niệm 32 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/2007), tôi cùng các đồng nghiệp dâng hương ở tháp chuông Thành cổ Quảng Trị bên dòng sông Thạch Hãn anh hùng và nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, Đường 9.

Tôi đi để tỏ lòng tôn kính các anh hùng liệt sỹ, để tri ân các thế hệ cha anh và cũng mang theo một hy vọng mong manh, biết đâu mộ anh trai mình đã được quy tập về đây.

Tôi đi khắp nghĩa trang Đường 9 trong tâm trạng phảng phất anh tôi nằm ở đâu đó trong hàng nghìn ngôi mộ chưa biết tên kia. Cắn chặt môi cũng không giữ được tiếng khóc nén lặng trong lòng bấy nhiêu năm, tôi quỳ xuống một ngôi mộ vô danh, kính cẩn thắp một nén hương cho lòng vợi đi và nhủ lòng mình:

Em đã đến với anh, rất gần, mong vong linh anh siêu thoát nơi suối vàng. Dưới cái nắng như đổ lửa của miền Trung, Quảng Trị đối với tôi như gần hơn, ấm áp thân thương hơn, một cảm giác như đã đến được với người anh thân yêu của mình.

Những ngày này cả nước đang trân trọng kỷ niệm 60 năm ngày thương binh liệt sỹ (27/7) và đặc biệt kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ 2 nước Lào - Việt, 36 năm đã trôi qua, niềm tự hào còn đọng mãi.

Dù nhỏ nhoi, song liệt sỹ Võ Triệu Tường đã tự nguyện cống hiến tuổi thanh xuân và hy sinh anh dũng vì độc lập, tự do và hòa bình của hai đất nước Lào, Việt.

MỚI - NÓNG