Em muốn về quê ăn Tết

Em muốn về quê ăn Tết
TP - Trong khi các bạn ở lớp toàn trẻ nhiễm HIV tíu tít cùng các anh chị sinh viên tình nguyện chuẩn bị cho đêm tất niên sớm bên chân núi Ba Vì (Hà Nội), một bé gái thu lu góc nhà rồi chảy nước mắt: “Em muốn về quê đón Tết”.
Em muốn về quê ăn Tết ảnh 1
Lê Thúy Uyên : “Em muốn về quê đón Tết. Em nhớ ông bà!”. Ảnh : PV 

Đêm bên nồi bánh chưng

Từ 18 tháng Chạp, nhóm tình nguyện Chung tay và xưởng sơn mài Kiến gỗ lên kế hoạch mua 500 lá dong rừng bản to xanh từ Lạng Sơn, hơn 30 kg gạo nếp, 6,5kg đỗ, bảy ki lô gam thịt.

Tất cả được tập kết tại xưởng Kiến gỗ từ chiều 19/12 âm lịch và 22/12 các tình nguyện viên bắt tay vào gói bánh. 26 Tết, họ lên Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội số 2 (Ba Vì, Hà Nội) tổ chức đêm tất niên cho các em.

Em muốn về quê ăn Tết ảnh 2
Hơn 60 chiếc bánh chưng đã được các tình nguyện viên gói tặng các em nhỏ có H Ảnh: Hải Yến

Trong nhóm tình nguyện, có người chưa từng gói bánh chưng,  gói năm lần mới được một chiếc bánh vuông. Tám giờ tối 22 Tết, nồi bánh chưng đầu tiên với 20 chiếc được nhen lửa. Đêm 25 Tết, hai giờ sáng, mẻ bánh chưng thứ hai, với gần 40 chiếc  tiếp tục vào nồi.

Ngoài tặng bánh chưng, nhóm tình nguyện dùng toàn bộ số tiền tài trợ (10 triệu đồng) mua bánh kẹo, hoa quả, đồ chơi, vở tập vẽ, tất tay, chân, quần áo ấm tặng các em.

“Lâu rồi mới được ngồi bên bếp lửa, trông bánh, ngửi mùi lá bánh, tuổi thơ ùa về”. Lê Bình (sinh viên năm thứ nhất- ĐH Bách khoa Hà Nội), tâm sự.

Nhóm tình nguyện đến từ nhiều trường đại học trên địa bàn Hà Nội, nhiều người quê ở Nghệ An, Hải Dương, Lạng Sơn... Dương Linh, phụ trách nhóm tình nguyện xưởng sơn mài Kiến gỗ, làm câu đối tặng các em. Chữ Tất Niên Ấm- tên của chương trình, được vẽ trên hình tròn đỏ, nhũ vàng, cá chép vàng lớn. Cả nhóm cắt dán, tô điểm, chú Tễu, đầu Lân... tất cả rực rỡ sắc màu.

“Con không có gia đình”

Em muốn về quê ăn Tết ảnh 3
Lê Thúy Uyên : “Em muốn về quê đón Tết. Em nhớ ông bà!”. . Ảnh : PV 

19 em ở lớp lớn, 15 em ở lớp mầm non hầu hết  đều mồ côi hoặc bị bỏ rơi. Chị Hoàng Hồng Hạnh, phụ trách lớp lớn, tâm sự: “Bé Nguyễn,  chín tuổi, thấy gia đình em Linh (lớp mầm non) đón về ăn Tết nói với tôi: Con không có gia đình, chẳng ai đón con. Con ở lại đây ăn Tết với các mẹ.

Biết tin các anh chị nhóm tình nguyện Chung tay và xưởng sơn mài Kiến gỗ tổ chức đón Tết, các em đón chờ từng ngày, thi thoảng lại hỏi: “Mẹ ơi sắp đến  26  Tết chưa”.

Khi các bạn tập trình diễn thời trang bằng giấy cho đêm tất niên, Lê Thúy Uyên (14 tuổi, quê Quảng Ninh) ngồi thu lu một góc.

Em khóc: “Em muốn về quê đón Tết. Em nhớ ông bà!”. Tôi hỏi: “Có ai gọi điện hay gửi quà tết cho em không?”. Em lắc đầu. Rồi Uyên lại khóc, và bỏ dở ngày làm người mẫu nhí.

Nguyễn Thu Thủy (12 tuổi) an ủi bạn rồi quay sang chúng tôi: “Em mong ngày các anh chị lên lắm”.

Sáng 26 Tết, ở Trung tâm Giáo dục lao động số 2 cùng hơn 20 tình nguyện viên, người trình bày sân khấu, người tổng duyệt màn trình diễn thời trang, kẻ chuẩn bị đạo cụ văn nghệ... Hối hả.

Quỳnh Chi: “Điểm nhấn của chương trình tất niên sẽ là vở kịch Chuyện nhà Táo quân. Chương trình biểu diễn thời trang xuân bằng giấy của các em, múa lân, hát alibaba, rap, liên khúc xuân...

Những nụ cười, những cái vẫy tay chào, cái bắt tay, điệu đi, tạo dáng... những người mẫu nhí nhún nhảy trên sân khấu.

“Mấy hôm trước em chẳng nghĩ gì đến Tết”, Nguyễn Việt Nhật  (chín tuổi) chỉ tay vào nhóm bạn đang diễn thời trang, mắt sáng lên hy vọng.  

Bà Đỗ Thị Ngọc Phương- Cục phó Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em- Bộ LĐTB&XH, cho biết, cả nước hiện có khoảng 2,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, và ở mỗi địa phương có những hình thức quan tâm khác nhau đối với các em trong những ngày lễ, Tết. Ngày 19/1/2009, Cục có công văn gửi Sở LĐTB&XH các tỉnh, thành đề nghị các địa phương quan tâm, chăm sóc các em có hoàn cảnh khó khăn dịp Tết Kỷ Sửu 2009.
MỚI - NÓNG